'Bác sĩ nhi đồng' thần tượng qua bài văn của cậu bé lớp 3

21/02/2017 15:59 GMT+7

'Dáng bác hơi tròn, phúc hậu, mắt bác to và sáng, với mái tóc xoăn bồng bềnh, khiến bác trông giống một thi sĩ hơn là một bác sĩ', một học sinh lớp 3 đã tả đích danh vị 'Bác sĩ nhi đồng' mà em thần tượng.

Ông bác sĩ này vẫn được gọi với nickname thân thương là “bác sĩ nhi đồng” - một bác sĩ của trẻ em và bạn của phụ huynh.
Bác sĩ “thần tượng”
Với đề bài: “Kể về một người lao động trí óc (bác sĩ, giáo viên, y tá, công an,…)”, một học sinh lớp 3 đã tả “đích danh” một bác sĩ của trẻ em và là bạn của phụ huynh. Ông vẫn được gọi với nickname thân thương là “bác sĩ nhi đồng”.

Bác là người có đức tính cao quý như hiền lành, tốt bụng, thẳng tính, giỏi chuyên môn và tâm huyết với nghề

Bé Nguyễn Đăng Tiến

Đó là bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Bài văn của bé Nguyễn Đăng Tiến, lớp 3, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (huyện Hóc Môn, TP.HCM), khiến nhiều người đọc trên facebook vui và xúc động.
“Dáng bác hơi tròn, phúc hậu, mắt bác to và sáng, với mái tóc xoăn bồng bềnh, khiến bác trông giống một thi sĩ hơn là một bác sĩ”, em Tiến tả.
Qua cách nhìn của bệnh nhân nhí này thì: “Bác là người có đức tính cao quý như hiền lành, tốt bụng, thẳng tính, giỏi chuyên môn và tâm huyết với nghề”.
Bài văn kể: “Mỗi ngày bác rất bận rộn với công việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhi, thỉnh thoảng lại phải đi công tác. Tuy công việc rất bận rộn nhưng bác không quên dành thời gian trả lời tư vấn, giải đáp thắc mắc miễn phí của các ông bố bà mẹ về các bệnh trẻ em thường gặp. Việc làm này rất hữu ích và giúp đỡ mọi người được rất nhiều”.
Bé còn kể trong bài là mình luôn làm theo những lời dặn dò của bác sĩ có bí danh là “Bác sĩ mê con nít” này trên báo Nhi đồng.
“Em rất yêu quý và tự hào về bác, em sẽ cố gắng học giỏi để sau này được sống và làm việc có ích như bác Khanh”, bé Tiến viết trong bài văn.
Bác sĩ Khanh thăm khám cho một bệnh nhi bị thủy đậu tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyên Mi
Chị Võ Thái Vân (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM, mẹ bé Tiến) cho biết phòng khám của bác Khanh lúc trước ở Hóc Môn, nhà chị cũng ở đây. Lúc nhỏ, bé Tiến bệnh suốt, cứ bệnh là lại tìm đến bác Khanh. Rồi sau này, bác nghỉ phòng khám thì gặp bác trên facebook, ti vi. Bé đọc báo Nhi đồng thì rất thích bác Khanh - với bí danh là “Bác sĩ mê con nít” và thần tượng bác.
“Bé mê bác lắm nên cũng mê làm bác sĩ. Bé có nguyên một thùng đồ nghề to đùng luôn. Mỗi lần lấy ra làm đủ kiểu chích thuốc cho gấu bông, cho chú lính, đeo găng tay làm ra vẻ chuyên nghiệp nhìn vui lắm!”, chị Vân tâm sự.
Khi đọc được bài văn của con, chị cho biết: “Vui. Chữ viết thì xấu gạch tới gạch lui tùm lum. Cô giáo cũng đánh giá cao bài làm. Tuy nhỏ nhưng bé nắm bắt nhanh và bao quát lắm. Cái gì trong mắt bé mình thấy già dặn, đặc biệt rất tình cảm!”.
Theo chị Vân: “Bác rất hiền và giỏi. Hồi con mình bị bệnh tay chân miệng, bác cho thuốc uống rất hay. Nếu không gặp bác đợt đó mà nằm viện thì cực lắm. Nói chung, mình thấy tuyệt vời. Mẹ cũng thần tượng, mà con trai cũng mê nữa nên cả nhà quý lắm! Theo dõi bác trên facebook, fanpage, tuần nào bé cũng đọc báo, khi nào mở ti vi mà thấy bác Khanh thì ngồi xem như là thấy người thân của mình vậy. Nói chung tình cảm của gia đình với bác nó lạ lắm, không biết kiếp trước có duyên gì”.
Bác sĩ của trẻ con, bạn của ba mẹ
“Thứ nhất, bất ngờ vì phụ huynh gởi qua tin nhắn trong fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng". Sau đó, thấy vui vì tả như giống thi sĩ, vì nhiều người lớn từng nói giống nghệ sĩ hơn bác sĩ. Vui tiếp vì bé có đọc biết bác sĩ Khanh qua báo và làm theo những lời khuyên đa số là sức khỏe của bác sĩ”, bác sĩ Khanh chia sẻ cảm xúc khi nhận được bài văn của cậu bé học lớp 3 tả về mình.
Em rất yêu quý và tự hào về bác, em sẽ cố gắng học giỏi để sau này được sống và làm việc có ích như bác Khanh
Nguyễn Đăng Tiến
Kèm theo hai tấm hình chụp bài văn được phụ huynh gửi qua tin nhắn fanpage "Hỏi bác sĩ nhi đồng" là câu chúc: “Chúc bác có tuần làm việc mới thật vui vẻ hạnh phúc nhé, con trai tả bác Khanh mà viết chữ xấu quá, hi hi”!
Bác sĩ Khanh tâm sự thêm, đã khá lâu, chắc hơn 10 năm, khi cộng tác cho báo Nhi đồng, có một bé cũng tầm 9-10 tuổi đòi cho được vào gặp bác sĩ Khanh và nhiều lần mới vào gặp được. Bé cũng bất ngờ vì không giống bác sĩ. “Mà theo bé này thì “đầu tóc bù xù”, chứ không “bồng bềnh” như cảm nhận của bé Tiến tả”, bác sĩ Khanh cười.
Ngày trước, bác sĩ Khanh mở phòng khám cho trẻ em ở Hóc Môn. Trong mấy chục năm, một lần khám, dù bệnh gì, bác sũng chỉ lấy chi phí có 15.000 đồng cả tiền khám và tiền thuốc.
Sau đó, ông đóng cửa phòng khám và lập ra fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”. Trên fanpage, bác sĩ cập nhận các kiến thức về bệnh con nít, những dặn dò, cảnh báo phụ huynh vào đầu mỗi mùa bệnh; trả lời hết các thắc mắc của các ông bố bà mẹ về những vấn đề sức khỏe mà các bé gặp phải.
Fanpage "Hỏi bác sĩ nhi đồng" là địa chỉ tư vấn sức khỏe trẻ con thân quen của các ông bố bà mẹ Chụp màn hình
Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” có gần 160.000 lượt thích (like) và số lượng theo dõi (follow) cũng tương đương thế. Mỗi ngày nhận hàng trăm tin nhắn, câu hỏi từ phụ huynh về đủ vấn đề sức khỏe trẻ em. Tất cả các câu hỏi, thắc mắc của phụ huynh đều được bác sĩ Khanh trả lời, cho lời khuyên thấu đáo.
Đặc biệt, ông làm rất vô tư, từ chối hết quảng cáo, liên kết của các hãng dược, các nhà sản xuất đồ dùng cho trẻ em.
Trong bài văn, bé Tiến cũng nhắc đến chi tiết, “bác sĩ tự bỏ tiền túi ra xây nhà cho học sinh vùng cao”.
Theo bác sĩ Khanh, thực tế còn rất nhiều trường học không chú ý tới khâu vệ sinh. Là bác sĩ nhiễm, ông biết nhiều bệnh tật sẽ phát sinh từ một việc nhỏ mà không nhỏ này.
Chính vì vậy, “có dư chút đỉnh”, ông đã dùng khoản tiền túi đó tìm đến các trường khó khăn, vùng sâu, vùng xa để xây nhà vệ sinh. Cho đến nay, ông đã bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng để xây ba nhà vệ sinh ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.