Quá sạch cũng dễ bị bệnh!

24/02/2017 09:30 GMT+7

Giới khoa học gia phát hiện bệnh quá sạch sẽ ở đa số công dân thế giới thời nay sớm muộn gì cũng sẽ đẩy một số lợi khuẩn vào tình trạng bị nguy cấp.

Cung cấp nước sạch cho toàn cầu là một trong những mục tiêu hàng đầu về mặt sức khỏe trong những thập niên qua, nhưng giới khoa học cảnh báo rằng trong khi hành động này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, thì nó cũng làm tăng nguy cơ hen suyễn. Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Mỹ về tiến bộ trong khoa học tại Boston, tiến sĩ Brett Finlay của Đại học British Columbia (Canada) bày tỏ sự lo lắng về khả năng một số lợi khuẩn sẽ ngày càng biến mất trong các cộng đồng dân số. Đây không phải là quan ngại suông, mà dựa trên các báo cáo được thực hiện về vấn đề này tại một số nơi trên thế giới.
Theo một báo cáo ở Canada, đội ngũ chuyên gia do tiến sĩ Finlay dẫn đầu đã phát hiện sự hiện diện của 4 chủng vi khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh dưới 100 ngày tuổi dường như giúp bọn trẻ giảm bớt nguy cơ phát bệnh hen suyễn trong giai đoạn sau này của đời sống. Để mở rộng phạm vi nghiên cứu nhằm kiểm tra kết quả thu được, họ quyết định theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ em ở Ecuador, nơi có khoảng 10% số trẻ bị hen suyễn. Nhóm chuyên gia thu được cùng một kết quả, có nghĩa là 4 vi khuẩn đường ruột đã chứng tỏ công dụng bảo vệ trẻ em trước chứng hen suyễn. Thế nhưng, đồng thời họ cũng phát hiện được 2 yếu tố chưa lường trước làm tăng nguy cơ phát bệnh: sự xuất hiện của một loại men cụ thể trong ruột, và do tiếp cận được nguồn nước sạch.

tin liên quan

Chỉ đau lưng, đau bụng, khám ra… ung thư
Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám ở vào độ tuổi thanh xuân, sức dài vai rộng, chỉ đau bụng, đau lưng nhưng cuối cùng phát hiện ra… ung thư.

“Trớ trêu thay, những trẻ được dùng nước sạch lại đối mặt nguy cơ hen suyễn cao hơn”, theo tờ The Independent UK dẫn lời tiến sĩ Finley. Được biết, giả thuyết “ở sạch quá cũng dễ bị bệnh” đã được viện dẫn để giải thích tỷ lệ hen suyễn và dị ứng gia tăng tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, bất chấp sự thật này, tiến sĩ Finlay, tác giả của cuốn Để họ ăn bẩn, cho hay vẫn có quá nhiều người cảm thấy cần phải ở sạch mọi lúc mọi nơi. Ông khuyên mọi người hãy vứt bỏ những sản phẩm như nước rửa tay khô nếu muốn khỏe mạnh hơn. “Tôi cho là chúng ta đang chật vật vì sống kỹ quá mức. Chúng ta đã và đang tẩy rửa thế giới một cách quá đáng”, theo tiến sĩ Canada. Tất nhiên, ông cũng thừa nhận những mặt ích lợi khi giữ gìn vệ sinh cơ thể, chẳng hạn như giảm được nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mối quan hệ giữa cơ thể người và cộng đồng vi khuẩn đặc biệt phức tạp, thay đổi theo thời gian để thích ứng lẫn nhau, nên sự biến mất của một số loại vi khuẩn có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe.

tin liên quan

Tống lượng muối thừa ra khỏi cơ thể
Bạn không nên nạp hơn 2.300 mg sodium (chất trong muối ăn) mỗi ngày. Nếu bạn có các vấn đề về huyết áp hoặc tim mạch, chỉ nạp 1.500 mg sodium/ngày. Vì vậy, nên hạn chế ăn mặn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.