TP.HCM cần 1.000 ha làm bãi đậu xe: Gấp nhưng vướng quy hoạch

21/03/2017 13:32 GMT+7

Trong khi các dự án bãi đậu xe ngầm triển khai hết sức ì ạch, những dự án bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép tại TP.HCM lại đang vướng.

Chiều 20.3, trả lời Thanh Niên, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan về các dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép trên địa bàn TP, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về chỗ đậu xe. Trong tuần này Sở GTVT sẽ báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM tình hình triển khai các dự án bãi đậu xe ngầm cũng như bãi đậu xe thông minh lắp ghép cao tầng.
Chưa thống nhất được dự án nào
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Sở GTVT TP.HCM, đến thời điểm này đã có 3 dự án xin làm bãi đậu xe cao tầng lắp ghép được Sở tiếp nhận chính thức và đã họp lấy ý kiến các sở ngành để trình UBND TP. Đó là 3 vị trí ở công trường Lam Sơn, công viên 23 Tháng 9 (Q.1) và trước chung cư Lý Thường Kiệt (Q.10). Ngoài ra, một số dự án nhà đầu tư đã đề xuất thực hiện nhưng còn đang xem xét vì tính khả thi chưa cao, như công viên Lê Thị Riêng (Q.10) do tổ chức giao thông hơi khó, công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) do nhà đầu tư đề xuất chuyển từ ngầm sang nổi.

 

Quy hoạch phải mang tính nhất quán. Phải xác định giá giữ xe là do thị trường quyết định, chứ không phải là phí. Không nên nhầm lẫn giữa một ông “giăng hàng rào” ra để thu phí và một người đầu tư nhà để xe
Ông Nguyễn Văn Chu, chuyên gia giao thông

Ngoài ra, theo ông Toàn, một nhà đầu tư cũng đề xuất làm các bãi đậu xe nổi cao tầng tại một số bệnh viện. Cụ thể, trong 9 bãi nhà đầu tư đã làm việc với các lãnh đạo bệnh viện, có 3 bãi các bên đã đạt được thỏa thuận. Thuận lợi là các vị trí này đều đang là bãi xe, chỉ việc nâng tầng lên để tăng công suất đậu xe.
Dù vậy, theo một cán bộ thuộc Sở GTVT, so với nhu cầu đậu xe tại TP thì bãi đậu vẫn đang thiếu rất nhiều. Sở GTVT đang tiếc tục tìm kiếm các vị trí mới. Ngay cả khu vực gần nút giao An Phú - ga Thủ Thiêm (Q.2) cũng đang nghiên cứu làm bãi đậu xe.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có một số ý kiến băn khoăn với những lý do như: đất nằm trong khu quy hoạch cho các chức năng khác nên các bãi xe này cũng được gọi là bãi đậu xe tạm; thời gian hoạt động của các dự án bãi đậu xe ngắn, trong khi các nhà đầu tư đề xuất thời hạn hoạt động 10 năm trở lên... Đơn cử như với dự án bãi đậu xe cao tầng tại công trường Lam Sơn, vào năm 2016, Công ty CP phát triển hệ thống đậu xe thông minh En-Parking Japan đã đề xuất xây nhà để xe 9 tầng với quy mô 168 chỗ đậu ô tô 4 - 7 chỗ.
Thời gian xây dựng tối đa 14 tháng, khai thác trong 30 năm và 23 năm sẽ thu hồi vốn, tổng kinh phí đầu tư trên 161 tỉ đồng. Dự án dùng công nghệ đậu xe thông minh, rô bốt xếp xe tự động. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm TP.HCM hiện hữu đã được UBND TP phê duyệt, vị trí khu đất thuộc đất công viên cây xanh phía sau Nhà hát Thành phố, một công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa quan trọng nên việc xây dựng một công trình tòa nhà để xe 9 tầng như đề xuất là không hợp quy hoạch. Trong khi đó, Sở Xây dựng, Tài chính, Cục Thuế và UBND Q.1 thì đồng ý với đề xuất của nhà đầu tư vì chỗ đậu xe khu vực trung tâm là rất cần thiết.

tin liên quan

Tìm đâu ra chỗ đậu xe?
Qua ghi nhận, nhiều tuyến đường được phép đậu xe ô tô tạm dưới lòng đường có thu phí như Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Huyền Trân Công Chúa... luôn trong tình trạng kín chỗ.
Chuyển sang hình thức tạm
Trước thực tế bức bối về chỗ đậu xe, nhất là khu trung tâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND cho phép các nhà đầu tư thực hiện 2 dự án gồm công trường Lam Sơn và công viên 23 Tháng 9 theo hình thức xây dựng và khai thác có thời hạn cho đến khi nhu cầu đậu xe tại trung tâm giảm đi, vận tải hành khách công cộng phát triển sẽ hoàn trả mặt bằng để thực hiện theo quy hoạch.
Theo đề xuất của Sở GTVT, trong trường hợp cần rút ngắn thời gian khai thác, sử dụng khu đất, TP sẽ xem xét miễn giảm tiền thuê đất hằng năm cho nhà đầu tư. Hoặc khi TP tìm được mặt bằng ở vị trí mới, sẽ yêu cầu nhà đầu tư tháo dỡ, di chuyển bãi đậu xe và hoàn trả mặt bằng cho TP (thời gian từ 1 - 3 tháng). Chiều 20.9, đại diện Công ty CP Tân Phát (liên danh nhà đầu tư T-K-T, đơn vị đang đề xuất thực hiện bãi xe cao tầng ở công viên 23 Tháng 9), đề xuất: “Các cơ quan chức năng TP cần khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, xóa bỏ vướng mắc để các dự án sớm khởi công, hoàn thành, nhằm giải quyết vấn đề thiếu chỗ đậu xe cho TP. Nếu cứ còn tình trạng chậm chạp sẽ không giải được bài toán kẹt xe, nhất là khi giải tỏa vỉa hè, lòng đường như hiện nay”.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng - chuyên gia giao thông, thời hạn hoạt động của bãi đậu xe 8 - 10 năm là tương đối ngắn, nhà đầu tư sẽ e ngại và có thể không dám đầu tư. Thời hạn dự án ít nhất 12 năm mới đảm bảo cho doanh nghiệp thu hồi vốn và có lời. Với nhà để xe cao tầng tại công trường Lam Sơn, ông Đồng cho rằng chiều cao 9 tầng là chưa phù hợp vì có thể ảnh hưởng đến mỹ quan và kiến trúc khu vực này, nhất là ngay sau lưng Nhà hát Thành phố. Theo ông, nên để chiều cao khoảng 5 tầng là phù hợp. Nhà để xe ở đây có thể lấy giá giữ xe cao hơn chỗ khác, 35.000 - 40.000 đồng/giờ, vẫn có nhiều người gửi, bởi đây là khu vực trung tâm, nhu cầu để xe rất lớn.
“Hiện TP.HCM đang rất bức bách về chỗ đậu xe. UBND TP phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà để xe một cách nhanh nhất. Phải linh động trong vấn đề quy hoạch và chọn lựa địa điểm”, kỹ sư Đồng nói.
Ông Nguyễn Văn Chu, chuyên gia giao thông đồng thời là một nhà đầu tư đang đầu tư bãi đậu xe tại TP.HCM, cho rằng chính sách của nhà nước phải trước sau như một, không thể thay đổi theo nhiệm kỳ. Dẫn chứng cụ thể, ông Chu lo ngại nếu đầu tư nhà để xe ngay trung tâm, tốn tiền tỉ nhưng trong tương lai TP hạn chế hoặc cấm xe vào trung tâm thì rất khó trong việc thu hồi vốn. Đặc biệt, giá giữ xe phải để thị trường và doanh nghiệp quyết định. Nếu giá giữ xe bị khống chế thì sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư tham gia.
Ông Chu nhấn mạnh: “Quy hoạch phải mang tính nhất quán. Phải xác định giá giữ xe là do thị trường quyết định, chứ không phải là phí. Không nên nhầm lẫn giữa một ông “giăng hàng rào” ra để thu phí và một người đầu tư nhà để xe với tỷ suất đầu tư có nơi còn cao hơn một tòa nhà văn phòng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.