Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe đã có những khuyến cáo đáng lưu ý.
Tỷ lệ sinh mổ tăng nhanh
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ sinh mổ tăng nhanh trong các năm gần đây, hiện chiếm khoảng 25 - 30%, trong khi 15 - 20 năm trước tỷ lệ này chỉ chiếm 10 - 15%.
“Tỷ lệ sinh mổ có tăng so với các năm trước đây, nhiều trường hợp do sản phụ và gia đình yêu cầu. Nguyên nhân có thể do tâm lý bà mẹ ngại đau; cũng có thể do họ cho rằng đẻ mổ bắt con an toàn, bé sớm được ra cho đỡ... ngạt”, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa nhận xét. Chuyên gia này đánh giá, thậm chí cũng có thể do gia đình và sản phụ quan niệm con sinh ra vào “giờ đẹp” sẽ thông minh hơn, thành công hơn trong tương lai nên họ chọn ngày giờ để sinh và chỉ sinh mổ mới có thể “trúng” được ngày giờ đã chọn. “Nhưng đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho việc này, thậm chí đẻ mổ có nguy cơ tai biến cao hơn cho mẹ và bé”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
tin liên quan
Thêm một sản phụ sinh mổ thành công tại đảo Trường Sa LớnNgày 1.12, tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã thực hiện thành công ca sinh mổ tại đảo Trường Sa Lớn cho sản phụ Nguyễn Bình Phương Ái.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng tâm lý mổ cho nhanh, mổ an toàn hơn nên gia đình yêu cầu bác sĩ mổ. Do đó, có thể chưa thật cần mổ nhưng bác sĩ cũng mổ, vì nếu cố giữ đẻ thường mà gặp sự cố không may thì gia đình sẽ đổ lỗi cho bác sĩ không chịu mổ. Thực tế đó làm tỷ lệ mổ đẻ tăng trong các năm qua.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em xác nhận tỷ lệ sinh mổ tăng rõ rệt, gấp 2 - 3 lần so với những năm trước đây; ở thành phố tỷ lệ mổ cao hơn so với tuyến tỉnh, huyện. Một phần do các bệnh viện thành phố tiếp nhận các ca sinh khó, có chỉ định mổ nhiều hơn; bên cạnh đó các yếu tố mổ đẻ do yêu cầu từ phía gia đình sống ở thành phố cũng cao hơn.
tin liên quan
Cụ bà 61 tuổi vẫn sinh con khỏe mạnhMột phụ nữ ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vừa sinh cậu con trai khỏe mạnh ở tuổi 61. Đứa bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Sự việc đã thu hút được quan tâm của dư luận Trung Quốc.
Tại sao bác sĩ khuyến khích sinh thường ?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đặc biệt lưu ý, các bà mẹ sinh thường không bị vết sẹo mổ trên bụng và đặc biệt không có vết sẹo ở tử cung. Còn với sinh mổ, sẹo này có thể làm tăng nguy cơ vỡ tử cung cho lần sinh sau. Nếu sẹo mổ không tốt còn khiến thai làm tổ ở đó nên tăng nguy cơ bị rau cài răng lược, thai chết. Trong cuộc mổ cũng có các nguy cơ: chảy máu, tai biến với các cơ quan lân cận: tiêu hóa, tiết niệu, thậm chí nguy cơ rách tử cung phải cắt tử cung, không còn cơ hội mang thai.
“Các bác sĩ luôn khuyến khích và hỗ trợ tối đa để các bà mẹ có thể sinh thường theo đường tự nhiên vì như vậy sẽ giúp hệ hô hấp, phổi của em bé sạch được nước ối, không bị dư nước ối trong phổi”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phân tích.
tin liên quan
6 điều nên làm sau khi sinh conThời kỳ hậu sản thường ít được nhắc đến khi nói đến chuyện mang thai sinh nở, nhưng thật ra đó là khoảng thời gian phải đối mặt với những những thách thức lớn về những thay đổi của hormone, thể chất và tình cảm.
PGS-TS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em chia sẻ, khi sinh thường các bé sẽ phải qua “cửa ngõ” hẹp để ra bên ngoài, quá trình đó giúp “ép” sạch nước ối ra khỏi cơ thể, đặc biệt là làm sạch hệ hô hấp. Việc này rất quan trọng vì tránh nguy cơ suy hô hấp cho bé do nhiễm nước ối. Nguy cơ này cao hơn ở trẻ sinh mổ.
Ông Đinh Anh Tuấn cho biết thêm, tai biến do mổ đẻ cao hơn mổ thường. Đặc biệt, mổ đẻ vẫn có thể bị tắc mạch ối. Sau mổ đẻ, tùy thuộc vào thể trạng, trình độ phẫu thuật viên, sản phụ vẫn có nguy cơ nhiễm trùng, dính ruột... Em bé cũng chậm được bú mẹ bởi sau mổ, mẹ phải uống kháng sinh, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Do đó, rất sai lầm khi cho rằng sinh mổ mẹ không phải chịu cơn đau, thời gian đẻ mổ “nhanh” hơn nên an toàn hơn.
Bình luận (0)