Sài Gòn có bánh mì cá sấu, ngựa con: Ông chủ lò bánh từng thi Thách thức danh hài

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
06/04/2021 12:39 GMT+7

Bén duyên với nghề làm bánh mì hơn 20 năm và từng tham gia 'Thách thức danh hài', anh Phước khiến giám khảo Trấn Thành bật cười với bánh mì hình ngựa và phong cách bán hàng duyên dáng.

Từng “gây sốt” ở miền Tây vào thời gian trước vì hình dáng độc đáo nhưng ít ai biết bánh mì hình cá sấu khổng lồ đã xuất hiện ở TP.HCM được một thời gian, với tay nghề làm bánh thành thục của anh Phan Thanh Phước (37 tuổi).

Bánh mì rùa, cá sấu siêu kỳ lạ của anh chàng từng gây sốt ở ‘Thách thức danh hài’

Đem bánh mì hình thú đi thi 'Thách thức danh hài'

Tận dụng khoảng trống thường dùng để xe ở những căn nhà cũ ở Sài Gòn để đặt lò nướng bánh và những dụng cụ khác nên không gian làm bánh của anh Phước khá chật hẹp. Bánh mì của anh được tạo hình và làm thủ công hoàn toàn trước khi được đưa vào lò nướng.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh Phước đã gắn bó với nghề làm bánh mì thủ công được 20 năm. “Hồi trước làm công ăn lương, hai năm trở lại đây thì tích góp được một số vốn nên mở làm riêng. Ngày xưa nghèo quá nên từ quê lên thành phố để học nghề, mỗi ngày phải đạp xe đạp khắp nơi để đi bán bánh mì. Mỗi lần nhắc lại là xúc động”, anh nói.

Bánh mì hình cá sấu được tạo hình tỉ mỉ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Để theo được nghề không phải dễ, anh Phước kể lại, muốn học nghề thì phải xin vào phụ việc ở những lò làm bánh với giờ giấc không ổn định. Trải qua nhiều năm, cơ sở và máy móc thiết bị ngày càng hiện đại nên những người làm bánh mì thủ công như anh Phước không còn nhiều.

Anh Phước chủ yếu làm bánh mì ổ nhỏ, đặc ruột, bánh mì hình thú được anh Phước bắt đầu làm bán thêm vài năm trở lại đây từ khi tham gia chương trình "Thách thức danh hài".

Bánh mì cá sấu mi ni và hình con cóc sau khi được tạo hình chi tiết hoàn chỉnh trước khi đưa vào lò nướng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Năm 2017, thông qua mạng xã hội anh Phước đăng ký dự thi "Thách thức danh hài". Tiết mục bán bánh mì của anh vượt qua vòng đầu tiên khi khiến “Bố già” Trấn Thành bật cười vì phong cách bán bánh mì hài hước.

Thời gian đó anh Phước vừa làm thợ bánh ở lò vừa đi bán bánh mì riêng ở ngoài. Với anh, đó là kỷ niệm đáng nhớ và khó quên. “Lúc đó rất vui khi được gặp nghệ sĩ ngoài đời, tôi cũng lên tặng anh Trấn Thành với anh Trường Giang mỗi người một bánh mì hình con ngựa. Anh Trấn Thành cũng có những lời khen cho bánh của tôi, giờ mỗi lần bật tivi lên xem lại thì mình vẫn cảm thấy rất vui. Từ đó tôi đam mê làm bánh mì hình thú tới giờ luôn”, anh nói.

Khoảng 20 phút sau thì lấy bánh chín ra

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Vì khay nướng bánh nhỏ nên anh Phước chỉ làm loại vừa và ít khi làm loại khổng lồ trừ khi có người đặt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Anh Phước cho biết ngày trước anh em đi làm chung nghề bánh mì, học hỏi, trao đổi với nhau để làm bánh mì hình thú. Chính vì vậy cũng khá nhiều người biết làm bánh nhưng sản phẩm đẹp hay xấu là tùy vào tay nghề của từng người.

Anh Phước có thể làm mười mấy mẫu bánh mì hình thú như cua, rắn, rồng, dế, cá sấu và ngựa... nhưng mỗi con vật có công đoạn làm khác nhau nên anh phải chọn lọc con vật bán chạy và được khách yêu thích để làm chính.

Trong số các con vật thì bánh mì hình cá sấu và ngựa bán chạy nhất, nhưng cũng khó làm nhất vì phải sáng tạo và cắt ghép phần bột. “Con ngựa có 4 chân thì mình ghép vào nên sẽ bị mất thời gian. Cũng không phải như bánh kem nên mình không phải muốn làm con gì cũng được, ví dụ con lợn thì không thể làm được”, anh bày tỏ.

Tỉ mỉ từng công đoạn

Công việc của anh Phước thường bắt đầu từ lúc 21 giờ 30 hằng ngày và kéo dài đến sáng để kịp giờ bán bánh. Khoảng 5 giờ đến 6 giờ sáng, anh Phước sẽ chở bánh đi bán lòng vòng các chợ và khu công nghiệp để bán cho công nhân.

Trong lúc trò chuyện, cứ cách mấy phút anh Phước lại lấy bình xịt nước để xịt vào bánh vừa ủ xong. Anh giải thích vào mùa nắng, không khí nóng quá ổ bánh mì sẽ bị khô phần vỏ nên phải xịt nước để khi đưa bánh vào lò nướng thì màu bánh vàng tươi. Ngược lại nếu không xịt nước, bánh mì sẽ bị khô, màu không đẹp nhìn không bắt mắt.

Quét bơ lên bề mặt của bánh mì để tạo mùi thơm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Toàn bộ quy trình nghe khá đơn giản với những công đoạn nhào bột, tạo hình, sau đó ủ bột trong vòng 2 - 3 tiếng rồi xịt nước, tạo hình chi tiết từng con vật cuối cùng đưa vào lò nướng trong vòng 20 phút.

“Lúc đầu mình chỉ tạo hình 70% thôi, sau đó trước khi cho vào lò thì mình tạo hình chi tiết tiếp”, anh giải thích.

Tuy nhiên, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên tiêu tốn rất nhiều thời gian. Vì không đủ chi phí nên không thuê người làm, một mình anh Phước phải làm hết tất cả mọi công đoạn. Anh Phước mất khoảng 10 phút cho 1 bánh mì hình thú với kích thước nhỏ, 15 phút cho con lớn.

Bánh mì hình ngựa là một trong những loại bánh mì hình thú khó làm nhất vì phải ghép bột

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mỗi ngày, anh Phước làm khoảng 1.500 ổ bánh mì thường. Bánh mì hình thú thì ít hơn chỉ tầm trên dưới 70 con. Giá cả bánh mì tùy vào kích thước con vật, nếu kích thước lớn, đặc ruột thì có giá 50.000 đồng, 70.000 đồng, có khách hàng sẽ đặt làm riêng với giá 100.000 đồng.

Hai vị khách "khoái chí" khi ăn thử bánh mì hình cá sấu

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bánh mì của anh Phước bán rất nhanh

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Khách của anh Phước có nhiều cô giáo đặt mua những con thú với kích thước lớn để dạy cho học sinh.

Anh Phước vừa dọn hàng vừa rao bánh khi công nhân vừa tan làm chỉ 20 phút, số lượng bánh mì đã bán “sạch trơn”.

Chị Ngọc Tố (ngụ Q.Tân Bình. TP.HCM) bế con trai trên tay tiến đến mua bánh mì cá sấu mini ngay khi anh Phước vừa soạn giỏ hàng ra chia sẻ vì thấy bánh mì hình thù độc đáo nên chị mua để ăn thử.

“Đây là lần đầu tiên tôi ăn thử bánh mì này cảm thấy nó ngon và lạ miệng. Vì có con nhỏ nên trẻ con thì thích những đồ có hình thù con vật, thấy bánh cũng thơm, có bơ nên béo, lần sau sẽ thấy bán sẽ mua tiếp”, chị nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.