Robot 'khủng' xuyên lòng đất Sài Gòn

25/05/2017 09:14 GMT+7

Lần đầu áp dụng tại VN, robot TBM dài 70 m, nặng 300 tấn, được mệnh danh “quái vật”, ngày mai (26.5) sẽ chính thức xuyên lòng đất để đào hầm thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).

Công nghệ khoan ngầm hiện đại nhất VN
Tại buổi họp báo tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị (metro) của TP.HCM hôm qua, kỹ sư Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng tuyến metro số 1, cho biết ngày mai robot TBM (Tunnel Boring Machine) bắt đầu khoan đường hầm với chiều dài 781 m kết nối hai đầu nhà ga gồm ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son.
VIDEO: Metro Bến Thành - Suối Tiên đang thành hình uốn lượn giữa Sài Gòn

tin liên quan

Đại công trường Metro trong lòng đất... Sài Gòn
Trong khi các ngả đường trước khu vực Nhà hát Thành phố, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) luôn nườm nượp dòng người qua lại, thì dưới lòng đất nơi này là một “thế giới” khác cũng tất bật không kém.
Liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda (Nhật Bản) và nhà thầu thi công gói thầu 1b đang khẩn trương chuẩn bị vận hành robot khoan ngầm theo phương pháp đào TBM. Đây là công nghệ tiên tiến, lần đầu được áp dụng tại VN.
Tiến độ toàn dự án đạt 40%
Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỉ USD (hơn 47.000 tỉ đồng) được khởi công tháng 8.2012. Metro số 1 dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và H.Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Toàn bộ dự án có 5 gói thầu, hiện tiến độ chung đạt 40%, đến tháng 10.2020, xong toàn bộ và vận hành khai thác.
TBM là máy khoan nằm ngang, được sản xuất tại Nhật, trị giá khoảng 4 triệu USD, đường kính 6,79 m được chuyển về TP.HCM hồi đầu năm nay và lắp ráp xong vào ngày 23.3. Robot này có khả năng đào đất an toàn, tạo ra vách tường của hầm dưới độ sâu 17 m.
Theo kế hoạch, robot TBM sẽ khoan tuyến hầm phía đông từ ga Ba Son, dự kiến đến ga Nhà hát Thành phố trong tháng 12.2017. Sau đó nhà thầu sẽ tháo dỡ và vận chuyển về lại ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía tây đến ga Nhà hát Thành phố trong tháng 6.2018.
Hai nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 là ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son (thuộc gói thầu 1b) vừa qua được thi công theo phương pháp đào hở. Còn đoạn đường ngầm xuất phát từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố, gồm 2 ống hầm đơn chạy dọc bên hông nhà hát, đi theo đường Nguyễn Siêu (Q.1).
Kỹ sư Dương Hữu Hòa đánh giá phương pháp khoan TBM có ưu điểm giảm tối đa ảnh hưởng giao thông, ít chiếm dụng diện tích, ít ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh. Đặc biệt, do có thể thu gom và vận chuyển đất sau khi đào nên ít gây bụi, rung chấn và tiếng ồn so với các phương pháp đào hầm kín khác. Đây là phương pháp thi công thân thiện với môi trường.
Công nghệ khoan ngầm bằng robot TBM Ảnh: BQL đường sắt đô thị TP.HCM
Nhận xét thêm về công nghệ này, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Chủ nhiệm bộ môn đường sắt metro - Trường đại học GTVT TP.HCM, đánh giá: “Robot TBM rất phù hợp đào trên nền đất yếu như TP.HCM. TBM có ưu điểm là một dây chuyền khép kín vừa đào đất vừa lắp ráp vỏ hầm, sau đó chỉ có việc lấp đất và chống thấm bên ngoài”.
Theo kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, TBM là một dây chuyền dài, kèm theo đó là toa tàu, đào đến đâu hút đất ở phía trước và phía sau. Công suất một ca máy 8 tiếng thì đào được 5 m hầm metro. Vì giá mắc nên phải sử dụng 2 - 3 ca máy/ngày để phát huy hiệu quả cao nhất.
Tại công trường hầm ngầm metro tuyến số 1, do có 2 đường hầm song song nên robot TBM sẽ đào hết chiều này rồi lại quay lại đào chiều kia. Chỗ hở tại ga Ba Son là nơi để đưa TBM xuống. “Tôi đề nghị nhà thầu đang thi công metro số 1 nếu trúng thầu các tuyến khác thì nên tận dụng TBM để làm các công trình khác như tuyến metro số 3...”, kỹ sư Trường khuyến khích.
Vốn tắc, nguy cơ chậm hoàn thành
Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết việc T.Ư phân bổ vốn chậm cho dự án metro số 1 ảnh hưởng rất lớn và có khả năng phá vỡ tiến độ thi công.
Cuối tháng 9.2016, TP.HCM đã dừng thanh toán tiền cho các nhà thầu thi công metro số 1 bởi thời điểm này Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp vốn của dự án cho thành phố vì đã thanh toán vượt vốn ODA của năm 2016.
Trước Tết Nguyên đán vừa qua, TP.HCM phải ứng khoảng 600 tỉ đồng để chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân về quê đón tết. Đến hết quý 1/2017, thành phố nợ nhà thầu 1.339 tỉ đồng. Việc phân bổ vốn chậm đã làm cho 2/4 nhà thầu có văn bản cho biết sẽ giãn tiến độ, thậm chí ngừng thi công nếu không được thanh toán tiền.
Ông Minh Quang cho biết sau đó TP.HCM đã nhận được vốn ODA của năm 2017 là 2.100 tỉ đồng. Tuy nhiên số tiền này chỉ đủ trả nợ nhà thầu bằng tiền tạm ứng trước đó của thành phố. Với tiến độ thi công metro số 1 trong năm 2017 thì thành phố cần hơn 5.400 tỉ đồng thanh toán cho nhà thầu thi công.
Phần đầu của robot TBM Ảnh: Dương Hữu Hòa
Ông Minh Quang lo ngại thời gian tới nếu việc chậm rót vốn lặp lại, nhà thầu sẽ giãn tiến độ và ngưng thi công dẫn đến nguy cơ chậm hoàn thành đến sau năm 2020 là rất lớn với metro số 1. Các nhà thầu Nhật đã có thiện chí rất lớn, nhưng nếu để tình trạng “kéo dài lòng tốt” của các nhà thầu thì trong thời gian tới sẽ gây bức xúc lớn cho các nhà thầu, chủ đầu tư. Về lâu dài, các nhà tài trợ sẽ xem xét lại các cam kết của phía VN...
“Phía Nhật rất gay gắt vì đây chỉ là thủ tục nội bộ của phía VN. Đến giờ việc giải ngân theo tiến độ dự án vẫn chưa đạt sự đồng thuận của các bộ liên quan. Thời gian tới nếu việc này lặp lại sẽ có 3 nguy cơ chính: Giãn tiến độ gây ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành dự án; nhà thầu có quyền yêu cầu trả lãi cho tiến độ chậm, phải đàm phán tranh chấp; ảnh hưởng đến uy tín của VN với nhà đầu tư. Cần sự quan tâm giải quyết thấu đáo của T.Ư”, ông Quang cho biết.
100 triệu USD để kéo dài metro đến Bình Dương, Đồng Nai
Ông Minh Quang cho biết Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cam kết tài trợ khoảng 100 triệu USD để đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 đến Bình Dương, Đồng Nai. Chính quyền 2 tỉnh này đã thống nhất từ ga cuối của tuyến số 1 (ga Suối Tiên) sẽ kéo dài 2 km tới ga Nút Giao tại tỉnh Bình Dương. Từ đây metro sẽ được chia 2 nhánh về Bình Dương và Đồng Nai... Tuyến metro số 1 kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai cũng có lợi cho TP.HCM như tăng lưu lượng hành khách, giảm áp lực giao thông, giản dân về phía đông. Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT xem xét các phương án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.