Trâu chọi Đồ Sơn những ngày buồn - Kỳ 1: Những giai thoại kỳ bí

06/07/2017 13:39 GMT+7

Sự cố trâu số 18 húc chết chủ tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 đã một lần nữa dấy lên làn sóng tranh cãi. Sự cố đau lòng khiến nhiều người tiếc thương và nhớ về những giai thoại kỳ bí xưa nay của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Trên thực tế, người dân cả nước vốn chỉ chú ý đến Lễ hội chọi Trâu qua phần “hội” khi các "ông trâu" thi tài.
Trước kia Đồ Sơn cũ có 3 xã cổ là: Đồ Hải, Đồ Sơn và Ngọc Tuyên với 8 làng. Mỗi làng chọn 1 giáp để nhận tiền, cờ, áo đi mua trâu, chăm trâu. Mỗi năm làng sẽ chọn ra 1 giáp để đại diện đi tham dự lễ hội. Giáp được chọn sẽ được làng phát tiền đi mua trâu, 1 cờ hôi và 1 áo hội để dắt trâu vào xới.
Sau hội chọi, tất cả các "ông trâu" đều được giữ lại (kể cả các "ông trâu" thua vòng loại) và hiến sinh đồng loạt vào ngày 10.8 âm lịch. Thịt các "ông trâu" được phát cho cả làng.
Thịt trâu sau khi hiến sinh được bày bán ngay trước cửa sân vận động. Đây là hình ảnh gây tranh cãi nhất của lễ hội này Ảnh: Lê Tân
Còn bây giờ không làm thế được vì các "ông trâu" là sở hữu riêng của cá nhân và nếu hiến sinh sau hội thì không tiêu thụ hết thịt.
“Trên thực tế, việc hiến sinh "ông trâu" được người Đồ Sơn quan niệm đó là sự kết thúc một vòng sinh tử. Khi "ông trâu" được rước về là bắt đầu được sinh ra, rồi được chăm sóc, nâng niu, cháy hết mình trong hội là qua một kiếp và hiến sinh để luân hồi”, ông Lưu Toàn Thắng, Chánh tế Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn giới thiệu.
"Ông trâu" vô địch đều rất kỳ lạ
Cũng bởi đậm chất tâm linh nên Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có rất nhiều giai thoại kỳ bí. Theo đó, những "ông trâu" vô địch luôn có biểu hiện rất kỳ lạ.
Anh Lê Bá Võ (37 tuổi, ngụ 254 đường Suối Rồng, phường Ngọc Xuyên) vẫn nhớ như in cảnh "ông trâu" số 28 của anh khi bước vào Đền Nghè đã khụy chân "quỳ" xuống để làm lễ tế, trong khi các "ông trâu" khác không làm vậy. Quả nhiên, trong Lễ hội năm 2016, "ông trâu" số 28 đã giành chức vô địch cực kỳ thuyết phục.
Sau đó, anh Võ trở lại Đền Nghè để làm lễ thì ông Hưởng, người trông đền mới kể chuyện có anh thợ cắt tóc ở đối diện đền nằm mơ thấy "ông trâu" số 28 vô địch trước khi hội diễn ra.
Anh Lê Bá Võ và các tờ giấy thông hành đi mua trâu do quận cấp Ảnh: Lê Tân
Trước đó, vào năm 2009, "ông trâu" số 25 đã chạy một mạch vào đền làm lễ mà không cần ai dắt. Năm đó "ông trâu" này cũng vô địch dù bị đánh giá rất thấp. Hay như chính trâu số 18 gây sự cố thương tâm ngày 1.7 vừa qua cũng đã không chịu vào đền làm lễ bái.
Việc thắng thua của các "ông trâu" cũng rất khó lường. “Có nhiều chủ trâu tìm mua các "ông trâu" to, đẹp từng vô địch nhiều giải chọi ở các địa phương khác nhưng về Đồ Sơn là thua, thậm chí không đánh cũng bỏ chạy. Từ xưa đến nay, các "ông trâu" vô địch đều là trâu từ dân gian, làm việc lam lũ được mua về chăm sóc, huấn luyện. Hay như có nhiều "ông trâu" thể hình rất nhỏ, được đánh giá là "quân xanh" lại đánh hay một cách xuất thần và vô địch. Thậm chí có trận không phải đánh vì "ông trâu" đối thủ vừa vào đã bỏ chạy”, anh Võ cho biết.
Vì những giai thoại kỳ bí đó nên các chủ trâu rất coi trọng “ông trâu”. “Mấy ngày nay tôi nghe có người nghi ngờ chủ trâu cho "ông trâu" số 18 dùng chất kích thích, tôi vừa buồn vừa thấy nực cười với tin đồn. Đó là hành động cấm kỵ và đánh cược với các "ông trâu", chúng tôi không bao giờ làm. Ngay trong sáng nay (4.7) các chủ trâu khi họp với quận đã nhất trí lấy mẫu nước tiểu của các "ông trâu" đi xét nghiệm làm rõ việc này”, anh Võ cho hay.
Việc lao vào nhau thi đấu là bản năng của các "ông trâu" được chủ trâu khơi dạy trong quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện. Đó là công việc cần nhiều thời gian và công sức, theo anh Võ.
 Những hình ảnh không đẹp
Trong khi phần lễ đẹp đẽ chưa được quảng bá thì phần hội của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đầy bất cập đang được cả nước biết tới với quá nhiều hình ảnh xấu.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên qua nhiều năm theo dõi lễ hội, đã có thời gian thịt trâu được bán trôi nổi rất khó kiểm soát. Người dân nhiều lần mua phải thịt trâu thường trà trộn vào.
Anh Lưu Đình Toàn, một chủ trâu cho biết: “Thị trâu chọi rất khác biệt. Khi các "ông trâu" thi đấu, mồ hôi tiết ra làm giảm vị hôi của thịt rất nhiều. Người sành sỏi hay dân Đồ Sơn thì nhận ra ngay”.
Những năm gần đây, việc hiến sinh và bán thịt trâu được tập trung và do ban tổ chức lễ hội quản lý nhưng vẫn chưa thể xóa tan nghi ngờ. Bởi lẽ khu vực hiến sinh được cách ly và không một phóng viên báo đài nào được lọt vào để ghi hình, chứng kiến.
Ngoài ra chuyện cá độ diễn ra công khai và cực kỳ sôi động. Bên ngoài sân vận động, một màn hình tivi được hàng chục người vây quanh. Thi thoảng một người đàn ông lại đứng lên hô to ra kèo.

Ai bắt thì xuống tiền ngay lập tức và đợi kết quả là thanh toán. Ngoài ra, nhiều chủ trâu từng thừa nhận có việc một số lái buôn trâu lắm tiền, nhiều của năm nào cũng về hội chọi trâu để “độ” những kèo rất to. Tuy nhiên, việc cá độ ở hội chọi trâu là cực kỳ rủi ro. Việc thắng thua của các "ông trâu" rất khó đoán. Có thể kháp đấu trước ông trâu đánh rất hay nhưng kháp sau vừa vào đã bỏ chạy. Người dân Đồ Sơn cho rằng, đó là việc "trừng phạt" đối với những kẻ lợi dụng lễ hội để làm việc phi pháp.
Tục chọi trâu Đồ Sơn
Theo ông  ông Lưu Toàn Thắng, Chánh tế Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu diễn ra trong 16 ngày (từ 1.8 đến 16.8 âm lịch). Trong đó có đến 15 ngày lễ và chỉ 1 ngày hội. Sau lễ tế, các ông trâu được rước vào đền làm lễ. 0 giờ ngày 8 làm lễ xuất trận; Mùng 9 là hội chọi; Mùng 10 theo lễ cũ là làm lễ hiến sinh các "ông trâu"... Trước lễ chính là vòng loại diễn ra vào tháng 6 âm lịch. Các làng tự làm lễ tế như ở Đền Nghè.
“Đến như việc chọn ngày 9.8 làm hội chọi cũng rất thâm thúy. Một là ý nghĩa của số 9 (thuộc trời, cung càn, tính dương) và số 8 (thuộc đất, cung khôn, tính âm) để nói đến việc trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi. Ngoài ra 9, 8 còn là tính chất địa lý của vùng đất Đồ Sơn với 9 núi, 8 làng cổ”, ông Thắng chậm rãi giải thích.
Ngày nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn giữ được gần như tất cả tục lệ cũ. Chỉ có 1 số điểm được thay đổi để phù hợp với thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.