TP.HCM phong tỏa hẻm Q.10 tầm soát Covid-19: Nhiều shipper bối rối nhưng sẵn sàng hỗ trợ

30/05/2021 14:33 GMT+7

Một số shipper khi giao hàng đến một con hẻm trên đường Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM ) tỏ ra bối rối khi biết khu vực này đang phong tỏa để tầm soát Covid-19 . Tuy nhiên, họ nói mình vẫn sẵn sàng hỗ trợ những người bên trong.

Sáng 29.5, lực lượng chức năng đã phong tỏa hẻm 133 đường Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho những người sống bên trong để tầm soát Covid-19.

TP.HCM sẽ xét nghiệm Covid-19 diện rộng toàn thành phố

"Thay vì hoang mang, hãy ý thức hơn"

Đầu hẻm 133 được giăng dây, trên rào chắn có dán giấy: “Khu vực cách ly, cấm ra vào”. Nhiều người chạy xe máy qua con hẻm tò mò nhìn vô, có xe lập tức quay đầu khi thấy các cán bộ dựng lều che ở bên trong. Vài người kinh doanh trên đường Hòa Hưng nóng ruột đến xem tình hình rồi vội chạy về cho đóng cửa, nghỉ bán tạm thời.

Người đi đường tò mò nhìn vào bên trong khu vực phong tỏa

ẢNH: ĐỘC LẬP

Bà Thủy (57 tuổi, bán tạp hóa ở gần đó) chia sẻ: “Sáng nay mở cửa bán được một lát thì cán bộ bên phường xuống đông lắm, sau đó thấy người dân bên trong xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. Bữa giờ nghe nhiều nơi phong tỏa, nay sát bên nhà nên cũng run run. Nghe đâu ca nghi nhiễm là người thuê nhà ở hẻm. Ông chủ sống ở đó luôn, chỉ lo là mấy bữa nay ông ấy đi quanh khu phố này thôi”.
Bà nói thêm, bản thân bán tạp hóa ở đây nhiều năm nhưng chưa năm nào thấy cảnh lo lắng như thế này. Từ khi có dịch, bà đeo khẩu trang suốt ngày, lúc nào không có khách thì vô trong nhà tháo khẩu trang cho đỡ ngộp.

TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố vì Covid-19, người dân phải làm gì?

“Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách để giữ an toàn cho mình trước tiên, sau là mọi người xung quanh. Bản thân mỗi người phải tự giữ gìn cho mình trước tiên. Mấy hôm nay Sài Gòn nhiều ca nhiễm nhưng thiết nghĩ người dân không nên lo sợ. Thay vì hoang mang thì ý thức phòng ngừa trước đi”, bà Thủy nói xong liền vào trong nhà pha nước chanh cho cả nhà uống để tăng sức đề kháng.
Anh Quốc Huy (25 tuổi, ngụ Q.10, có nhà ở trên đường Hòa Hưng, cách khu vực phong tỏa vài căn) chia sẻ: “Tôi đi ngang thấy người ta dựng rào, dán bảng cách ly nên dừng xe chụp hình để đăng lên các hội nhóm cho người dân sống bên trong còn ở ngoài nắm tình hình. Nếu đặt bản thân vào mấy người sống trong đó thì sao mà không lo được bởi ảnh hưởng đủ thứ”.

“Đây là lúc họ cần mình”

Chạy đến con hẻm 133 đường Hòa Hưng, shipper Lê Khắc Tân (38 tuổi, ngụ Q.6) “tá hỏa” khi phát hiện nơi mình đến nhận hàng nằm bên trong khu vực phong tỏa. Anh lập tức liên hệ với chủ quán cũng như tổng đài để thông báo sự việc và chờ hướng giải quyết.

Anh Phan Đức Dương (39 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) tìm đường đi khác để đến nơi nhận hàng vì ban đầu bản đồ chỉ đường đi ngang qua khu phong tỏa

. ẢNH: CAO AN BIÊN

Một số shipper bối rối khi biết mình giao hàng tới điểm phong tỏa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhìn vào con hẻm có lực lượng chức năng đang làm việc bên trong, anh Tân nói: “Ở ngoài mà giao hàng vô thì còn được, chứ giờ mà chạy vô đó lấy hàng chắc không thể nào. Tôi mới gọi tổng đài chờ giải quyết, xong chắc cũng đi ngay chứ không dám ở đây lâu”. Hơn 5 phút trôi qua, trường hợp của anh Tân đã được giải quyết xong. Shipper thở phào chạy xe rời đi.
Lát sau, shipper Kim Lộc (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) đến trước khu phong tỏa để giao thức ăn vào bên trong. Anh đeo găng tay, khẩu trang kín mít và được hướng dẫn xịt nước rửa tay sát khuẩn, để đồ ăn lên bàn cho khách ra nhận rồi nhanh chóng rời đi.
Anh Lộc cho hay từ lúc TP.HCM liên tục có những ca nhiễm Covid-19 mới, anh thường xuyên đọc báo, theo dõi tin tức trên mạng xã hội để biết được nơi nào bị phong tỏa.

Đoạn đường Hòa Hưng (Q.10) vắng vẻ, nhiều cửa hàng gần điểm phong tỏa đóng cửa

ẢNH: THANH KHƯƠNG

“Nãy người ta đặt cơm, cũng có nói là giao đến chỗ phong tỏa. Họ ở bên trong không ra ngoài mua đồ ăn được, nên tôi cũng giao dù có chút sợ. Phải giao chứ, vì đây là lúc họ cần mình, chỉ cần kỹ lưỡng một tí, làm đúng hướng dẫn của cán bộ y tế là được”, anh nói.
Từ sáng đến giờ, anh Lộc cho biết mình cũng nhận được nhiều đơn hàng xung quanh khu vực này và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Tôi không chỉ giúp họ mà còn có thêm thu nhập, nhất là trong mùa dịch khó khăn này”, anh nói thêm.
Trong khi đó, anh Phan Đức Dương (39 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cũng đi giao hàng gần con hẻm bị phong tỏa. Tuy địa điểm anh tới không nằm bên trong hẻm, nhưng anh nói đó là con đường duy nhất mà anh biết để đến nơi giao.

TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh thực hiện giãn cách xã hội chống Covid-19

“Tôi không thường giao hàng ở đây, nên đi theo bản đồ, ai ngờ tới đây thì không đi được nữa. Mà giờ không đi đường này tôi cũng không biết đi đường nào, trên bản đồ thấy đường nào cũng là đường cụt”, anh Dương vừa dò đường, vừa nói.
Sau một hồi tìm đường hoài không thấy, anh gọi cho khách và được hướng dẫn, tuy nhiên anh cũng rất bối rối. Thở dài, anh nói mình sẽ đi ngược lại rồi hỏi thêm. “Nắng nôi, mà còn vậy nữa. Thôi giao cho xong sớm rồi nghỉ trưa”, shipper nhanh chóng rời khỏi điểm phong tỏa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.