Có 4 giờ 30 phút 'vàng' để cứu bệnh nhân đột quỵ khỏi liệt nửa người

06/01/2017 19:01 GMT+7

Bệnh nhân đột quỵ có thể 'thoát cảnh' liệt nửa người, không phải ngồi xe lăn nếu được đưa đến bệnh viện đúng cách và điều trị đúng phương pháp sớm.

4 giờ 30 phút “vàng”
“Người bị đột quỵ có dấu hiệu liệt nửa người có 4 giờ 30 phút “vàng” để được cấp cứu và điều trị đúng cách để không phải gánh hậu quả liệt nửa người, ngồi xe lăn vĩnh viễn”, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Hữu Thật, Ban Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện An Bình, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết.
Bệnh nhân L.V.L. (68 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) đột nhiên méo miệng, ú ớ, liệt nửa người bên trái. Người nhà đã ngay lập tức đưa đến Bệnh viện An Bình cấp cứu.
Bác sĩ Thật cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não cấp, đã có tiền sử bệnh huyết áp cao và từng bị đột quỵ nhẹ một lần.
Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Sau 24 giờ điều trị, các bác sĩ đã cứu bệnh nhân khỏi cảnh liệt nửa người. Ông L. hiện giờ (sau 5 ngày điều trị, chăm sóc) đã đi lại và sinh hoạt bình thường như trước khi bị cơn đột quỵ “đánh quật” ông.

tin liên quan

Nỗi lo đột quỵ 'tấn công' người trẻ
Đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não, trước kia được mặc định là bệnh của người già, nhưng trong những năm gần đây tỷ lệ người bị đột quỵ đang trẻ hóa.
Theo bác sĩ Thật, hiện nay, biện pháp điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch mang lại hiệu quả tốt nhất với những bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu não cấp. Bệnh nhân được điều trị phục hồi tốt hơn, có thể vận động, đi lại trở lại được sau 24 giờ điều trị.
Tuy nhiên, thời gian “vàng” để có thể cứu chữa cho bệnh nhân là 4 giờ 30 phút sau khi khởi phát triệu chứng.
“Điều trị thành công cho bệnh nhân đột quỵ, tai biến phụ thuộc rất nhiều vào sơ cứu, xử lý ban đầu của gia đình. Do đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu liệt nửa người, có các biến chứng đột ngột méo miệng, mắt nhìn mờ, á khẩu... thì gia đình nên ngay lập tức đưa đến bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Thật khuyến cáo.
Lưu ý xử lý bệnh nhân đột quỵ
Trong trường hợp có người bị đột quỵ, bác sĩ Thật khuyên người nhà nên lưu ý: Không dùng các phương pháp dân gian như chích máu ngón tay, hơ lửa hay sốc bệnh nhân. Các biện pháp này hoàn toàn chưa có chứng minh khoa học về mặt hiệu quả và có thể làm tình trạng nặng hơn. Chú ý để bệnh nhân nằm được thông thoáng.
Trong quá trình vận chuyển, cần cố định bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có ói thì phải đặt bệnh nhân nằm nghiêng một bên để các dịch ói ra ngoài, không gây ngạt, tràn dịch ói vào đường hô hấp có thể dẫn đến các biến chứng khác như viêm phổi.

tin liên quan

Ai dễ bị phình động mạch não?
Túi phình mạch máu não là chỗ giãn lớn mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường, có thể do thoái hóa thành mạch ở người già hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở người trẻ tuổi.
 
Bệnh nhân đột quỵ, sau khi được điều trị phục hồi vẫn phải được tái khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bệnh nhân sau điều trị cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày tùy thuộc vào bệnh nền của mình theo lời khuyên của bác sĩ.
Nhiều trường hợp bệnh nhân sau điều trị không tái khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe có thể tái bệnh, xảy ra tai biến về sau. Khi tình trạng đột quỵ lặp lại thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn ban đầu.
Trong trường hợp bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người thì nên tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở các cơ sở y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.