Thời tiết 7 ngày: Miền Bắc thêm không khí lạnh, miền Nam vào cao điểm mùa khô

24/02/2018 13:02 GMT+7

Từ gần cuối tháng 2 trở đi là thời kỳ chuyển mùa từ đông sang xuân, trong 7 ngày tới (24.2 - 2.3) vẫn có hai đợt không khí lạnh tăng cường vào những ngày 25 - 26.2 và ngày 2 - 3.3, nhưng do cường độ suy yếu dần nên xuống đến miền Bắc nước ta thì chỉ 1 - 2 ngày là tan nhanh.

** Đề phòng rầy nâu, đạo ôn cho lúa; vàng lá ở cây có múi
Miền Bắc vẫn còn rét về đêm và sáng 12 – 15 độ C trong hai ngày cuối tuần, qua tuần sau trời ấm dần, có mưa nhỏ hoặc mưa rào do nhiễu động thời tiết trên cao. Ban ngày có lúc nắng ấm với nhiệt độ từ 25 – 30 độ C, vài nơi ở vùng Tây Bắc trên 30 độ C, sương mù khá nhiều ở vùng đồng bằng ven biển phía đông Bắc bộ, có lúc tầm nhìn xa rất hạn chế ảnh hưởng đến giao thông.
Hầu hết miền Trung đã chấm dứt mùa mưa, những đợt không khí lạnh tràn về với cường độ yếu và lệch đông, gây mưa nhỏ vài nơi. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế ban đêm nhiệt độ thấp nhất 16 – 18 độ C, trời còn khá lạnh và sương mù. Còn từ Đà Nẵng trở vào đêm và sáng sớm trời lạnh 18 – 20 độ C, ban ngày nắng ấm 28 – 30 độ C, mưa giảm hẳn.
Nam Tây nguyên, nam Trung bộ và Nam bộ bắt đầu vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, cường độ bức xạ tăng dần nên trời khá nóng, nhất là các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM với nhiệt độ cao nhất 33 – 35 độ C, có nơi 36 độ C. Thời gian nóng nhất trong ngày là từ sau 13 - 15 giờ, tia cực tím (UV) có cường độ mạnh ở mức nguy hiểm đối với da và mắt, do vậy cần che chắn để bảo vệ. Độ ẩm giảm dần, lượng bốc hơi tăng mạnh, mưa trái mùa ít xuất hiện hơn, bắt đầu có dấu hiệu khô hạn cục bộ nhất là ở nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ, nguy cơ cháy rừng tăng nhanh và ở mức báo động cao nên cần chú ý đề phòng.
Qua đầu tuần sau, ban đêm có thể trời hơi se lạnh do không khí lạnh từ phía bắc khuếch tán xuống, nhiệt độ thấp nhất hầu hết từ 21 – 23 độ C, riêng Long Khánh và Bình Phước có thể xấp xỉ 20 độ C. Sương mù nhẹ và mù khô có thể xảy ra nhưng không kéo dài, khi nắng lên sẽ tan nhanh. Đến những ngày đầu tháng 3, do nhiễu động trong đới gió đông từ biển vào nên có thể có mưa trái mùa vài nơi ven biển miền Nam, thời tiết thay đổi thất thường, cần chú ý phòng bệnh trong giai đoạn giao mùa.
Đối với tàu thuyền ra khơi chú ý gió mùa đông bắc còn khá mạnh, các vùng biển phía nam đề phòng thời tiết xấu do rãnh thấp và các nhiễu động, có lúc mưa giông và gió giật.
Đối với nông nghiệp, cần theo dõi và phòng chống bệnh đạo ôn, rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen hại lúa ở các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL cần lưu ý rầy nâu; bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ do điều kiện thời tiết sáng sớm có sương mù, đêm se lạnh. Chăm sóc cây ăn trái sau tết, trong đó chú ý bệnh vàng lá (greening) trên cây có múi cam, quýt, bưởi ở các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu.
Bà con nông dân ở ĐBSCL tập trung thu hoạch lúa đông xuân sớm đến hết tháng 2.2018 và chuẩn bị vệ sinh ruộng đồng để gieo trồng vụ tiếp theo. Qua tháng 3 bắt đầu có xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông, độ mặn sẽ tăng nhanh do gió chướng kết hợp với triều cường, có thể sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến các diện tích lúa, hoa màu và các vườn cây ăn trái. Mùa khô năm nay có khả năng xâm nhập mặn mạnh và vào sâu hơn so với mùa khô 2016 - 2017, cao điểm là từ giữa tháng 3 cho đến đầu tháng 5.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.