Dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp

01/08/2016 11:04 GMT+7

Dấu hiệu chủ yếu của viêm khớp sớm trong viêm khớp dạng thấp là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ.

Cảm giác đau khớp rất khó chịu. Nó gây đau nhức, tê buốt tại các khớp xương, và bị hành hạ nhiều về ban đêm làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Không chỉ vậy, viêm khớp còn tác động tới tâm lý của người bệnh thông qua việc luôn cảm thấy buồn phiền, và ngại cử động dẫn tới các khớp trở nên tê cứng và bệnh ngày càng nặng thêm. Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển đến biến dạng do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng gây bán trật khớp.
Phụ nữ bị viêm khớp nhiều hơn đàn ông
Theo BS CKI Cao Thanh Ngọc - Phòng khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis, VKDT) là một bệnh lý viêm khớp có tính chất tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính màng hoạt dịch ở nhiều khớp và có hoặc không các tổn thương ngoài khớp. VKDT có biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc khí trời ẩm ướt.
VKDT có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và tất cả các lứa tuổi. Lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50 tuổi (chiếm 73 - 85%). Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 - 6 lần, nhưng nam giới mắc bệnh có xu hướng nặng nề hơn nữ giới.
Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân. Ngoài ra, tất cả các khớp khác cũng đều có thể bị ảnh hưởng như khớp khuỷu, vai… Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển đến hẹp khe khớp, dính, biến dạng khớp và gây tàn phế.
Viêm khớp gây đau nhức, tê buốt tại các khớp xương - Ảnh: Shutterstock 
Dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp
Dấu hiệu chủ yếu của viêm khớp sớm trong VKDT là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ. Tình trạng viêm khớp được cho là đang hoạt động nếu đau khi sờ nắn hoặc khi vận động khớp thụ động. Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc sưng tại khớp. Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp.
Bệnh có thể bắt đầu ở một khớp và không đối xứng, chẳng hạn như khớp gối, song đa số các trường hợp trong vòng vài tuần đến vài tháng sẽ phát triển thành viêm nhiều khớp với tính chất đối xứng, thông thường ảnh hưởng tới các khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân và các khớp nhỏ ở bàn chân. Hiếm gặp tổn thương ở các khớp liên đốt ngón xa.
Người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng; đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian; khớp sưng, nóng, đau đối xứng; đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hằng ngày; sưng đau khớp kéo dài trên 2 tháng ở phụ nữ trung niên.

tin liên quan

Sụn nhân tạo đầy hứa hẹn
Giới khoa học đã công bố những tiến triển trong nỗ lực phát triển sụn nhân tạo, có thể cho phép trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ nhu cầu phẫu thuật thay sụn ở bệnh nhân viêm khớp.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Bác sĩ Ngọc cho biết VKDT là bệnh lý tự miễn, nghĩa là cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp. Nguyên nhân của VKDT vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Sự xuất hiện của bệnh được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hoóc môn, miễn dịch và nhiễm trùng. Các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống (chẳng hạn hút thuốc lá, uống cà phê, tiếp xúc sillicon) có thể ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể khởi phát sớm hơn ở những người hút thuốc lá.
Chẩn đoán sớm bệnh VKDT quan trọng ra sao?
Chẩn đoán sớm và điều trị sớm VKDT rất quan trọng bởi vì tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. Khoảng 30% người bệnh có biểu hiện bào mòn xương tại thời điểm chẩn đoán và tỷ lệ này có thể tăng lên 60% trong vòng 2 năm.
Tuy nhiên, VKDT khó chẩn đoán vì không có một xét nghiệm riêng nào dành cho bệnh này. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm cũng như dễ bỏ sót chẩn đoán. Chính vì vậy, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán sớm. Khi đi khám bệnh, người bệnh cần mô tả kỹ các triệu chứng. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng kết hợp với một số xét nghiệm để chẩn đoán. Các xét nghiệm cần làm là phản ứng viêm (tốc độ lắng máu, CRP), yếu tố dạng thấp (RF), kháng thể kháng CCP (AntiCCP), Xquang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.