Sống để sẻ chia

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
01/04/2018 20:32 GMT+7

Mạng xã hội sinh ra là để chia sẻ. Chắc người phát minh ra nó cũng muốn cái tốt được lan truyền chứ không hề muốn nó biến thành nơi độc ác và nhẫn tâm.

Thế nhưng, thực tế không hoàn toàn như mong muốn của họ.
Người ta nói nó ảo, tôi lại thấy nó không hề ảo. Ở đó, chúng ta có thể biết được cá tính của từng người. Họ có thể vài lần ảo chứ xuyên suốt thì khó mà ảo được.
Có người luôn nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tiêu cực như “bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng”. Họ có thể miệt thị cả người ngang bậc cha chú của mình, những người có chức phận, những người mà cả xã hội gọi bằng thầy, thầy thuốc, thầy giáo… Họ có thể vô tình đẩy một con người vào chỗ chết, như vụ đưa clip học sinh hôn nhau trong lớp học khiến một nữ sinh tự vẫn. Họ có thể dựng chuyện vu oan giá họa cho người khác.
Qua đó, thấy con người mình rất thiếu sự sẻ chia.
Có một khuynh hướng con người cứ muốn triệt hạ nhau.
Năm trước, dịp 27.2, ngày Thầy thuốc VN, nhà tôi có viết một status thế này:
“Có những người mà ta chỉ có thể nói với họ những chuyện đôi khi ta cũng không dám nói với mẹ. Có những người ta chỉ có thể để họ nhìn thấy những nơi trên cơ thể, kể cả khi vợ, chồng cũng không được phép. Họ là ai?
Thực ra, thầy thuốc không chỉ là một nghề, đó còn là một sứ mệnh. Với những gì Phương chứng kiến thì những người làm nghề y, ngoài năng khiếu, đam mê, họ còn rất kiên nhẫn và biết hy sinh.
Lạ lùng.
Ngay cả với những người mà ta tưởng là quan trọng và yêu quý nhất, vậy mà tháng này qua năm khác, nhìn thấy họ nhếch nhác ta còn chán.
Ai cũng thích cái vui vẻ, xinh đẹp.
Còn những người làm nghề y, suốt ngày họ đối diện với bệnh tật, với chết chóc…, vậy mà lúc nào họ cũng phải dịu dàng. Chỉ chừng đó thôi chẳng phải cũng đã là vĩ đại lắm rồi sao?
Thực ra, trong cái thế giới chật chội và hỗn mang này, y đức là một thứ vừa gần gũi lại vừa rất mơ hồ. Lòng tốt của ai đó với ta đôi khi không cần được đền đáp nhưng không thể vì thế mà ta quên đi việc phải biết ơn họ”...
Đọc xong, bản thân tôi cũng thấy giật mình. Giật mình là vì, những người đáng quý trọng đó bây giờ phải đi học võ để tự vệ lại bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đau đớn vô cùng.
*
Vụ cô giáo phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh đến trường bắt cô giáo quỳ, rồi phụ huynh bị khai trừ Đảng, rồi quy trách nhiệm ông hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng phải từ chức... Theo dõi vụ này, tôi tự hỏi, không biết con người ta thời này có bị chi không nữa?
Nghe con mách cô giáo bắt quỳ, hỏi vì sao cô bắt quỳ, phân tích cho con nghe phải trái, bất luận thế nào cũng phê bình con mình cái đã. Xong đến gặp cô giáo, bảo cháu nó này này nọ nọ nhưng cô bắt quỳ là không được vì nọ nọ kia kia... Cô giáo thành khẩn nhận sai, xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm. Xong!
Giả sử nóng quá, đến trường bắt cô giáo quỳ. Sau khi cô giáo quỳ xong hạ hỏa, thấy mình quá đáng, xin lỗi cô giáo và hiệu trưởng, nói tui giận quá mất khôn này này nọ nọ... thôi bỏ qua chuyện này đi để lo cho các cháu. Xong.
Nếu việc đến tai chi bộ Đảng, chi bộ kiểm điểm, nhận lỗi, chi bộ thấy đảng viên biết lỗi, thành khẩn, rút kinh nghiệm hoặc phê bình. Tổ chức một cuộc gặp gỡ với ban giám hiệu và cô giáo. Thậm chí, có thể tập trung lớp để cô giáo xin lỗi học sinh (có sao đâu?), phụ huynh, học sinh xin lỗi cô giáo (hay chứ). Xong.
Sao cái gì cũng muốn lớn chuyện. Ai cũng cứ phải thỏa mãn cái tôi của mình, để làm gì cơ chứ? Trong lúc chúng ta vẫn nói mãi câu “người với người sống để yêu nhau”.
*
Thời gian vừa rồi, có nhiều lùm xùm về chuyện “bổ nhiệm thần tốc”, cha đưa con lên thần tốc” và hậu quả là con ăn quả đắng. Đôi khi, nghĩ mà thương bọn trẻ. Cổ nhân dạy: “Người ta nâng bạn lên, bạn chính là chiếc ly thật đẹp. Người ta buông tay xuống, bạn có thể sẽ trở thành những mảnh thủy tinh vỡ vụn”.
Tụi nó còn trẻ, đôi khi chưa đủ kinh nghiệm với đời. Thôi thì chỉ biết an ủi chúng nó vượt lên mà làm lại. Chuyện xảy ra coi như là một trải nghiệm. Nhưng nhiều người cứ bám theo, triệt buộc, cứ như phải làm để cho người ta không ngẩng đầu lên được, không còn cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
Họ có nghĩ đến gia đình, con cái người ta không?
Cuộc sống phải không ngừng vươn lên nhưng không nên vươn lên bằng mọi giá. “Nhân sinh tựa một ly trà, đong đầy cũng tốt mà vơi nửa cũng chẳng sao”. Ly trà đầy thì thơm, ly trà vơi thì đậm, cần chi phải tranh giành?
“Cuộc sống, bởi vì để tâm cho nên mới đau khổ; bởi vì nghi ngờ cho nên mới tổn thương; bởi vì xem nhẹ cho nên mới vui vẻ; bởi vì thấy đủ cho nên mới hạnh phúc”.
Cuộc sống còn một điều quan trọng hơn là sự sẻ chia. Hãy giúp đỡ người khác. Giúp người khác là giúp chính mình.
Có lúc nào đó tĩnh tâm, bạn hãy nghĩ mà xem, rốt cục thì cuộc đời cái gì là quan trọng?
Tôi thì nghĩ thế này: Ta đếm số tuổi bằng số bạn bè chứ không phải bằng số năm. Ta đếm cuộc đời bằng số nụ cười chứ không phải bằng nước mắt. Sự giàu có chính là khả năng chúng ta hết mình trải nghiệm và chia sẻ với cuộc đời.
Vậy nên, khi đặt ta lên bàn phím, hãy nghĩ đến hai từ sẻ chia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.