Hy vọng sớm có thuốc ngừa thai nam

29/10/2016 11:01 GMT+7

Giới khoa học đã tiến thêm một bước gần đến mức điều chế thành công thuốc ngừa thai dành cho nam giới, sau khi tìm được cách làm chậm lại sự di chuyển của tinh trùng.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Wolverhampton (Anh) đã phát hiện được những peptide (chỉ các chuỗi dài những a xít amin trong protein) có khả năng xâm nhập tế bào, và quan trọng hơn nữa là có thể trở thành công cụ thay đổi tính chất vận động của tinh trùng, bằng cách khiến tế bào di chuyển nhanh hơn hoặc lâm vào tình trạng “đóng băng”. Giáo sư John Howl đã giải thích những hợp chất xâm nhập tinh trùng và tạo ra tác động hầu như tức thời lên các tế bào. Trả lời tờ Mail on Sunday, giáo sư Anh cho biết kết quả thật sự gây sửng sốt cho những người quan sát, và xuất hiện hầu như ngay lập tức. “Khi bạn lấy một tinh trùng khỏe mạnh và tiêm hợp chất này, trong vòng vài phút tinh trùng không thể nào di chuyển được như cũ”, theo chuyên gia Howl.


Đội ngũ chuyên gia nghiên cứu phát hiện bằng cách thiết kế các peptide can thiệp vào cách thức tinh trùng hoạt động chức năng, kết quả thu được có tiềm năng ứng dụng trong kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tương lai cũng như cho phép ngừa thai hiệu quả trong trường hợp nam giới, vì vô sinh ở đàn ông thường do tinh trùng di chuyển chậm. Theo nhóm khoa học gia của Đại học Wolverhampton, sở dĩ những nỗ lực trước đây nhằm điều chế thuốc ngừa thai dành cho nam giới đều bị thất bại là do họ có thể thay đổi hàm lượng hormone, nhưng những thay đổi này không đảo ngược trở lại như cũ. Ưu điểm của các peptide xâm nhập tế bào là những hợp chất này có thể thay đổi sự vận động của tinh trùng mà không làm ảnh hưởng đến các hệ thống kiểm soát hormone của đàn ông.

Trong khi đó, tiến sĩ Sarah Jones, một thành viên của dự án, cho biết về mặt cơ bản họ đã thiết kế các peptide có thể can thiệp vào chức năng sinh lý của tinh trùng. Theo bà, tinh trùng vốn là tế bào khét tiếng khó bị xâm nhập, nhưng với các peptide vừa được thiết kế, "giờ đây chúng tôi hy vọng sẽ phát triển một thứ gì đó có thể hữu dụng về mặt lâm sàng và có thể tiếp tục triển khai trong tương lai”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.