Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: Vào Sài Gòn làm công nhân giờ ra chợ bán rau

16/03/2021 12:06 GMT+7

Vào Sài Gòn làm công nhân năm 19 tuổi, cống hiến cho một công ty sau 20 năm thì thất nghiệp vì dịch Covid-19 . Mất việc, chị Lan (quê Hà Nam) phải ra chợ bán rau cóp nhặt từng các bạc lẻ để bám trụ Sài Gòn.

Ngày công ty thông báo giải thể, chị Phạm Thị Thanh Lan (40 tuổi) nhìn mấy chị em đồng nghiệp khóc nức nở. Họ đều là những người công nhân đã gắn bó với công việc này mười mấy, hai chục năm. Có nằm mơ, họ cũng không tin được là rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi trung niên như thế này.

Cuộc sống trong căn trọ siêu tí hon của nữ công nhân mất việc vì Covid-19

Cắm mặt ở chợ

20 năm trước, rời quê, chị Lan theo người quen vào Sài Gòn xin việc làm và gắn bó với công việc này suốt từng ấy năm trời. Cuộc sống công nhân chật vật, chị cưới chồng nhưng vẫn bám trụ với nghề, với căn nhà trọ chật chội nằm sâu hoắm trong con hẻm ngoằn nghoèo.

Sạp rau tạm giúp chị kiếm vài đồng bạc qua ngày sau khi thất nghiệp

Ảnh: Vũ Phượng

Ngày công ty thông báo giải thể, chị Lan choáng váng, vô số câu hỏi cứ vậy hiện lên trong đầu: “Tiền đâu nuôi con?”, “Tiền đâu đóng trọ”, “Tiền đâu lo chợ búa, “Tiền đâu…”. Không cho phép mình ở không ngày nào vì áp lực cơm áo gạo tiền, ngay ngày hôm sau, chị dậy sớm ra chợ bỏ sỉ lấy rau về bán ở chợ gần nhà. Đây cũng là công việc của chồng chị suốt 20 năm, chỉ khác là, anh chở rau củ quả xổ bán ở khu công nghiệp tại Bình Dương.

Chị Phạm Thị Thanh Lan trải lòng về cú sốc ngày nhận tin công ty giải thể

Chị tâm sự: “Ra chợ ngồi cả ngày ngoài lề đường bán vậy đầu óc quay mòng mòng, vì 20 năm qua mình làm công nhân ngồi trong xưởng còn có quạt và mát mẻ. Sốc lắm, nhưng tôi phải ráng làm cho quen, lấy con làm động lực mà làm việc”.

Việc bán buôn cũng chẳng mấy dễ dàng trong mùa dịch

Ảnh: Vũ Phượng

Công việc bán buôn cũng chẳng mấy thuận lợi, cả ngày cắm mặt ở chợ đến tối mịt mới về, chị chỉ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Những người bán hàng xung quanh cũng thường chọc chị cười mỗi tối thấy mớ rau ế chất đống. Vất vả là vậy, nhưng khi gặp những đồng nghiệp cũ vẫn còn đang thất nghiệp, chị thấy mình may mắn hơn vì vẫn còn có việc mà làm.
“Đồng nghiệp với tôi cũng toàn trên 40 tuổi, giờ đi xin việc người ta có nhận đâu, hoặc chỉ mấy chỗ tư nhân nhận làm bán thời gian, thời vụ, tức là làm vài hôm hết việc thì lại nghỉ, bấp bênh lắm. Nhiều người còn cứ long bong như vậy mãi chưa có việc gì làm. Bán cho họ thì tôi vừa bán vừa cho, làm chung mà”, chị kể.

Mỗi ngày chị chỉ kiếm được hơn 100 ngàn đồng, số tiền chỉ bằng 1/3 so với làm công nhân trước kia

Ảnh: Vũ Phượng

Cảnh bán buôn ế ẩm khiến chị nhớ đến những ngày ngồi làm ở xưởng, 20 năm không chỉ là công việc, mà còn là miếng cơm manh áo, là kỷ niệm và là cả thanh xuân của chị. Từ sau Tết đến nay, rau bán lại càng chậm, tối nào cũng còn dư phải chừa hôm sau, từng đồng tiền lời của chị cũng vậy mà ít đi. Ngược lại, nỗi lo của chị lại dày thêm…

Bám trụ Sài Gòn

Đường vào phòng trọ của chị Lan chỉ một xe máy đi lọt, sâu bên trong thì hai dãy phòng được xây đối diện nhau, phía trước phơi đầy đồ đạc, ngột ngạt. Nhưng cũng như những người ở đây, gia đình chị Lan đã quá quen với cảnh chen chúc ở nơi chật chội này.
Trong căn trọ tuềnh toàng chật cứng đồ đạc lỉnh kỉnh, mùi ẩm mốc xồng xộc vào mũi từ những bức tường ố đen, nghe tiếng sột soạt của vài con chuột trên căn gác lửng, chị Lan cười trừ: “Nhà nhiều đồ nên chuột nó chạy vậy đó, nhà trọ ở đây giá rẻ nên có khó chịu tí mà ở lâu thì quen”.

Đèn đường đã lên, nhưng rau vẫn còn nhiều

Ảnh: Vũ Phượng

Chồng chị Lan đi bán củ quả chuyên hàng xổ tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương). Việc buôn bán những ngày dịch chẳng dễ dàng gì khi mọi người đều bị giảm thu nhập, cắt giảm chi tiêu đến mức tối đa. Sau Tết, bán càng ế ẩm hơn, số tiền lời kiếm được từ việc buôn bán của hai vợ chồng chỉ vừa đủ lo tiền nhà trọ và tiền học cho con.
Nhưng vẫn còn may vì đang trong thời gian lãnh bảo hiểm thất nghiệp nên anh chị mới lo được tiền ăn uống hằng ngày và các khoản phát sinh. Mười mấy năm xây dựng gia đình cùng nhau, cuộc sống của hai vợ chồng vẫn quanh quẩn căn trọ ọp ẹp, ẩm thấp, thu nhập vừa đủ các khoản chi tiêu. 

Căn nhà trọ chất đầy đồ đạc của chị Lan

Ảnh: Vũ Phượng

Vì con, chị cố gắng bám trụ Sài Gòn, dù cuộc sống chật vật sau khi thất nghiệp

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Lan tâm sự: “Giờ có khó thế nào cũng vẫn phải bám trụ ở đây để con cái còn theo học. Nếu chuyển trường, các con phải làm quen môi trường mới, bắt đầu lại từ đầu rồi thua thiệt bạn bè. Cuộc sống mình có cực chút nhưng vẫn cố bám trụ Sài Gòn vì con. Buôn bán một thời gian nữa không được thì tôi lại đi tìm chỗ tuyển công nhân xin vào làm, chấp nhận làm lại từ đầu. Mà chắc cũng chỉ xin được thời vụ, chứ ai mà tuyển chính thức mấy người già như tôi nữa”.
Vừa chuẩn bị bữa tối cho con sau một ngày buôn bán mệt nhoài, chị Lan cũng bộc bạch, nỗi lo lớn nhất của chị lúc này là đi xin việc thế nào khi cả 20 năm trời chỉ quen với công ty giày da. Rồi thu nhập của công nhân bắt đầu lại từ đầu chỉ tầm 4 – 5 triệu thì chị phải lo liệu cuộc sống thế nào…

Những bữa cơm trong gia đình được tối giản hết mức có thể

Ảnh: Vũ Phượng

Ngày nào cũng ế ẩm, nhưng chị vẫn thấy may vì còn có việc

Ảnh: Vũ Phượng

Mỗi tháng, chị bắt buộc phỉ chi tiền nhà trọ gần 2 triệu, tiền học cho hai con hơn 2 triệu nữa là ngót nghét 5 triệu. Mở mắt ra, áp lực đồng tiền cứ vậy khiến chị phải tự động viên mình dầm mưa dãi nắng ngoài chợ.
“Nhiều lần mệt mỏi quá cũng nghĩ hay là về quê chồng làm lại từ đầu. Nhưng rẫy ở quê không có, về chỉ đi làm thuê, mà 20 năm qua mình chỉ làm công nhân có biết làm rẫy thế nào đâu. Về quê phải đi làm thuê thì cũng vậy thôi cứ ở đây được lúc nào thì được”, chị Lan tặc lưỡi.
Nhìn ánh đèn vàng đổ lên đống rau ế lại sau phiên chợ chiều, người phụ nữ luống tuổi thoáng buồn. Ngày nào cũng như ngày nào, lấy ít quá thì không đủ lời, lấy nhiều thì không bán hết, mất việc khiến chị chưa một giây phút được ngừng lo toan. Nỗi lo chung của những người thất nghiệp…
"Mẹ nói khổ quá thì về với mẹ"
Chị N.T.H (46 tuổi) - đồng hương cũng là đồng nghiệp của chị Lan cho biết, trước Tết chị thất nghiệp suốt 6 tháng ròng. Sau Tết, công việc cũng chẳng có gì khả quan hơn, cứ hỏi ở đâu tuyển lao động thời vụ thì chị đều xin vào làm. Nhưng đã là tình hình chung, các công việc thời vụ chỉ được vài hôm thì hết việc. 
Chị cũng thử xin làm giúp việc nhà, công việc mà ai cũng tưởng là dễ dàng, nhưng chưa từng được qua một khóa "đào tạo", những người chủ thuê dọn cũng đặt yêu cầu phải sạch từng ngóc ngách li ti trong căn nhà 2 - 5 tầng khiến chị có cố gắng hết mình cũng không thể làm hài lòng chủ nhà.
Chị H. sụt sùi kể: "Ngày nào cũng đi kiếm việc vậy, có ai thuê gì làm đó. Giờ tuổi này tay chân không thể thoăn thoắt nên không phải cứ đi xin là có việc. Mẹ già của tôi ở quê gọi vào nói khổ quá thì về với mẹ. Nhưng mình mang tiếng đi làm ăn xa, sao mà về quê với hai bàn tay trắng như vậy được, áp lực lắm".
Cậu con trai đang học lớp 7 của chị H. cũng một mực đòi ở lại Sài Gòn vì quen trường, quen lớp. "Nếu mẹ không có việc thì để con đi làm rồi nhà mình ở lại Sài Gòn" - câu nói của con trai cứ vậy văng vẳng bên tai, vừa là áp lực, vừa là động lực để dù có khó khăn đến mấy, chị H. vẫn cố bám trụ ở mảnh đất này.
"Thất nghiệp thời gian dài, chán nản lắm, tôi cũng không giữ liên lạc với ai nữa, sống thu mình lại. Anh em họ hàng kêu về quê đầy việc, xin vào khu công nghiệp làm công nhân, nhưng sao về được khi mình đã chọn vào nam lập nghiệp", chị H. chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.