Chỉ đau lưng, đau bụng, khám ra… ung thư

Chỉ đau lưng, đau bụng, khám ra… ung thư

22/12/2016 17:10 GMT+7

Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám ở vào độ tuổi thanh xuân, sức dài vai rộng, chỉ đau bụng, đau lưng nhưng cuối cùng phát hiện ra… ung thư.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng và có những bệnh ung thư mới nổi “đánh nhanh” vào người trẻ tuổi.
Chỉ đau sơ sơ vậy mà... ung thư
Tại Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân N.T.T. (24 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám với triệu chứng chỉ tức nhẹ ở vùng hông lưng, không có rối loạn tiêu tiểu.
Tuy nhiên, qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm thì bệnh nhân sững sờ, như “sét đánh ngang tai” khi được xác định bị ung thư thận. Khối u ở thận trái của bệnh nhân đã có kích thước khá lớn, khoảng 5cm.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn thận để điều trị.
“Đối với người bệnh trong độ tuổi còn trẻ, nếu không thể phẫu thuật bảo toàn thận thì sau này sẽ có nguy cơ bị suy thận mạn cao, đôi khi phải lọc máu định kỳ. Nếu được điều trị hiệu quả, sau 5 năm, 90% người bệnh không có dấu hiệu tái phát”, bác sĩ Đức thông tin.

Bác sĩ Đức khuyến cáo, ung thư thận ở giai đoạn sớm (kích thước bướu còn dưới 7cm) thường không có triệu chứng điển hình. Ở giai đoạn muộn, khoảng 30% người bệnh có các triệu chứng đau bụng, tiểu máu, thăm khám thấy có khối u bụng.
“Do đó, để phát hiện sớm ung thư thận, mọi người nên kiểm tra định kỳ sức khoẻ hằng năm. Hiện nay, do hiệu quả của việc khám sức khoẻ định kỳ nên đa số bướu thận được phát hiện sớm khi kích thước bướu dưới 4cm”, bác sĩ Đức khuyên.
Một khối u khá lớn được bác sĩ phát hiện trong thận bệnh nhân đến khám do đau hông lưng - Ảnh chụp lại phim 

Trong khi đó, chị M.T.H. (23 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bị cảm giác biếng ăn, ăn uống kém, không tiêu, đau bụng nhẹ chỉ mới cách đây 3 tháng. Đến khoảng 1 tháng gần đây chị bị nôn ói và khi ói xong thì thấy dễ chịu. Cứ nghĩ là do công việc căng thẳng, cơ thể mệt mỏi nên bị rối loạn tiêu hóa nhất thời nhưng cẩn thận, chị vẫn đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, chị không thể ngờ đó là… ung thư dạ dày.
“Nhìn bệnh nhân bước ra khỏi phòng khám hoàn toàn bất thần, rồi ngồi sụp xuống ôm mặt khóc giàn giụa. Là bác sĩ, chứng kiến bao cảnh hiểm nghèo, thương tâm, tôi cũng nhói lòng, muốn chảy nước mắt. Bệnh nhân còn quá trẻ, không hề nghĩ mình bị… ung thư”, bác sĩ Nguyễn Viết Hải, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ.
Theo bác sĩ Hải, khối u dạ dày của bệnh nhân đã di căn ổ bụng. Với bệnh nhân ung thư dạ dày di căn các cơ quan trong ổ bụng thì việc phẫu thuật không còn ý nghĩa. Bệnh nhân chỉ được điều trị nâng đỡ và giảm đau.
Những bệnh ung thư mới nổi “đánh nhanh” vào người trẻ
Theo ghi nhận của Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, năm 2014, tỉ lệ người bệnh trẻ trước 40 tuổi mắc bệnh ung thư dạ dày chỉ 16%. Trong năm 2015, tỉ lệ này đã gia tăng lên đến 22%.
Thạc sĩ - bác sĩ Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thêm trong tỉ lệ người bệnh dưới 40 tuổi mắc ung thư dạ dày, đặc biệt có nhiều trường hợp dưới 30 tuổi. Hằng năm có khoảng 300 - 400 trường hợp ung thư dạ dày đến khám. Trong đó, có gần 2/3 trường hợp còn chỉ định phẫu thuật triệt để.
Bác sĩ Hải cho biết đa phần các trường hợp người bệnh trẻ tuổi bị ung thư dạ dày khi đến bệnh viện đều ở giai đoạn trễ. Sự chậm trễ này phần lớn do chủ quan vì nghĩ ở độ tuổi của mình khó mắc phải bệnh ung thư này.
Mổ nội soi một trường hợp bệnh nhân ung thư đại trực tràng mới 35 tuổi - Ảnh: Nguyên Mi

Theo bác sĩ Hải, ung thư dạ dày có triệu chứng khá mơ hồ: đau bụng, ăn khó tiêu, cảm thấy chướng bụng…
Đặc biệt, “nếu một bệnh nhân bị loét dạ dày, điều trị sau 3 tháng mà không hết thì phải nghĩ đến ung thư dạ dày”, bác sĩ Long nhấn mạnh.
Trong giai đoạn sớm, khối u chưa di căn hoặc di căn khu trú ở một cơ quan xác định, ung thư dạ dày có thể được điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật nội soi.
“Trước đây, đa số ung thư thận thường gặp ở những người lớn tuổi, độ khoảng 50 - 70 tuổi. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh trên là một minh chứng ung thư thận có thể xảy ra và đang có xu hướng gia tăng ở độ tuổi rất trẻ”, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhìn nhận.
Một bệnh ung thư nữa được cảnh báo đang “đánh nhanh” và bệnh nhân trẻ hóa là ung thư đại trực tràng.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, hiện nay tại Việt Nam số lượng ung thư đại trực tràng đang gia tăng đáng kể so với 10 năm trước. Càng ngày càng nhiều trường hợp bệnh nhân ở độ tuổi trên dưới 30.

Bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng và thường được phát hiện thông qua kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư.
Ở giai đoạn trễ hơn, người bệnh ung thư đại trực tràng thường có các biểu hiện như tiêu ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu phân lỏng xen kẽ táo bón), thay đổi hình dạng khối phân, mót rặn, đau bụng và thiếu máu...
“Tuy nhiên, các triệu chứng trên có thể gặp ở các bệnh lý khác. Trung bình có khoảng 20 - 25% người bệnh ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn rất trễ khi các tế bào ung thư đã tiến triển và lan rộng”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo.

tin liên quan

3 bệnh ung thư bạn nên biết
Theo Medical Daily, hiện có hơn 100 loại ung thư khác nhau tùy vào vị trí cơ thể nơi tế bào ung thư phát triển. Trong số đó, 3 bệnh ung thư dưới đây bạn nên biết để phòng tránh bệnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.