Sống 'nhờ' người chết - Kỳ cuối: Lời ca đưa tiễn vong linh

26/05/2018 09:39 GMT+7

'Vong linh bớ hỡi vong linh, hãy nghe tiếng kệ lời kinh quay về' - đó là một trong những câu từ thê lương được 'Địa Tạng Vương Bồ Tát' cất lên trong một đám tang của những người làm nghề 'khóc mướn'.

“Địa Tạng Vương Bồ Tát” mà chúng tôi nhắc đến ở đây là anh Bình - người làm nghề hát thuê trong các đám ma chay, thành viên của gánh hát Diễm Hoàng. Buổi diễn tiễn đưa người chết đó còn có một tên gọi khác mà người làm nghề gọi là “lễ phá hoàng”.
Khóc cha, khóc mẹ, tạ lỗi thay người thân

Giữa trưa những ngày đầu tháng 5, chị Diễm Hoàng (ngụ Q.Gò Vấp) cùng anh em trong đoàn đóng gói đồ đạc lên đường đến biểu diễn tại một đám tang ở P.Lái Thiêu (TX.Dĩ An, Bình Dương). “Đám tang này của một người trẻ tuổi, vừa mới qua đời. Người thân muốn mời chúng tôi đến hát để làm lễ phá hoàng trước khi chôn cất”, chị Diễm Hoàng cho biết.
Đoàn của chị Hoàng gồm 4 người, mỗi người là một vai diễn. Chị Diễm Hoàng hóa thân thành Quan Thế Âm Bồ Tát, anh Bình trong vai Địa Tạng Vương Bồ Tát, cặp Phương Tứ - Hằng Ni làm đào kép với nhiệm vụ thay gia chủ khóc cha, khóc mẹ và cảm tạ quan khách đến chia buồn.
Vừa tới đám tang, bàn trang điểm ngay lập tức được dọn ra. 15 phút sau, rất khó để chúng tôi nhận ra được những thành viên qua lớp trang điểm nhân vật cổ trang.
Mở màn, hai đào kép bước ra nhìn thẳng vào quan tài, nhạc nổi lên, bắt đầu lời ca khóc thương cho người quá cố. Những câu từ rên rỉ bi ai liên tục nghe đến nao lòng: “P. ơi, P. ơi sao em nỡ ra đi bỏ lại mẹ già đơn độc, người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh…”.
Bàn trang điểm "dã chiến" được lập ra ngay tại đám tang khi các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn Phạm Hữu

Đến đây, những người thân có mặt tại đám tang không thể kìm được cảm xúc bật, khóc nức nở. Vì vậy, đoàn càng hát không khí đám tang càng thêm thê lương.
“Kính thưa ông bà cô bác, láng giềng xa gần, quý nội ngoại hai bên. Không có nỗi đau nào bằng cảnh sinh ly tử biệt, không có nỗi mất mát nào bằng mất đi người thân. Gia đình mất đi một người con, anh chị mất đi một người em, bạn bè mất đi một người bạn,… Bà con cô bác ơi, chỉ còn ít phút nữa là đến lễ động quan đưa tiễn em về với đất mẹ…”, hai đào kép thay mặt gia chủ nói lời cảm tạ cuối cùng với những người đến viếng đám tang.
Trong phần “lễ phá hoàng” còn gọi là lễ đánh động tâm linh, được chia làm 3 phần chính: báo hiếu; hậu lễ tạ, lễ bà con cô bác; nghi thức vĩ tuyến (hay còn gọi là đưa linh vị về cõi âm).

Theo chị Diễm Hoàng, tùy từng trường hợp của người “ra đi” chị sẽ ứng biến thay đổi cách xưng hô trong từng lời ca: “Nếu cha mẹ chết thì làm con hát thương cha mẹ, nếu anh hoặc chị mất thì đóng vai em, còn nếu người chết nhỏ tuổi thì hát về em. Hát đám ma này không như hát sân khấu. Đến mỗi tang gia, mình lại phải nghĩ người chết là cha mẹ mình, đặt cả cái hồn mình vào đó để kể về công ơn sinh thành của cha mẹ, rồi cảm xúc tràn ra, mình mới bật khóc cho gia đình người ta”.
Giấu thân phận hát đám ma
Là một nghệ sĩ xuất thân từ nghệ thuật hát bội ở tỉnh Gia Lai, thời trẻ chị Diễm Hoàng lưu lạc ở nhiều đoàn hát khác nhau. Năm 1997, chị vào TP.HCM bắt đầu con đường lập nghiệp mới. Ban đầu chị chỉ hát ở các quán cà phê nghệ sĩ, sau đó có nhiều người mời đi hát ở các đám tang ma chị cũng chấp nhận. Chị không ngần ngại, cố cầm micro hát kiếm sống qua ngày. Sau này khấm khá hơn, chị thành lập đoàn hát Diễm Hoàng, chuyên hát ở những tụ điểm, đám tiệc và nhất là ma chay.
“Ngày đầu đi hát đám ma sao mà tôi nghe hát về tình yêu, về nhà tôi lại nghĩ ra những trích đoạn ca từ cải lương để hát. Từ từ tôi lập đoàn dạy con cháu hát, rồi những người ở ngoài xin vô đoàn. Giờ đoàn hát của tôi cũng có vài chục người theo nghề”, chị Diễm Hoàng chia sẻ.
Anh Bình trong trang phục Địa Tạng Vương Bồ Tát cùng đào kép Hằng Ni ngồi tĩnh lặng trước khi biểu diễn Phạm Hữu

Theo chị Diễm Hoàng, điều quan trọng đối với nghề này phải đặt cái tâm lên hàng đầu. Chị giải thích, khi hát đám ma thường hát về sự đau thương mất mát, xót thương cho những người đã khuất, nên những lần hát khó tránh khỏi chuyện đồng cảm rơi lệ với gia đình người chết.
“Nếu một ngày hát quá nhiều đám, có khi tôi phải dằn nước mắt lại, tôi không dám để mình khóc nhiều. Vì khóc nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị Diễm Hoàng chia sẻ.
Khoác trên người chiếc áo cà sa, anh Bình ngồi lẳng lặng một mình chờ đến lượt diễn. Anh là thành viên có tuổi nghề trẻ nhất đoàn vì vào nghề vừa được 2 năm, nhưng lời hát của anh lại nặng trĩu cõi lòng mỗi khi hát về cha mẹ.
Anh Bình cho rằng chính cái duyên, cái nghiệp đã mang anh đến với nghề, bởi anh theo nghề khi tuổi 45. Trong những lần đầu đứng hát đám tang, anh Bình cảm thấy xấu hổ, tỏ ra rất ái ngại vì nhiều người cứ chăm chăm nhìn khi anh hát. Nào ngờ sau vài lần thử sức, anh Bình đã có thể làm nghề một cách thuần thục.
Theo anh Bình cuộc sống của nghề này bôn ba, vội vã Phạm Hữu
Cuộc sống hát đám không đến nỗi chật vật với anh Bình, đủ để nuôi gia đình và con cái. Anh bảo, cái nghề bán nước mắt, tiếng hát này, tâm tính cũng đầy bi ai đồng cảm: “Một khi có người chết đi, tôi có một vấn đề là cảm thấy tiếc cho người đó. Do vậy lúc nào trước khi diễn, tôi cũng đều đốt nhang cho người ta, thành ý kính trọng người đã khuất. Mỗi khi hát lên là mỗi lần dành trọn mong muốn an ủi gia đình có người chết, cầu cho gia đình họ được bình an”.
“Không những thế, ngày trước tôi chưa làm nghề đều không nghĩ gì. Từ khi làm chứng kiến nhiều cảnh trần gian bi ai, sinh ly tử biệt mới cảm thấy thương cha thương mẹ nhiều hơn. Bởi vậy khi tới đám tang tôi thường ngồi một chỗ để tâm hướng về người chết”, anh Bình nói.
Chứng kiến nhiều cảnh chia ly, anh Bình nhận ra cuộc đời một người rất vô thường giàu nghèo, sang hèn rồi cũng chết đi trở vê với cát bụi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.