Người chăm giữ... xác người - Kỳ 1: Nhà vĩnh biệt nỗi đau của mất mát

14/03/2018 09:32 GMT+7

Có một công việc khiến ai nghe cũng phải 'lạnh sống lưng', chỉ trừ những con người làm công việc đó: giữ nhà vĩnh biệt, "chăm sóc" xác người hằng ngày.

Chúng tôi tìm đến khu nhà nằm tận cuối khuôn viên bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM. Không còn nhiều bóng bác sĩ, bệnh nhân đi lại như các khu khám chữa bệnh, con đường dẫn vào khu nhà này khá vắng vẻ và yên tĩnh. 
Video: Gặp những người giữ nhà vĩnh biệt tại bệnh viện Nhân dân Gia Định 
Ngay cả bản thân tôi cũng sợ con tôi sẽ buồn khi biết và nghe bạn bè nói về nghề của ba. Nhưng may mắn là cả ba mẹ lẫn vợ con tôi đều hiểu, hơn thế con tôi còn hãnh diện vì bố gan dạ quá
Ông Lê Văn Ban 
Mở cánh cửa sắt lớn đón chúng tôi là một người đàn ông chừng 50 tuổi với vẻ mặt trầm tĩnh.
Ông là một trong những người làm công việc hiếm ai dám làm: trông coi và xử lí tử thi tại nhà đại thể (hay còn gọi là nhà xác, nhà vĩnh biệt).
“Mình không làm thì ai làm”
Tiếng kinh đều đặn vọng bên tai trước khi chúng tôi đặt chân vào căn phòng đầu tiên của khu nhà vĩnh biệt.
Toàn khu nhà có tổng cộng 4 căn phòng, lần lượt từ ngoài vào là phòng khâm liệm, phòng lưu trữ xác, phòng xử lí thi thể, bên cạnh đó là phòng nghỉ của nhân viên. Những căn phòng có thể khiến người ta rùng mình khi chỉ vừa nghe tên.
Ông Lê Văn Ban (55 tuổi), người trực tiếp quản lí nhà đại thể bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Hoài Nhân
Người đón chúng tôi là ông Lê Văn Ban (55 tuổi), Tổ trưởng phụ trách nhà đại thể bệnh viện Nhân dân Gia Định. Khác với tính chất công việc luôn khiến người bình thường rùng mình khi nhắc tới, ông Ban tỉnh rụi bắt đầu câu chuyện: “Sáng nay vừa có một người bị tai nạn giao thông, hiện cảnh sát đang giám định pháp y trong phòng mổ xác nên chưa vào được”. Mùi tử khí nồng bất giác xộc vào mũi khiến chúng tôi nhăn mặt, dù chỉ đứng nơi cửa phòng.
Ông Ban làm việc cùng xác chết tại đây đã gần 30 năm nay. “Năm 1990, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, tôi được bố một người bạn quen trong quân trường giới thiệu vào bệnh viện này. Muốn ổn định công việc nên tôi cũng đánh liều để thử. Ấy vậy mà “dính” luôn tới giờ”, ông Ban chia sẻ về cơ duyên với cái nghề “lạnh sống lưng”.
Ngày đầu bước vào nhà xác, ông Ban cũng lạnh cả người. Lần đầu tiếp xúc với một người đã chết, ông còn bị ám ảnh đến mấy ngày liền. Nhưng ông chia sẻ: “Mới đầu cũng sợ chứ, nhưng rồi cứ nghĩ mình không làm thì ai làm, vậy là làm thôi. Chỉ sau một tuần tôi đã dần thích nghi. Cái nghề này đặc biệt là vậy, để làm được không phải vì làm nhiều rồi quen, mà quan trọng là có cái tâm để làm hay không”.
Ông Ban đang vận chuyển xác vào phòng lưu trữ. Ảnh: Phan Định
Hiện ở nhà xác bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngoài ông Ban còn có thêm 2 nhân viên nữa thay nhau trực tiếp phụ trách công việc. Vì quy mô nhà xác này cũng có phần nhỏ hơn so với các bệnh viện khác, nên mỗi ngày chỉ có 2 nhân viên làm việc, đến đêm sẽ chỉ còn một người trực.

Ông cho biết mình đã gắn bó với công việc “lạnh sống lưng” này đã gần 30 năm qua. Ảnh: Hoài Nhân
Ông Ban giải thích về công việc mình làm: “Khi nhận được thông báo từ bệnh viện, chúng tôi sẽ nhanh chóng đến nhận xác về. Nếu không liên quan đến vi phạm pháp luật, người mất sẽ được xử lí theo nguyện vọng của gia đình họ. Tức muốn liệm ở đây, chúng tôi sẽ hoàn thành thủ tục để hỗ trợ tiến hành ngay tại phòng liệm này, hoặc ngược lại sẽ trả về. Trước khi giao xác cho người nhà, chúng tôi đều phải tắm rửa, thay quần áo cho thi thể sạch sẽ”.
Khu nhà đại thể ở bệnh viện Nhân dân Gia Định gồm 3 phòng: phòng khâm liệm, phòng lưu trữ xác và phòng xử lí thi thể. Ảnh: Phan Định
Ông cũng kể về các trường hợp gặp tai nạn khiến tứ chi không còn được nguyên vẹn, chính ông và các đồng nghiệp cũng là người trực tiếp khâu thi thể, ghép nối các bộ phận sao cho hoàn chỉnh nhất. Đối với các trường hợp không có người thân nhận, xác sẽ được bảo quản trong các tủ đông tại phòng lưu trữ xác. Hiện tại, nơi đây có 3 tủ đông với sức chứa 6 tử thi.
Hằng ngày, công việc của ông Ban và các đồng nghiệp là quản lí sổ sách, trực tiếp nhận xác từ bệnh viện, xử lí xác (tắm rửa, khâu bộ phận, thay quần áo, đông xác,…); đồng thời giúp thân nhân hoàn thành các thủ tục cần thiết và hỗ trợ khâm liệm tại phòng khâm liệm khi cần. Ảnh: Hoài Nhân

Ông cũng thú thật rằng, ban đầu chỉ là muốn tìm một công việc ổn định, nhưng rồi ông bám nghề vì dần tìm thấy niềm vui từ chính nỗi buồn của mọi người. Niềm vui ở đây dĩ nhiên không phải là trước sự mất mát, mà là cảm giác khi giúp được những người không may, được yên lòng xuôi tay nhắm mắt, cũng như hỗ trợ cho thân nhân họ trong hoàn cảnh bối rối và đau buồn.
“Đúng, tối ngày chỉ toàn chết chóc, máu me, nhưng phải có làm mới có hiểu. Cái ấm lòng khi giúp được một người sống đã rõ ràng, còn cái ấm lòng gấp đôi khi giúp được người chết, đâu phải ai cũng hiểu. Nên không làm thì thôi, còn đã làm thì ai cũng bám nghề hàng chục năm cả”, ông Ban trầm ngâm.
Ngoài ra, ông còn là người thường xuyên liên hệ các tổ chức từ thiện hoặc đề xuất trực tiếp đến bệnh viện để xin hỗ trợ cho các trường hợp gia đình khó khăn không đủ điều kiện an táng. Ảnh: Phan Định
Vui buồn khi làm “thân” với xác
Gần 30 năm luôn ở gần với xác chết, những người làm công việc đặc biệt như ông Ban đã giữ cho riêng mình không biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui. Nói về việc tắm xác, khâu xác, ngủ đêm trông xác thì ông bình tĩnh đến lạ lùng, nhưng hỏi về những điều khó quên nhất trong nghề, ông lại im lặng một hồi lâu mới cất tiếng.
Ông Ban cho biết: “Mình sống thì có cơm ăn, còn người đã chết thì ai cho ăn. Nên ở đây vào ngày mùng 2 và 16 Âm lịch hằng tháng, chúng tôi đều cúng ít cơm, cháo, bánh tây, gạo, muối...; không chỉ để an ủi linh hồn những người đã khuất mà cũng cầu cho người sống, cho chính gia đình mình dồi dào sức khỏe, tai qua nạn khỏi”. Ảnh: Phan Định
“Nghề này ngoài làm quen với xác, vẫn còn một thứ khó làm quen hơn nhiều. Đó là sự mất mát. Cả chục năm tôi vẫn không quên được cảm giác khi khâm liệm một thi thể ở tại căn phòng này, là một người cha mất, để lại người vợ và đứa con nhỏ. Đứa nhỏ đó khóc, kêu “ba”… Rồi nó quay sang hỏi mẹ “ba có tỉnh dậy không mẹ”. Tự dưng nước mắt tôi trào ra, dù tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ khóc khi làm nghề nữa”, ông Ban kể với đôi mắt đỏ hoe.
Cũng vì hiểu hơn ai hết mối gắn kết tình cảm thiêng liêng giữa người với người, mà ông Ban luôn giữ cái tâm với nghề, “phải luôn kĩ và luôn làm cho tốt nhất”. Ngoài việc trông coi, xử lí và bảo quản xác, ông Ban cùng các đồng nghiệp còn thường xuyên liên hệ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện hoặc đề xuất trực tiếp đến bệnh viện để xin hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn không đủ điều kiện an táng. Ông khẳng định chưa bao giờ để một người nào nằm lâu trong căn phòng lạnh lẽo kia.
“Từng có nhiều người đến thử công việc này, rồi ói, rồi choáng váng mặt mày, không thì về cũng mất ngủ. Đa số chỉ qua một bữa là chạy hết, không làm được. Mười mấy người đến, may mắn lắm thì giữ được một người hợp nghề. Người ta hay nói chúng tôi là “thần kinh thép”, thực ra cũng có gì đâu. Mình đừng nghĩ chuyện xấu, mình đừng làm chuyện ác, thì lương tâm mình thanh thản, vậy thôi”, ông Ban thẳng thắn.
Gần 30 năm làm “thân” với xác chết, những người làm công việc đặc biệt như ông Ban đã giữ cho riêng mình không biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui. Ảnh: Hoài Nhân
Ấy vậy mà ông Ban cũng từng có lúc chạnh lòng vì những lời ra tiếng vào về công việc của mình. Nhưng ông chia sẻ: “Lúc biết tôi làm nghề này, nhiều người lắc đầu ái ngại, thậm chí e dè khi tiếp xúc. Ngay cả bản thân tôi cũng sợ con tôi sẽ buồn khi biết và nghe bạn bè nói về nghề của ba. Nhưng may mắn là cả ba mẹ lẫn vợ con tôi đều hiểu, hơn thế con tôi còn hãnh diện vì bố gan dạ quá”.
Cũng đôi lần ông gặp những thân nhân vì quá đau buồn mà có lời lẽ không hay. Nhưng có lẽ như ông nói, “mình đừng nghĩ chuyện xấu, mình đừng làm chuyện ác, thì lương tâm mình thanh thản, vậy thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.