Mổ 'báo động đỏ', cứu sống các bệnh nhân '10 phần chết, 1 phần sống'

12/03/2017 09:01 GMT+7

Bệnh nhân '10 phần chết, 1 phần sống' được mổ ngay tại Khoa Cấp cứu, tính mạng được tính từng phút. Quy trình, thủ tục thông thường như: các xét nghiệm, siêu âm, thậm chí gây mê… đều phải bỏ qua.

Những ca mổ “chớp nhoáng”
Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nam du khách người Nhật Bản (70 tuổi) đột ngột lên cơn đau ngực, ngất lịm đi. Ông lập tức được đưa đến cơ sở y tế gần đó, rồi chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận thấy tình trạng thập tử nhất sinh, các bác sĩ đã phải phẫu thuật tim cho bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu.
“Bình thường, để thực phẫu thuật tim, cần nhiều thời gian để làm các xét nghiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu trù trừ, kéo dài lâu sẽ khó đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Khi ấy, không đủ thời gian để chuyển bệnh nhân lên phòng mổ lớn nữa. Bởi, trong khi di chuyển, bệnh nhân có thể tử vong”, bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Phẫu thuật tim, đánh giá.
Ca mổ thành công và bệnh nhân được cứu thoát qua “cửa tử”.

tin liên quan

'Ông tiên' hồi sinh những bệnh nhi nguy kịch
Có những ca không ai nghĩ bệnh nhân có thể qua khỏi. Thế nhưng các bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục, phục hồi kỳ diệu. Có một 'ông tiên' đứng chính ở bàn mổ đã tạo nên những phép màu đó.
Bệnh nhân nam (32 tuổi) được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong tình trạng đa chấn thương nặng, mạch và huyết áp đều bằng 0. Anh bị xe container tông phải.
Ngay khi nhận bệnh, đánh giá tình hình nguy cấp, các bác sĩ vừa phải hồi sức. Đồng thời huy động đầy đủ bác sĩ các chuyên khoa liên quan, mổ ngay cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, khi mổ bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị đứt mạch máu chủ, chảy máu bên trong ồ ạt. Các bác sĩ đã lấy ra hơn 2 lít máu trong khoang màng phổi của bệnh nhân.
Ca mổ ngay tại Khoa Cấp cứu hoàn thành đã giúp hồi sinh bệnh nhân.
Cứu sống không cần "đúng quy trình"
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết: “Những ca nguy cấp, 90% là tử vong sẽ được mổ “báo động đỏ” ngay tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đó, các bác sĩ nhiều chuyên khoa được huy động xuống ngay Khoa Cấp cứu, các bác sĩ phải vừa hồi sức tích cực, vừa mổ tại chỗ cho bệnh nhân”.
Thậm chí, có nhiều trường hợp, bệnh nhân khi vào cấp cứu đã mê man, mổ không cần phải gây mê nữa.
Nhiều trường hợp vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong tình trạng nguy kịch Nguyên Mi
Bác sĩ Hiệp cho biết, phần lớn các trường hợp phải mổ “báo động đỏ” ngay tại Khoa Cấp cứu là bị đa chấn thương ở ngực, bụng, tứ chi; xuất huyết nội; tổn thương mạch máu não; tổn thương ở tim…
Theo đánh giá của các bác sĩ, cơ hội sống của bệnh nhân tính từng phút, quan trọng nhất là tận dụng “thời gian vàng”. Khi đó, có những quy trình, thủ tục thông thường như: các xét nghiệm, siêu âm hay thậm chí là gây mê… phải bị bỏ qua.
Các trường hợp này hầu như đều không còn thời gian để chuyển lên phòng phẫu thuật lớn. Nếu chậm một chút, nhiều lúc chuyển được đến phòng phẫu thuật lớn thì khả năng bệnh nhân đã tử vong.

tin liên quan

Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ca đổi chéo thận ghép
'Sau cuộc ghép thận này, hai gia đình trở thành người nhà. Chị Huề mang trong người quả thận của ba tôi. Còn tôi được ghép thận của mẹ chị Huề. Chúng tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, các bác sĩ đã một lần nữa cho chúng tôi nguồn sống', chị Lê Thị Ánh Hồng tâm sự.
“Trong cấp cứu không thể lúc nào cũng phải áp dụng đúng một quy trình chuẩn. Bởi nếu thực hiện theo đúng quy trình thì bệnh nhân nắm chắc tử vong. Chuẩn nhất là làm sao cứu được người bệnh. Đó là y lệnh cao nhất”, bác sĩ Việt khẳng định.
Bác sĩ Hiệp cho biết, trong năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 250 lượt bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu. Đến năm 2017, hiện nay, mỗi ngày, đưa vào Khoa Cấp cứu đến 350 bệnh nhân.
Ghi nhận của bệnh viện, cả năm 2016, bệnh viện chỉ có 15 trường hợp cấp cứu “báo động đỏ” (bệnh nhân nguy kịch, phải huy động bác sĩ các chuyên khoa, phải mổ ngay tại Khoa Cấp cứu). Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận và mổ 8 ca “báo động đỏ”.
Theo bác sĩ Hiệp, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có một lợi thế là phòng mổ ở Khoa Cấp cứu có quy mô như phòng mổ lớn ở Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, trang thiết bị đầy đủ, đạt tiêu chuẩn của phòng mổ hoàn chỉnh. Được biết, trong thời gian tới, để tận dụng “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân, ngoài phòng mổ bên trong Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng thêm phòng mổ tại một số chuyên khoa về tim mạch, lồng ngực…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.