Tết Trung thu và muôn vàn câu hỏi của người Việt

23/09/2018 20:33 GMT+7

Một mùa Trung thu nữa sắp đến. Hãy cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa trọn vẹn của Tết Trung thu và lý do tại sao ngày tết này lại diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch.

Tháng 7 “cô hồn” với vô số những điều nhiều người nghĩ là kiêng kỵ vừa kết thúc, người Việt lại đang đón Tết Trung thu diễn ra vào rằm tháng 8 hằng năm.
Theo phong tục nước ta và một số nước khu vực Đông Á, Tết Trung thu là dịp để mọi người trong gia đình được quây quần bên nhau, người lớn ngắm trăng, thưởng thức bánh trung thu và uống trà, con nít rủ nhau đi xem múa lân, rước đèn, cùng nhau chờ đợi chú Cuội, chị Hằng xuống phá cỗ...
Đèn lồng là món quà đứa trẻ nào cũng mong có được để cùng chúng bạn vui hội trăng Rằm Ảnh: Thùy Dương
Có người nói, Tết Trung thu là một nét văn hóa của người Trung Hoa xưa, du nhập vào nước ta. Người khác lại khẳng định chính nền văn minh lúa nước của Việt Nam mới là cái nôi tạo ra Tết Trung thu. Mặc dù ai cũng có những lập luận riêng để khẳng định mình đúng, họ kể về Hằng Nga, Hậu Nghệ, kể về chuyến lên cung trăng của vua Đường Minh Hoàng, hay sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa… thì đến tận ngày nay, vẫn chưa có ai xác minh được nguồn gốc thật sự của Tết Trung thu.
Mà cũng có thể người ta vốn không còn đặt nặng việc phải tìm bằng được câu trả lời cho câu hỏi “Tết Trung thu có từ lúc nào và đến từ đâu?” nữa. Bởi, sau hàng nghìn năm xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước, người Việt Nam đã có cho riêng mình một cái Tết Trung thu đậm đà bản sắc dân tộc, nét đẹp truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thuần Việt.
Múa lân trong đêm Trung thu được xem là giúp người dân xua đi mọi xui xẻo để đón những điều tốt lành. Người ngoài Bắc gọi là múa sư tử, người trong Nam gọi là múa lân Ảnh: Phạm Hữu
Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, Giảng viên bộ môn Văn hóa dân gian, khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Theo ông bà ta từ xưa đến nay thì trong một năm sẽ có bốn cái tết cổ truyền quan trọng, tương ứng với bốn mùa. Mùa Xuân là Tết Nguyên đán, mùa Hạ có Tết Đoan ngọ, mùa Thu có Tết Trung thu và cuối cùng là Tết Hạ nguyên vào mùa Đông”.
Theo lời thạc sĩ Lộc, ba chữ “Tết Trung thu” đã thể hiện rõ thời gian diễn ra cái tết này chính là giữa mùa thu, cụ thể rơi vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Người xưa quan niệm mùa thu là mùa mát mẻ và có thời tiết đẹp nhất trong năm, trời cao xanh hơn, mặt trăng cũng sáng và to tròn nhất so với các đêm rằm. Tháng này công việc gieo trồng đã hoàn tất, mọi người chuẩn bị một mâm cỗ để cúng gia tiên, đến tối thì thảnh thơi uống rượu, vừa ngắm trăng vừa chiêm nghiệm và đưa ra những dự đoán về mùa màng năm tới.
“Ở một nền văn minh lúa nước như chúng ta thì thời điểm này thích hợp để người nông dân ghi nhận, đánh dấu những biến đổi của thời tiết. Ví dụ thấy trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng màu xanh hoặc lục thì sẽ có thiên tai như nhiều sâu bọ phá hoại mùa màng, hạn hán hoặc lũ lụt…”, thạc sĩ phân tích.
Bánh Trung thu còn được gọi là bánh mặt trăng, bánh đoàn viên... là món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu Ảnh: Đăng Khôi
Dịp tết này còn có một đặc điểm thú vị, mà theo lời thạc sĩ Lộc là “không cái tết nào có nhiều tên gọi như Tết Trung thu ở Việt Nam”. Vì ngoài cái tên chính, ngày này còn được biết đến là Tết Thiếu nhi, Tết Trông trăng, Tết Ngắm trăng hay Tết Đoàn viên.
“Cũng từ việc nhìn trăng dự đoán thời tiết nên nhiều người hay gọi đây là Tết Trông trăng, Tết Ngắm trăng. Về cái tên Tết Thiếu nhi, có thể hiểu đơn giản là dịp này trẻ con thường được cha mẹ tặng đồ chơi như đèn lồng, mặt nạ, tò he, được đi rước đèn, coi múa lân hoặc tụ tập ca hát, chơi đố vui. Ở thành phố thì không thấy, nhưng tại một số nơi miền quê trẻ con vẫn được học cách làm chó bông bằng bưởi mỗi khi phá cỗ trung thu”, ông giải thích.
Tết Trung thu là một trong là dịp để mọi người có thể quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bánh, trà, trẻ con vui rước đèn, phá cỗ... Ảnh: Lê Thanh
Với những người đang xuôi ngược khắp nẻo, Tết Trung thu còn là dịp để họ trở về bên gia đình, để được chia sẻ, được yêu thương. Trong ký ức của tôi, Tết Trung thu cũng rực rỡ và đầy ắp tiếng cười như thế. Khi người lớn đàm đạo chuyện thế sự thì đám trẻ con chúng tôi lại háo hức chạy theo đoàn múa lân đi hết nhà này đến nhà kia trong xóm, đợi lúc trăng dần lên cao thì tụ tập giữa sân để hát hò, nhảy múa.
Tôi dám cá là thế hệ tôi đứa nào cũng từng ít nhất một lần ngước mắt nhìn chăm chú ánh trăng tròn vành vạnh và ao ước được thấy chú Cuội, chị Hằng xuống cùng chung vui phá cỗ. Thi thoảng, thứ ánh sáng lấp lánh từ mấy chiếc đèn lồng lại hắt lên gương mặt một vài đứa trong đám, khung cảnh mờ mờ nhưng trong trẻo và ấm áp đến lạ… Hẳn vậy mà người ta còn gọi Tết Trung thu là Tết Đoàn viên!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.