Trăm sự… nhà văn hóa thôn: Xử con dâu chửi mẹ chồng, anh rể vuốt... em vợ

19/05/2019 19:12 GMT+7

Nhà văn hóa thôn diễn ra trăm sự. 'Sự' nào cũng in dấu ấn người quê, có buồn vui, có nghiêm chỉnh lẫn tầm phào. Nàng dâu uống say về "xách" mẹ chồng ra chửi, thôn can thiệp. Anh rể vuốt ngực em vợ, thôn kiểm điểm...

Cùng là cấp thôn, thua thì… nhục lắm

Thời gian gần đây thôn nào cũng chộn rộn xây nhà văn hóa. Mới đầu, cán bộ thôn bàn tán, nói thôn mình dân ít, văn hóa còn thấp, tiền lá mít hay sao mà đi xây nhà văn hóa. Nhưng thôn A xây, khánh thành hoành tráng, được xã khen ngợi là đổi mới bộ mặt quê hương. Tinh thần thi đua được khích lệ. Vậy là thôn B, thôn C rồi thôn D… đều rần rần xây nhà văn hóa.

Buồn cười là vừa xây vừa cử người sang thôn bạn “trinh sát”, coi họ xây kiểu gì, to đẹp không? Có hơn thôn mình không? Nếu hơn thì bàn nhau làm sao cho bằng. Cùng là cấp thôn với nhau, thua thì… nhục lắm.

Hình như mấy vị chức sắc thôn cũng chưa rõ nhà văn hóa là gì, hoạt động ra sao nhưng họ biết chắc chắn văn hóa là một… cái gì đó rất tốt. Nếu không thì vì sao có nhà văn hóa Thanh niên, nhà văn hóa Thiếu nhi, nhà văn hóa Lao động… Mà cũng chẳng cần nghĩ ngợi sâu xa, trước mắt xây nhà văn hóa là để ngồi họp cho sướng cái đã.

Hồi mới có nhà văn hóa, dân chưa quen, người thì gọi là hội trường thôn, người thì gọi là trụ sở thôn. Cán bộ thôn chỉnh ngay, nói bà con không thấy mấy chữ “nhà văn hóa thôn” à? Hội trường hay trụ sở cũng ở trong cái nhà văn hóa này. Từ nay phải gọi là “nhà văn hóa thôn” để làng mình đậm đà bản sắc.

Trăm dâu đổ đầu... thôn

Phải công nhận nhà văn hóa thôn là nơi chứa trăm sự của đời, vui buồn lẫn lộn. Chuyện gì dân cũng đến báo, kể cả những chuyện trời ơi đất hỡi. Một thôn trưởng bộc bạch rằng không biết ở trung ương bận rộn thế nào, chứ ở thôn thì ngày nào cũng xảy ra chuyện. Người dân hở một tí là chạy đến nhà văn hóa kêu cán bộ ơi cán bộ hỡi. Trăm dâu đổ đầu… thôn.

Nàng dâu uống ở đám cưới về "xách" mẹ chồng ra chửi, thôn can thiệp. Anh rể vuốt ngực em vợ, thôn kiểm điểm. Một ông đi thể dục lúc 4 giờ sáng, vác xi măng cho bồ nhí làm nhà, thôn cũng gọi lên. Một bà không bệnh hoạn gì nhưng vẫn hay đến ông y sĩ “chích thuốc”, thôn cũng yêu cầu viết tường trình. Một chị thấy chồng đang hát karaoke bằng… tay ở đâu cũng chạy đến nhờ thôn đi bắt giùm. Cứ như thôn có quyền to như núi vậy. Được cái, vụ nào thôn cũng “lý tình” xong tất. Không có thôn, chắc xã làm không xuể.

Mới đây, lúc nửa đêm, chị Y. tóc tai rũ rượi chạy đến nhà thôn trưởng đập cửa kêu cứu. Thôn trưởng mắt nhắm mắt mở hỏi chuyện gì. Chị Y. khóc rấm rức kể rằng chị bị chồng say rượu quậy phá, không cho ngủ, lại còn chửi bới, đòi đánh. Thôn trưởng bảo về viết đơn, sáng mai mang lên nhà văn hóa. Chị ta nói thôn có thương dân thì giải quyết ngay bây giờ, nếu không thì tui… ngủ ở đây. Giờ thôn biểu tui về ổng giết tui chết mất.

Bí quá, thôn trưởng pha cà phê uống chống buồn ngủ rồi cho mời các đương sự lên nhà văn hóa lúc giữa khuya. Anh chồng bức xúc kêu bớ thôn ơi, vợ tui ngoại tình, nó làm mặt lạ với tui. Tui đi biển xa mấy tháng mới về, chỉ đụng chút xíu nó đã la lên, nhảy qua giường con ngủ. Chị vợ cãi: Tui nói tui có “lý do” mà ông không nghe. Thôn trưởng phì cười hỏi anh chồng về chơi được bao lâu? “Dạ nửa tháng”, anh chồng đáp. Thôn trưởng nói anh dẫn vợ về đi. Vài bữa nữa nếu tình hình không “cải thiện”, chúng tôi sẽ góp ý với vợ anh. Mấy ngày sau, anh chồng mặt mày phơi phới, lên nhà văn hóa thôn cười hề hề, nói “xin lỗi các anh, bữa đó tui… bức xúc quá”.

Năm ngoái, một bà vợ mê đánh đề, bị chồng bạt tai nên bỏ về nhà mẹ ruột. Gần ngày giỗ, chuyện bánh trái, nấu nướng không ai lo. Chồng bí quá lên nhà văn hóa “nằm vạ”, nhờ thôn can thiệp. Thôn phải cắt cử cán bộ phụ nữ sang tận làng bên động viên chị về trước giỗ một ngày. 

Nơi làm đám cưới cho... cả thôn

Ngoài vài cuộc họp bàn chuyện làng chuyện xóm đôi ba tháng một lần, vào mùa cưới, người dân thường thuê nhà văn hóa thôn để thết đãi hai họ. Nhạc nhã ầm ầm, hát hò hú hét nhảy nhót đủ kiểu. Khổ thân các cụ nhà bên phải di tản sang nhà bà con ở xóm khác để né dàn âm thanh chát chúa. Chưa hết, các ban ngành đoàn thể, hợp tác xã họp tổng kết, sau họp là liên hoan tại chỗ. Uống lâng lâng, ai cũng giựt mi-cờ-rô hát oang oang. Có ông còn: "Một hai ba… Dzô!" xa hàng trăm mét vẫn nghe rõ mồn một.

Từ khi có nhà văn hóa khang trang, các cuộc họp dù lớn hay nhỏ đều được trang bị máy móc, âm thanh, mi-cờ-rô không dây hoành tráng. Trong khi chờ đợi đông đủ thành phần, anh phụ trách văn hóa thôn thường cho bà con thưởng thức văn nghệ do “đĩa hát” trình bày. Phần này khoảng hơn tiếng đồng hồ với những bài ca ngợi quê hương đất nước.

Được nghe nhiều nhất là bài có câu "Qua nửa đời phiêu bạt, tôi lại về úp mặt vào sông quê, ơi con sông quê…" Thanh niên khen bài này hay, tình quê chan chứa. Nhưng mấy ông sồn sồn, có chút rượu thường ngang như cua, nói tụi bay biết gì mà khen. Tưởng về quê để góp phần xây làng dựng xóm, té ra về chỉ để úp mặt vào… sông. Mà này, úp mặt vào sông mà còn hát được là tài. Chỉ có vậy mà trẻ - già cãi nhau nổ đom đóm, đến nỗi ông thôn trưởng phải ra lệnh tắt nhạc rồi la lớn, bà con tới để họp, không phải để cãi lộn. “Nhân vật” trong bài hát úp mặt vào đâu kệ nó, không phải việc của mình.

Mỗi lần nhà văn hóa có đám cưới, trẻ con xúm đen xúm đỏ để nghe MC pha trò. Mỗi MC một cách nói rất vui nhưng tựu trung anh nào cũng vần vè, rất sến. Anh thì nói: Cây có trái như gái có chồng, như chim tìm lồng như ong tìm bướm. Anh thì nói: Ở đâu có hoa cỏ ở đó có tình yêu/ Ở đâu có Thúy Kiều, ở đó có Kim Trọng…Buồn cười nhất là các tiết mục văn nghệ được MC giới thiệu bằng “thơ”, kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia, nghe rất tếu: Tết này là tết con rồng/ Thu Dung sẽ hát “Phượng hồng” anh em ơi. Hoặc: Cuộc đời vừa thực vừa hư/ Bài “Lá đỏ” có Tấn Lư trình bày. Chỉ một lát, đám trẻ con thuộc làu. Chúng đồng thanh “tái bản” khắp xóm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.