Ghi nhận thực tế tại khu vực nhà máy bia cho thấy, cứ vào sáng sớm, khi công nhân nhà máy khởi động lò hơi, sau vài tiếng rền vang của hệ thống máy móc thì hai ống khói xả bụi đen ngòm, tỏa ra một vùng rộng lớn. Đây chính là nỗi ám ảnh của hàng trăm người dân sống xung quanh nhà máy.
Bụi đen từ ống khói bay vào nhà, bám đầy lên các vật dụng, đồ đạc, phủ lên cây trồng hoa màu. Để hạn chế bụi, người dân chỉ còn cách... đóng kín cửa nhà, bịt lại những chỗ hở; giếng nước sinh hoạt cũng được phủ vải bạt rồi bịt kín lại. Bà Nguyễn Thị Thoái, người dân địa phương cũng bức xúc: “Khổ nhất là trẻ nhỏ, nhiều cháu ở trong vùng thường mắc những chứng bệnh về đường thở, phải đi viện điều trị. Khói bụi bốc lên đen kịt, áo quần phơi cũng không được, vật dụng trong nhà đều bị bám bụi đen hết”.
tin liên quan
Di dời nhà máy ô nhiễm ven vịnh Hạ Long có nguy cơ không kịp tiến độĐược biết, nhà máy bia này từng bị cơ quan chức năng xử lý vì có hành vi vi phạm về môi trường như sự cố làm nước thải tràn ra bờ kênh, gây hư hại lúa của nông dân; hay vụ rơi chóp sắt trên ống khói nhà máy làm lượng khói bụi tăng đột ngột.
Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình), xác nhận có tình trạng người dân địa phương bức xúc, khiếu nại. Lãnh đạo địa phương, kể cả nhà máy, cũng từng tính đến phương án di dời ra xa khu vực dân cư. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện rất lớn, trong khi không có nguồn nên hiện chưa thực hiện được.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu nhà máy điều chỉnh lại nguyên liệu phù hợp, điều chỉnh quy trình vận hành, trước khi chuẩn bị nhóm lò thì phải bơm toàn bộ nước dập khói; soạn lại quy trình vận hành hệ thống lò hơi, tăng cường vệ sinh công nghiệp và phải đổi mới công nghệ. Nếu vi phạm cứ lặp lại thì sẽ xử lý nghiêm và có những biện pháp cứng rắn hơn đối với nhà máy”, ông Hào hứa.
Bình luận (0)