Theo ghi nhận của
Thanh Niên, hơn một tuần sau khi UBND TP Hà Nội yêu cầu đóng cửa tất cả các
quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê... hầu hết cửa hàng, quán xá đã thực hiện nghiêm yêu cầu để đảm bảo phòng dịch Covid-19. Trong khi đó, các cửa hàng mở cửa bán trong nhà đa số đều dựng vách ngăn, có nước rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách đảm bảo an toàn.
Các quán ăn đóng cửa theo "lệnh" của thành phố
|
Việc đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức
kinh doanh online khiến lượng khách giảm xuống rất nhiều. Theo các chủ kinh doanh, thời điểm sau Tết khi có "lệnh" đóng cửa của thành phố thu nhập giảm xuống trầm trọng vì khách không đến quán, chỉ mở cửa cho có... không khí. Dù ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều phải chấp nhận để
phòng dịch Covid-19.
Tại TP.HCM: Khi dân nhậu đang ngồi uống bia, bất ngờ được y tế “ập đến” tận quán xét nghiệm Covid-19
|
Cửa hàng kinh doanh ăn uống của bà Phan Thị Nguyệt (62 tuổi) ở phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm mở cửa trở lại sau
Tết Nguyên đán từ mùng 6. Khác với những năm trước, những ngày đầu năm cửa hàng bà chỉ bán cho khách mang về. Để duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo các biện pháp phòng dịch, bà làm thêm vách ngăn giữ khoảng cách, trang bị nước sát khuẩn cho khách hàng.
Các cửa hàng chủ yếu chỉ bán mang về
|
“Dịch dã ảnh hưởng rất nhiều, bình thường mở ra khách rất đông nhưng giờ chả có ai. Phố xá vắng, mọi lần buổi trưa mọi người trong cơ quan đi ăn đầu năm giờ không có bóng người, buổi tối cũng thế. Nhân viên cũng nghỉ vì có khách đâu mà đi làm, giờ cứ bảo họ ở nhà bao giờ buôn bán bình thường mới lên làm việc lại. Lượng khách giảm đến khoảng 75%, các chủ cửa hàng trong dãy phố này ngồi “buôn dưa lê” với nhau chỉ mở để duy trì. Năm ngoái còn được cái Tết, năm nay mất Tết vì dịch bùng trở lại nên mọi người cũng chả đi ăn tất niên, mấy ngày đầu năm phải đóng cửa, giờ chịu cũng chả biết làm như thế nào chỉ biết mong hết dịch để khách trở lại bình thường”, bà Nguyệt nói.
Cùng chia sẻ với bà Nguyệt, chị Nguyễn Thu Linh (30 tuổi, chủ một cửa hàng bún phở trên phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm) cho hay, dù mở bán online nhưng lượng khách rất ít. Mở bán nhưng chủ yếu ngồi chơi không có khách đặt mua, chị phải bỏ tiền túi ra trả tiền mặt bằng.
Các vách ngăn đảm bảo khoảng cách ở các quán bán trong nhà
|
“Giờ khách không có, chỉ bán mang về thôi chủ yếu ngồi chơi cả ngày, bán mang về nhưng bún phở ngồi ăn tại chỗ nóng hổi mới ngon nên cũng ít người đặt. Quán bar đóng cửa trước Tết, chùa cũng đóng, người dân từ các tỉnh cũng không về đi lễ nên không có khách, thu nhập mất nhiều gần như không được gì. Nhưng vì đặt cọc thuê nhà rồi nên vẫn phải mở, bán được tí nào hay tí đấy, cũng chịu vì dịch rồi tự động viên cả
thế giới chứ không riêng gì nước mình”, chị Linh buồn bã nói.
Tết buồn ở quán bar Bùi Viện lần thứ ba đóng cửa vì Covid-19
|
Chị Nguyễn Ngân Hà (27 tuổi, quê ở Thanh Hoá) làm nhân viên phục vụ cho một
quán ăn tại Hà Nội cho biết quán ăn đóng cửa nên sau Tết Nguyên đán, chị vẫn ở quê chưa đi làm trở lại, ở nhà chờ thông báo của chủ quán.
Trao đổi qua điện thoại, chị Hà chia sẻ: “Như mọi năm tôi chỉ nghỉ Tết đến khoảng mùng 4 rồi đi làm trở lại nhưng năm nay nghỉ Tết dài vì không có khách, cửa hàng cũng đóng cửa. Nghỉ làm không có thu nhập, chủ hỗ trợ được đồng nào hay đồng nấy, cứ đóng cửa dài cũng phải tính kiếm việc khác nhưng giờ tìm cũng khó, chả biết làm gì nên cứ ở quê nghe ngóng tình hình đã”.
Thông báo đóng cửa của một quán cà phê: Chưa có ngày mở cửa trở lại
|
Không khí vắng lặng trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) ngày 21.2
|
Quán cà phê dừng đón khách ngồi tại quán
|
Bình luận (0)