Cắt chế độ vì “nghi giả mạo, khai man” hồ sơ
Trong đơn kêu oan, ông Đoàn Văn Nhuận (ngụ xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết ông nhập ngũ tháng 5.1965 tại Trung đoàn 83 (E83) thuộc Quân khu 5. Ngày 15.9.1971, ông Nhuận bị thương, phải điều trị tại Trạm xá E83 đến ngày 25.10.1971. E83 sau đó chuyển thành Lữ đoàn 83 thuộc Quân chủng Hải quân, và ngày 5.1.1977, đơn vị này đã cấp giấy chứng nhận thương tật cho ông Nhuận.
Sau khi Pháp lệnh về người có công có hiệu lực, năm 2011, ông Nhuận mang giấy chứng nhận thương tật đi làm thủ tục và được nhận chế độ thương binh từ tháng 1.2012 do mất sức lao động vĩnh viễn 31%.
Đến tháng 1.2016, bất ngờ, ông Nhuận được mời lên UBND xã Hải Lộc để nghe quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định về việc đình chỉ chế độ thương binh và yêu cầu ông trả lại số tiền trợ cấp 56 triệu đồng đã nhận. Lý do, theo Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nhuận đã giả mạo, khai man giấy chứng nhận bị thương, vì ngày cấp trên giấy là 5.1.1977 nhưng đã bị ghi đè lên lớp ni lông bên ngoài thành ngày 15.10.1971.
Ông Nhuận cho biết: Đầu năm 2011, khi ông mang giấy chứng nhận bị thương số 240 để làm chế độ thương binh, các giấy tờ tiếp theo đều ghi rõ ngày cấp giấy chứng nhận bị thương này là 5.1.1977. Giấy chứng nhận này sau đó được nộp lên trên nên ông không thể sửa chữa và có chữa cũng không để làm gì. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, giấy tờ "sai là cắt", còn “vì sao sai thì phải hỏi phía quân đội". Phòng Chính sách Quân khu 3 sau đó trả lời ông Nhuận là Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện giấy tờ có sự tẩy xoá, nên thu hồi chế độ.
Ai tẩy xoá, ghi đè?
Bất bình trước sự việc trên, đồng đội cũ của ông Nhuận đã vào cuộc đòi lại công bằng cho ông. Thượng tá Trần Thanh Tú (70 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ E83, trú tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) đã báo cáo sự việc với thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Trung đoàn trưởng E83 và tìm được ông Lê Văn Nhiên (nguyên y sĩ Trạm xá E83, người điều trị cho ông Nhuận năm 1971), thượng tá Lê Nhật Cát (nguyên Phó trung đoàn trưởng E83) là người ký giấy chứng nhận bị thương số 240 cho ông Nhuận vào ngày 5.1.1977.
Ông Tú và đồng đội đã tìm được lý lịch quân nhân của ông Nhuận có số 65153015, xác nhận ông Nhuận bị thương và giấy chứng nhận bị thương số 272 do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định cấp ngày 24.5.2011 (để đổi cho giấy chứng nhận bị thương số 240), để ông Nhuận được hưởng chế độ thương binh theo quy định.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận bị thương số 272 có sai lệch so với giấy chứng nhận 240 về ngày ra viện. Theo ông Trần Thanh Tú, có thể hồ sơ bị sai lệch do ai đó ở Huyện đội Hải Hậu và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định đã sửa chữa cho phù hợp. “Từ tháng 8.2016, tôi đã gửi đơn đề nghị xác minh tại sao có giấy chứng nhận sai lệch này, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ trả lời chung chung và hướng dẫn ông Nhuận làm chế độ theo cách khác. Cái chúng tôi cần làm rõ là ai làm sai lệch hồ sơ để ông Nhuận mang tiếng là khai man, giả mạo hồ sơ”, ông Tú bức xúc nói.
tin liên quan
Thương binh bị cắt chế độ vì không bàn giao mặt bằngÔng Nguyễn Phú Thơm (49 tuổi, trú thôn Kim Thọ, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết, năm 1989, ông rời chiến trường Campuchia trở về trong tình trạng mình đầy thương tích: chân trái bị cụt gần tới bẹn, đùi chân phải bị bom đạn róc mất nhiều thớ thịt, vùng đầu và sườn phải mang nhiều thương tích.
Theo thiếu tá Trần Tất Bảo, Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, đơn vị này đã gửi thông báo tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh về việc E83 đã xác nhận lý lịch của ông Nhuận là đủ tính pháp lý. Sau khi nhận được lý lịch quân nhân từ phía đơn vị cũ của ông Nhuận, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ chuyển cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để làm lại chính sách cho ông Nhuận.
Về giấy chứng nhận bị thương số 272 sai ngày, cũng như nghi vấn tẩy xoá giấy chứng nhận 240, thiếu tá Bảo cho biết Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định đã điều tra và sẽ có thông tin cụ thể khi có kết quả.
Bình luận (0)