TP.HCM nới lỏng giãn cách từ 1.10: Tiệm cắt tóc kín lịch sau 1 giờ mở đơn

Thanh Khương
Thanh Khương
30/09/2021 10:16 GMT+7

TP.HCM từ ngày 1.10 nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 , cho phép tiệm cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Các chủ tiệm cho biết sẽ ưu tiên nhận khách đặt lịch trước, tuân thủ nghiêm 5K.

Sáng nay (30.9), lãnh đạo TP.HCM đã công bố phương án nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 cho giai đoạn mới, từ 1.10. Trong số những hoạt động kinh doanh được phép mở trở lại, các tiệm cắt tóc, gội đầu cũng được phép mở tối đa 50% công suất.

“Nổ inbox” và kín lịch ngày đầu

Trao đổi với Thanh Niên, ông Dương Tấn Sơn (42 tuổi, chủ tiệm cắt tóc Sơn Núi Barber Shop) cho biết tiệm đang thay nhau dọn dẹp, vệ sinh chuẩn bị mở cửa đồng loạt 9 chi nhánh. Ông muốn mọi thứ phải được tươm tất và chu đáo nên có thể sẽ mở cửa sau 1-2 ngày so với thời gian cho phép.
Sắp tới, tiệm tạm ngưng các dịch vụ như cạo mặt, lấy ráy tai… mà chỉ tập trung cắt tóc. Mỗi chi nhánh được bố trí 2 - 3 thợ thay vì 10 như trước. Giá cắt vẫn giữ nguyên, 80.000 đồng/đầu.

Toàn bộ chi nhánh của Sơn Núi Barber Shop đóng cửa từ cuối tháng 5

NVCC

Ông chủ thành thật nói: “Mừng thì có mừng nhưng cũng rất e ngại. Anh em thợ về quê tránh dịch. Vợ chồng tôi ở lại ráng gồng gánh chi phí thuê mặt bằng. Thời gian tới sẽ là một thử thách lớn cho các anh em nên phải cố gắng nhiều hơn”.
Tương tự, anh Nguyễn Thành Lâm (Quản lý hệ thống Liêm Barber Shop ở TP.HCM) cho hay 16 chi nhánh tại TP cũng đang tập trung chuẩn bị. Để đảm bảo quy định giãn cách, hệ thống chỉ nhận khách đã đặt lịch. Khách có thể đăng ký thông qua trang Facebook, Zalo hoặc số hotline.

Tiệm tóc Sài Gòn rục rịch mở cửa, chưa đến ngày khách đã vào hỏi cắt

Khác với 2 tiệm trên, toàn bộ chi nhánh của 4RAU Barber Shop do anh Hà Hiền (30 tuổi) làm chủ nhận lịch cắt tóc từ chiều 28.9. Trang Facebook của tiệm “nổ inbox” ngay sau đó. Chỉ trong 1 giờ, khách đã đặt kín lịch vào ngày 1.10.
Bên cạnh vui mừng, điều anh Hiền lo lắng nhất lúc này là sự an toàn của các anh em. Ngoài việc tự bỏ tiền túi đầu tư “full giáp” cho nhân viên, anh còn trang bị thêm máy quạt gắn trong các bộ đồ bảo hộ kín mít, ít nhất là trong 1 tháng đầu. “Mình chỉ đang làm những gì tốt nhất có thể cho các anh em.”, anh bộc bạch.

Các tiệm cắt tóc hiện đang tập trung cho công tác chuẩn bị, đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 trong thời gian tới

NVCC

Anh Hà Hiền, chủ 4RAU Barber Shop, vừa mừng vừa lo trước thông tin dịch vụ cắt tóc được hoạt động lại

NVCC

Anh Hà Hiền chia sẻ: “Mình luôn dặn nhân viên phải cẩn thận trong từng khâu nhỏ nhất, từ kiểm tra mã QR xác nhận tiêm chủng, khai báo y tế cho tới tuân thủ 5K. Bởi đối với mình, sẽ quá kinh khủng nếu như phải đóng cửa thêm một lần nữa”.
Vừa qua, 4RAU Barber Shop đã tạo ra một ứng dụng tích hợp đặt lịch và khai báo y tế cho khách nhằm đảm bảo an toàn mùa dịch cũng như văn hóa đúng giờ. Điều này buộc tiệm phải phục vụ ít đi nhưng đổi lại là sự yên tâm. Trước đây bố trí 8 ghế cắt thì giờ giảm phân nửa, còn 4.

Bản tin Covid-19 ngày 30.9: Công bố 11.357 ca nhiễm mới | TP.HCM chính thức "mở quyền" cho người đã tiêm vắc xin

"Cố gắng giữ lại tiệm vì đó là công ăn việc làm của cả trăm anh em"

Như hàng loạt tiệm cắt tóc khác, QC Barber Shop của anh Nguyễn Quốc Cường cũng đóng cửa từ cuối tháng 5. Hoạt động cắt tóc miễn phí vỉa hè suốt 4 năm nay cũng theo đó mà tạm dừng.
Anh Cường thông tin, tính riêng ở TP.HCM có tất cả 10 chi nhánh với khoảng 100 nhân viên, trong đó 80% quê ở tỉnh. Đến nay đã có rất nhiều khách đặt lịch, đông nhất là chi nhánh 5 (Q.Tân Phú). Nhưng do thiếu nhân sự nên sắp tới chỉ mở lại 5 - 6 chi nhánh trước với đầy đủ dịch vụ. Trong đó, có thể giảm giá một số dịch vụ tùy vào chi nhánh.

Hoạt động cắt tóc miễn phí vỉa hè của QC Barber Shop cũng phải tạm ngưng kể từ khi TP bùng dịch

NVCC

Hơn 4 tháng đóng cửa, anh Cường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng đều đặn hằng tháng. Có tháng chủ nhà giảm 40-50 %, còn lại phải đóng 8-9 triệu đồng. Anh em thợ nào có hoàn cảnh khó khăn, anh sẽ hỗ trợ thêm.
Anh Quốc Cường tâm sự: “Sau dịch, riêng mình là "bay" một miếng đất và một căn nhà. Tuy nhiên, vẫn cố gắng giữ lại tiệm vì đó là công ăn việc làm của cả trăm anh em. Đóng cửa một tiệm đồng nghĩa với việc bao nhiêu người thất nghiệp, mà đằng sau là cuộc sống của gia đình họ nữa”.Trong thời gian nghỉ dịch, anh chủ này trực tiếp tham gia tình nguyện với công việc phân phát lương thực thực phẩm cho người dân khó khăn, hỗ trợ ô xy và thuốc cho F0, áo quan cho người mất vì Covid-19.
Không riêng gì ông Sơn, anh Hiền hay anh Cường, dân kinh doanh ròng rã 4 tháng đóng cửa như “ngồi trên đống lửa”. Hy vọng lớn nhất bây giờ của họ khi TP.HCM mở cửa từng bước từ ngày 1.10 là hoạt động ổn định, an toàn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.