Sốt xuất huyết đe dọa thai phụ, còn nguy hiểm hơn Zika

13/01/2017 18:20 GMT+7

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) lưu hành quanh năm và ngày càng gia tăng ở người lớn. Trong đó, thai phụ bị SXH đặc biệt nguy hiểm, do bệnh đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.

Bệnh viện “chạy” tiểu cầu vì thai phụ SXH
“Trong sản khoa, bác sĩ rất lo ngại các trường hợp phụ nữ mang thai bị SXH, đặc biệt là giai đoạn nặng của SXH lại “rơi” ngay lúc chuyển dạ. Trong cuộc sinh là lúc sản phụ chảy máu nhiều, mà trên cơ địa bị SXH thì rất khó cầm máu. Có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con”, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Hải Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), nhận định.
Thời gian gần đây, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị SXH khi đang mang thai.
Chị L.H.Y.L. (26 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) mang thai ở tuần thứ 38 thì bị SXH, sốc. Bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Đến ngày thứ sáu, ngay giai đoạn nguy hiểm của bệnh, chị lại có dấu hiệu đau bụng, chuyển dạ. Thế là, bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chuyển qua Bệnh viện phụ sản Hùng Vương để sinh nở.

tin liên quan

Chuẩn bị thả muỗi ngăn ngừa sốt xuất huyết
Ngày 5.1, UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN” với kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Bệnh nhân L. bị giảm tiểu cầu nặng (giảm gần 20 lần so với mức bình thường), men gan tăng cao hơn bình thường 16 lần, chức năng thận bị ảnh hưởng. Bệnh viện Hùng Vương đã phải khẩn cấp liên hệ Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) xin hỗ trợ máu, tiểu cầu chuyển qua ngay để truyền cho bệnh nhân.
Do sau khi nhập viện, thai nhi bị suy tim nên các bác sĩ đã phải “chẳng đặng đừng” mổ bắt em bé. Bé trai sinh ra nặng 3,2kg, bị suy hô hấp, được nằm hồi sức.
Trong khi đó, sản phụ lại phải được chuyển qua lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tiếp tục điều trị SXH.
“Bệnh nhân L. được truyền tiểu cầu, máu, huyết thanh tươi liên tục ngay trước, trong và cả sau khi sinh. Bác sĩ phải vừa mổ lấy thai, vừa truyền máu, tiểu cầu cho bệnh nhân”, bác sĩ Châu cho biết.
Muỗi vằn Ades là trung gian truyền bệnh SXH - Ảnh: ShutterStock

Không chỉ mỗi trường hợp của chị L., cùng ngày, Bệnh viện Hùng Vương cũng tiếp nhận một ca có dấu chuyển dạ khác mà thai phụ cũng bị SXH.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: Những trường hợp gặp liên tiếp cùng lúc các ca sản phụ SXH đang chuyển dạ, bệnh viện phải lo “chạy” tiểu cầu cho bệnh nhân. Trong cuộc sinh, sản phụ bị SXH cần truyền rất nhiều máu, tiểu cầu. Sinh nở vốn đã rất nguy hiểm mà sản phụ lại bị SXH thì càng nguy hiểm 10.
SXH đe dọa cả mẹ và con
Bác sĩ Tuyết cho biết: Khi thai phụ bị SXH thì thể tích tuần hoàn máu giảm, máu bị cô đặc, gây mất máu và sốc. Trong trường hợp mất máu (thiếu máu) như thế, cơ thể sẽ “ưu tiên” vận hành máu đến các cơ quan thiết yếu duy trì sự sống nên lượng máu đến tử cung sẽ bị hạn chế, có thể không đến được tử cung. Như vậy, một mặt, thai nhi không nhận được nguồn nuôi, có thể thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, oxy; bị suy thai, thậm chí chết lưu. Mặt khác, thiếu máu sẽ làm co thắt tử cung; dẫn đến sinh non, xảy thai.

Khi bị SXH, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nặng, rất khó cầm máu mà sinh nở lại là lúc chảy máu rất nhiều. Nếu không thể cầm máu, tính mạng sản phụ rất nguy hiểm

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Hải Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương

Hiện nay, SXH là bệnh lưu hành quanh năm. Đặc biệt các trường hợp mắc ở người lớn ngày càng gia tăng, trong đó có phụ nữ có thai. Bệnh SXH được đánh giá có thể ảnh hưởng lớn đến thai nhi trong thai kỳ như: sinh non, thai chết lưu, thai nhẹ cân, nhau bong non.
Người mẹ mang thai bị SXH có thể lây bệnh sang con.
Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến cáo chấm dứt thai kỳ, ngay cả trong 3 tháng đầu.
Đặc biệt, sản phụ bị SXH khi sinh nở có thể bị đe dọa đến tính mạng, nhất là thời điểm chuyển dạ trùng vào giai đoạn nguy hiểm nặng của bệnh SXH (ngày thứ 4, 5, 6).
“Khi bị SXH, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nặng, rất khó cầm máu mà sinh nở lại là lúc chảy máu rất nhiều. Nếu không thể cầm máu, tính mạng sản phụ rất nguy hiểm”, bác sĩ Châu giải thích.
Vì vậy, theo bác sĩ Châu, đối với sản phụ bị SXH, trong khi sinh nở, các bác sĩ phải hạn chế thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.
Điều nguy hiểm nữa, theo bác sĩ Châu, trong thai kỳ, các dấu hiệu mắc SXH thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác của sản khoa. Các triệu chứng cảnh báo bệnh SXH như đau bụng, ra huyết, ói liên tục thường giống như dấu hiệu động thai, chứ ít ai nghĩ đến SXH.
Thai phụ nên có các biện pháp phòng chống muỗi chích để không bị bệnh SXH - Ảnh: ShutterStock

Cũng có những trường hợp thai phụ mắc SXH nhẹ, chỉ ở giai đoạn sốt, sau đó hồi phục, không nguy hiểm nên không biết mình bị SXH.
Bác sĩ Châu cảnh bác các triệu chứng SXH gồm: sốt, đau đầu, đau cơ/khớp/sau hốc mắt, phát ban. Thường sốt xuất hiện từ ngày thứ 2-7 khi bệnh nhân bị SXH. Trong đó, giai đoạn nguy hiểm có thể rơi vào ngày thứ 4-6 sau khi phát bệnh. “Khi đó, thai phụ có thể kèm theo chảy máu niêm mạc, đi tiêu phân đen, nôn ra máu. Đây là các dấu hiệu nhận biết SXH trở nặng”, bác sĩ Châu lưu ý.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.