Vì dịch Covid-19, anh Danh Cụa (46 tuổi) vốn là thợ hồ thất nghiệp dài dài vì không có công trình. Vợ anh, chị Thị Mỹ Dung (37 tuổi, cùng quê Kiên Giang) cũng mất việc do công ty giải thể. Việc bám lại Sài Gòn của anh chị khó khăn hơn gấp bội khi cả hai có tới 5 đứa con.
Chở con đi nhặt ve chai
23 giờ đêm, ánh đèn vàng leo lét soi rõ màn sương đêm hắt xuống mặt đường, chiếc xe Dream kêu lọc xọc chạy tà tà, người vợ ngồi sau cầm khúc gỗ cắm đinh ráo riết nhìn xung quanh, cậu con trai 4 tuổi bịt khẩu trang ngồi trước xe cạnh bên bịch ni lông trao lủng lẳng cũng ngó qua ngó lại. Công việc một ngày của vợ chồng anh Cụa bắt đầu.
|
Chị Dung tâm sự, vì dịch cả vợ chồng anh đều thất nghiệp, toàn bộ chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào con gái lớn 19 tuổi đang đi làm điện tử. Nhưng lương của con gái chỉ được 4,5 triệu mỗi tháng nên để có tiền mua rau, mua gạo, anh chị phải đi nhặt ve chai.
|
Có nhiều đống rác, đứng bới khoảng 5 phút anh chị chỉ “thu hoạch” được 2 – 3 chai nhựa, nhưng cũng có khi đi ngang quán nhậu được mấy chục lon bia. Nhiều người thấy anh chị đi quen mặt còn chừa riêng lại để đi ngang thì gọi vào đưa. Cũng có những người lạ mặt thấy cậu bé tội nghiệp nên hỏi thăm, trách anh chị sao không cho bé ở nhà ngủ…
|
|
Hết đống rác này đến đống rác khác, từ Q.Gò Vấp đi vòng sang tới Q.12 thì vòng về, nhưng số ve chai anh chị lượm được cũng chẳng thấm vào đâu. Anh Cụa nói: “Đi cả đêm vậy, một tuần 7 ngày thì bán được 200, 300 ngàn, tuần nào nhiều bán được 400 ngàn là mừng lắm, đủ tiền mua rau cỏ nấu cơm ăn qua bữa”.
Lo cơm từng bữa
Năm 2014, vợ chồng anh Cụa lên Sài Gòn lập nghiệp. Với nghề thợ hồ có sẵn, anh dễ dàng tìm được việc làm, tháng nào đều việc anh thu nhập tới hơn chục triệu, đủ lo cho các con và gửi về quê phụ cha mẹ.
Còn chị Dung xin làm công nhân ở Công ty Huê Phong, lương mỗi tháng chưa tăng ca là 5-6 triệu. Đầu năm 2020, chị bị viêm xoang nặng, đau đầu triền miên nên xin nghỉ tạm vài tháng, tính hết dịch xin đi làm lại… Người tính không bằng trời tính, chưa kịp xin đi làm lại thì công ty giải thể. Chị không nhận được số tiền hỗ trợ thất nghiệp.
|
Con trai thứ hai thì bị co giật nhiều lần ngày nhỏ nên nhớ nhớ quên quên không làm được việc gì, con thứ ba được gửi về quê nhờ bà ngoại lo cho đi học – cũng là đứa duy nhất còn được đi học.
Anh Cụa nói: “Ngày trước vợ còn đi làm thì nhà có 3 người lao động, tiền kiếm được đủ sống qua ngày. Nhưng khi dịch ập đến, tôi và vợ thất nghiệp, chỉ còn mình con gái làm thôi. Lãnh lương là lo mua gạo liền, còn thì mua rau cỏ chứ không dám tiêu xài gì hết”.
|
Những ngày đầu mới mất việc, anh Cụa gọi điện thoại tất cả đồng nghiệp xem ai có công trình gì cần người không, không được nữa anh xách xe chạy lòng vòng hỏi thăm. Nhưng đâu đâu cũng không có việc…
|
Anh bộc bạch: “Tôi đọc chữ không rành nên không xin chạy xe ôm công nghệ được, chạy xe ôm truyền thống thì không biết đường. Thôi rảnh thì phụ vợ đi nhặt ve chai vậy thôi. May bà chủ trọ dễ, thiếu tiền nhà 3 tháng chưa trả nhưng bả vẫn cho ở”.
Thấy cuộc sống chật vật, tôi hỏi anh chị sao không tính đường về quê. Chị Dung cười gượng kể, cha mẹ ở quê vẫn còn đi ở đậu, anh chị về biết ở đâu. “Ở Sài Gòn không có việc thì còn đi lượm ve chai được, còn về quê ve chai đâu mà lượm, thôi ở trên này tới đâu hay tới đó…”, chị nói.
Đồng hồ đã bước sang ngày mới, màn sương đêm mỗi lúc một dày hơn, cả gia đình anh Cụa vẫn đi đi bới tung từng đống rác để tìm miếng sinh nhai của mình…
Bình luận (0)