Tôi xa quê đã hai mươi năm, thời gian sống ở Mỹ nhiều hơn khoảng thời gian được sinh ra và lớn lên bên nhà rồi. Nhưng như bao người Việt thiên di khác, mỗi khi giở những tờ lịch cuối cùng của năm, lên Facebook, Youtube thấy bà con bên nhà chộn rộn bán buôn, bày biện hoa cúc tươi thắm khắp nơi, thược dược đủ màu lung linh khoe sắc, là nước mắt cứ lưng tròng.
Bên Mỹ không thiếu gì món Việt
|
|
Vừa xong Christmas, lễ lớn và rộn ràng nhất của người Mỹ, ra chợ Việt đã thấy người ta bày biện hàng hóa chộn rộn đón Tết Nguyên đán rồi. Chủ chợ bắt đầu lôi các hộp đỏ đựng mứt dừa, bí, thèo lèo xanh đỏ, mớ bao lì xì đỏ từ thế kỉ trước, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành các kiểu và những bịch hoa mai, hoa đào giả ra bày bán.
Tết Nguyên Đán không phải là ngày lễ Mỹ, công ty nào du di thì cho nhân viên gốc Á nghỉ ngày mồng một ở nhà, đi chùa, nhà thờ với gia đình, còn không thì vẫn phải đi làm kiếm sống.
|
|
So với các thành phố khác thì người Việt ở khu vực thủ đô Washington D.C. không nhiều.
Theo thống kê, có khoảng gần 50.000 người sống rải rác ở D.C., Maryland và đông nhất là phía bắc Virginia. Và tất nhiên, nơi nào có đông người Việt, sẽ có một khu shopping để tụ tập đồng hương tới mở nhà hàng, siêu thị, tiệm ăn nhanh hay trà sữa.
Khu Eden (hay Vườn địa đàng) mang dang dấp của chợ Bến Thành, là chốn để bà con chuyện trò, gửi tiền, sắm vàng, hớt tóc, bán dĩa cơm tấm bì sườn, ổ bánh mì, ly chè ba màu, hay mâm bánh bèo, bánh bột lọc, chả lụa, nem chua…
Cuối năm, chẳng cần gói bánh tét, bào dừa, ngâm me, sên mứt chi cho mệt. Cứ tới Eden hay chợ Việt Nam. Đảm bảo, tất tần tật những món ngon ba miền ở Việt Nam, bên này có đủ.
Cũng vui, thỉnh thoảng thấy tôi ăn các loại mắm, bún riêu, bánh bèo, bánh bột lọc thậm chí mua được cả cà cuống, nhiều người hỏi, ủa Mỹ mà cũng có mấy món này nữa hả? Tôi cười to bảo, ở đây gì mà không có, chỉ cần có tiền nhiều là mua được thôi.
Nấu món Tết ở Mỹ: đầy đủ cả
Cuối năm, là thời điểm bận rộn để gói bánh tét với bánh chưng. Hầu như ngày nào cũng ngồi cong lưng để gói. Bà con quen biết gọi đặt để giao đúng ngày, mấy chợ thì hối thúc đem bánh ra cho người ta bán.
Nhiều người có bạn bè sống ở các khu chung cư cũ bao nước và gas, nên tranh thủ qua nhờ vả luộc cả ngày cho đỡ tốn. Nghĩ lại cũng hơi có chút dối gian, nhưng người quen mình cũng trả tiền thuê đàng hoàng mà, đâu có ở miễn phí đâu mà ngại.
|
|
Thú vị nhất là làm nem Ninh Hòa bên Mỹ. Xứ này làm gì có thịt nóng và lá chùm ruột tươi. Mọi thứ đơn giản hơn. Ra chợ mua thịt nạc về xay cho nhuyễn. Không cần quết hay giã như bên nhà. Người ta có bán sẵn men Thái Lan lẫn bì đông lạnh.
Cứ thế mà trộn với tiêu hột, nêm nếm vừa ăn. Sau đó bó thành từng kí, bỏ ít lát tỏi lẫn ớt bên ngoài, bọc lại bằng bao nylon. Để qua hôm sau là chua, đem đi giao cho người ta. Cất tủ lạnh ăn được hai tuần sau đó.
|
|
Với gia đình tôi, dù bận bịu thế nào đi chăng nữa, cả nhà vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết êm ấm.
Tết nhất phải có con gà cúng ông bà. Gà công nghiệp Mỹ vừa to lại dở, thịt cứ bở rụi không ngon. Gà dai thì hầm cả ngày mới mềm ra, chứ không cắn miếng thịt gãy cả răng. Tốt nhất là cuối thu, vô nông trại, mua con gà sống được thả chạy rong, ăn đậu bắp nên thịt dai, săn, không mỡ và ngọt vô đối về len lén cắt cổ, làm lông (chứ để người ta biết sẽ gọi báo cảnh sát) rồi bỏ tủ đá để Tết luộc.
Đem ra ngoài cho tan đá, lòng để nấu canh, gà đem luộc, cánh và chân bẻ quặp lên đầu, thêm tí muối, cặp cua, hột vịt, thịt mỡ trang trọng để lên bàn cúng.
Vịt hầm măng cũng là món “tổ”. Chợ bên này cũng bán măng khô, nhưng đảm bảo không ngon và dẻo bằng măng xứ Ninh Hòa đâu nhé. Lôi con vịt mua ở nông trại ra chặt chứ vịt ở chợ béo núc ních, mỡ đóng dày từng lớp.
Chất măng bên dưới, thịt vịt chặt nhỏ bên trên. Từng lớp thịt chồng lên lớp măng, cứ thế chất đầy cái xoong to. Trứng vịt luộc chín, lột vỏ bỏ thêm vô. Thịt vịt ra mỡ, thấm hết vào trứng và măng. Ra bao nhiêu thấm hết bấy nhiêu. Càng hầm, măng càng thấm và mềm. Múc một tô, để bên cạnh con gà vàng ươm bắt mắt.
Chị tôi cắt miếng thịt ba chỉ làm đôi theo chiều dọc, ướp mắm, hành củ, tiêu, đường chừng một tiếng cho thấm để làm thịt thưng. Bắc chảo mỡ, phi tỏi thơm, cho thịt vào, kêu xèo xèo, đổ thêm nước dừa, để lửa thiệt nhỏ, thưng từ từ cho mỡ chảy ra, gia vị thấm sâu vào bên trong thịt.
Một tiếng sau, miếng thịt trong ngần, nước keo lại, thơm một góc nhà. Nhắc chảo xuống, để nguội, lấy dao xắt mỏng, sắp vô dĩa, múc nước thịt rưới lên. Nếu không sợ thất kính với ông bà, chắc tôi lén bốc vài miếng mà lủm quá.
Khổ qua xào trứng là một món dễ làm. Khổ qua phải còn giòn, xanh, trứng bám đều, vừa miệng và không ra nhiều nước.
Chị xắt nhỏ gan, mề, tim, cật gà, tao sơ với nước mắm để nấu canh, thả bún tàu. Tôi nấu cơm, bới lưng chén, rửa rổ rau, xắt ít dưa leo, xoài xanh, lột tỏi, ớt, giã mắm, nặn chanh, múc vô chén nhỏ bưng bỏ lên bàn thờ.
|
Buổi chiều cuối năm âm lịch. Ngoài kia tuyết đổ từng hồi. Gió rít từng cơn nghe tê tái, chỉ có chị em chúng tôi sau mấy tiếng bận rộn ở hãng xưởng, công ty, chạy về nấu bữa cơm cuối cùng của năm.
Thay đồ, thắp ba nén nhang, lâm râm khấn vái, mời ông bà, ba má, bà con hai họ, theo hương khói thâm trầm, cỡi gió, đạp mây về với những đứa con xa nhà, ăn vội bữa cơm, phù hộ cho cháu con sức khỏe dồi dào.
Washington D.C. cách Việt Nam nửa vòng trái đất, lại đi sau nửa ngày. Bên nhà mọi người đã dậy thắp nhang mùng một, chuẩn bị đi tảo mộ, đến chùa thì bên này vẫn chưa đón giao thừa nữa.
Gọi facetime về quê nghe không khí rộn ràng. Bất chợt ngước lên bàn thờ nhìn hình đấng từ thân, chạnh lòng nhớ về món nợ sum vầy ngày ra đi đã trót hứa trót vay, mạnh đứa nào đứa nấy bùi ngùi nhưng không dám khóc to thành tiếng.
Già cả hết rồi, tóc bạc, da nhăn, đâu phải như ngày xưa bị ba má đánh đòn hu hu ngồi khóc.
Bình luận (0)