Bướu quái cực hiếm và nguy hiểm
Hôm nay (20.1), bác sĩ Phan Minh Trí (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: Bé gái sơ sinh (20 ngày tuổi, nặng 3,5 kg) nhập viện vì một khối bướu ở gốc hàm bên trái. Khối bướu có kích thước khoảng 15-20 cm chiều dài, kéo dài từ dưới cằm qua sàn sọ lên tới khoảng não trên mí mắt. Khối bướu gây chèn ép các cơ quan vùng cổ và não của bệnh nhi.
Theo bác sĩ Đào trung Hiếu (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), qua các chẩn đoán hình ảnh thì khối bướu này vừa có phần mô đặc, vừa có phần dịch và lẫn xương, tóc. Đây được gọi là bướu quái.
tin liên quan
Bệnh viện nhi hiện đại nhất nước bắt đầu hoạt độngSáng nay, 16.1, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (tại 15 Võ Trần Chí, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) chính thức đưa vào hoạt động Khoa Khám bệnh và Khoa Cấp cứu.
Bác sĩ Hiếu cho biết thêm: Bướu quái thường gặp ở cơ quan sinh dục, có trường hợp ở vùng xương cùng cụt và trong lồng ngực. Riêng bướu quái ở vùng cổ là cực hiếm. Bướu quái ở vùng sọ cũng cực hiếm. Riêng trường hợp của em bé Bệnh viện Nhi đồng vừa tiếp nhận, bướu quái kéo dài từ vùng cổ lên vùng sọ. Đây là trường hợp cực kỳ hiếm.
“Tôi tìm hiểu y văn thế giới từ trước đến nay thì chỉ thấy mới có một bệnh án báo cáo về trường hợp bướu quái cả vùng cổ và sọ giống trường hợp này. Đây là trường hợp thứ 2 được ghi nhận”, bác sĩ Hiếu nhận định.
Theo bác sĩ Hiếu, bướu quái nguy hiểm ở chỗ phát triển rất nhanh và đặc biệt phát triển đi vào phía trong, xâm lấn các cơ quan bên trong. Nhìn phía ngoài thì thấy phần u ra nhỏ nhưng khối bướu xâm lấn bên trong rất nhiều.
Em bé bị bướu quái xâm lấn từ vùng dưới cằm lên sọ - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
|
Em bé bị khối bướu chèn ép toàn bộ vùng cổ và trên não. Khối bướu ở vùng cổ gây chèn ép đường thở, suy hô hấp và chèn ép đường ăn (thực quản). Bướu ở vùng sọ gây chèn ép làm tổn thương não.
“Vì vậy, bướu quái cả vùng cổ và vùng sọ như của bệnh nhi là cực kỳ nguy hiểm, phải can thiệp cắt bỏ càng sớm càng tốt. Nếu không khả năng em bé sẽ tử vong vì không thể thở, không thể ăn và tổn thương não”, bác sĩ Hiếu cho biết.
tin liên quan
Sán làm tổ 5cm trong não bé traiSau hơn 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được tổ sán dải heo có đường kính 5cm ra khỏi não bệnh nhi 15 tuổi.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hiến phân tích các khó khăn của cuộc phẫu thuật: “Trước khi mổ, chúng tôi rất lo lắng về nhiều khả năng biến chứng trong và sau khi mổ. Khối bướu chèn ép vùng cổ, nếu mổ không khéo, làm tổn thương phần hầu thì sau khi mổ xong, em bé được cắt bướu nhưng ăn sẽ bị trào nước miếng liên tục, hay sàn miệng bị thủng, vỡ thì em bé sẽ không thể ăn bằng miệng được. Như thế cũng khổ! Nếu mổ không khéo cũng có thể gây tổn thương khí quản, thực quản hay tổn thương dây thần kinh vùng cổ của em bé thì em bé sẽ bị méo miệng. Khối bướu ở vùng sọ nếu đụng vô mạch máu lớn hay tổn thương não cũng rất nguy hiểm”.
Phẫu thuật thành công
Để phẫu thuật cắt bỏ khối bướu cho bệnh nhi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã huy động sự phối hợp mổ của hai chuyên khoa là ung bướu sơ sinh và ngoại thần kinh, với hai ê kíp mổ.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 giờ với nhiều khó khăn. Cuối cùng, toàn bộ phần bướu của em bé đã được lấy ra.
Sau khi khối bướu được lấy ra, phần trong sọ của em bé bị một khoảng khuyết lớn. Các bác sĩ đã dùng xương nhân tạo “lắp” lại cho bé.
Ca mổ đã thành công.
Bệnh nhi được chăm sóc tại Khoa Hồi sức sơ sinh với các dấu hiệu sức khỏe ổn định - Ảnh: Nguyên Mi
|
Hôm nay (48 giờ sau mổ), em bé đã tỉnh táo hoàn toàn, tay chân hoạt động tốt, đã ổn định sức khỏe và không có biến chứng. Hiện em bé vẫn được thở máy nhưng đã có dấu hiệu “muốn” tự thở.
Ngoài ra, bác sĩ Hiếu nói thêm, em bé sơ sinh nên các cơ quan sẽ còn phát triển và theo xu hướng như bình thường khi không bị chèn ép nữa. Như thế, bệnh nhi không cần phải phẫu thuật can thiệp, tạo hình gì thêm.
Bác sĩ Trí, cho biết: Những khối bướu thế này có thể chẩn đoán được trong thai kỳ qua siêu âm. Trường hợp này, mẹ của bé có đi khám thai nhưng có thể do trang thiết bị và bác sĩ còn hạn chế nên không phát hiện trong thai kỳ. Khi em bé sinh ra mới phát hiện là có bướu.
Theo bác sĩ Hiếu, ca bướu quái cả phần cổ và não đầu tiên có bệnh án mà y văn thế giới ghi nhận là tại Mỹ vào năm 2004. Em bé đã được phát hiện bướu từ trong thai kỳ (khi được 28 tuần tuổi). Khi đó, em bé vừa sinh ra là được phẫu thuật ngay.
tin liên quan
Cận cảnh bệnh viện phục vụ chuẩn quốc tế, phí khám chỉ 20.000 đồngKhông phân chia khám dịch vụ, khám thường và phí khám bệnh 20.000 đồng nhưng phục vụ bệnh nhân theo chuẩn quốc tế. Tại bệnh viện này, lần đầu tiên, ba mẹ đưa con đi khám bệnh thấy thảnh thơi, không 'đổ mồ hôi' vì quá tải.
Bình luận (0)