Tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 xét nghiệm ADN: Chuyên gia nói khả năng nhận dạng thế nào?

04/09/2020 19:46 GMT+7

Trước việc Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 hứa sẽ giám định ADN những hũ cốt mà không thể nhận dạng được khi không còn ảnh bài vị và tên, nhiều người thân cũng lo lắng, thắc mắc liệu có thể xét nghiệm ADN để xác minh nhân thân thông qua tro, cốt người đã khuất?

Không ngừng hy vọng

Liên quan vụ việc chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong lúc sửa chữa đã di dời vị trí, làm tróc hình các hũ cốt đặt tại hầm, kết quả kiểm tra xác định có 473 hũ cốt không bài vị, hình ảnh. 
Người dân yêu cầu phía chùa xác minh ADN tất cả các hũ cốt và trao trả cho gia đình trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng. Trụ trì chùa cũng đã hứa giám định ADN các hũ tro cốt bị tróc hình, hoặc những hũ cốt mà thân nhân gia đình không thể nhận dạng được bằng mắt thường. 

Dân vẫn kéo về chùa Kỳ Quang 2 dù trụ trì hứa giám định ADN tro cốt

“Xét nghiệm ADN có thể không khả thi nhưng đó là một trong những phương án lúc này để thúc giục phía chùa và cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Sẽ kiểm tra từng hũ cốt với hy vọng còn lại mẩu xương, răng nếu không có sẽ nhận diện theo phương án khác”, một người có liên quan cho biết.
Trụ trì cùng người dân và chính quyền vào hầm để hũ tro cốt kiểm tra
Ảnh: NVCC
Bà Nguyễn Thị Minh Thanh (63 tuổi) hiện đang gửi tro cốt của chồng tại chùa Kỳ Quang 2. Bà cho biết chồng bà mất năm 1999. Sau đó, bà mua đất và an táng tại chùa, đến khoảng năm 2015, theo quy định của chùa, bà phải thực hiện hỏa táng chồng vì khu vực này gần khu dân cư sinh sống. Sau khi hỏa táng, bà tiếp tục gửi tro cốt của chồng tại chùa đến nay.

Tro cốt thất lạc di ảnh ở chùa Kỳ Quang 2 sẽ được giải quyết ra sao?

Bà Thanh bức xúc kể: "Sau khi hỏa táng, bên nhà chùa đưa bình tro cốt chồng tôi về, tôi chỉ được nhìn hũ cốt và có dán ảnh bên ngoài chứ không rõ bên trong thế nào. Hôm qua tôi có đến chùa xem mà hầm đã bị niêm phong mất với lại mọi hũ cốt đều có hình dạng như nhau, không có thông tin ảnh hay tên thì tôi có lo bao nhiêu cũng không tìm được".
Chị Phạm Thị Hồng Hạnh (35 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã gửi 2 hũ cốt của người thân là mẹ chồng và bố chồng tại chùa Kỳ Quang 2. "Mẹ chồng mình mất năm 1993, khi đó gia đình mình mua đất và an táng bà trong chùa. Sau đó chùa yêu cầu bốc lên thiêu và đem về trong chùa. Ba chồng mình mất cách đây 2 năm. Hôm qua nghe tin mình chạy lên thì hầm đã niêm phong rồi, nên mình không thể thấy được gì nữa. Người thân mình có đến thì được đi vào thấy được hình và bài vị của ba, còn hình bài vị của mẹ thì không thấy".

Người dân yêu cầu phương án xét nghiệm ADN tại buổi họp đối chất

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng bức xúc như nhiều người gửi tro cốt người thân tại chùa Kỳ Quang 2, chị Hạnh cho biết hũ cốt của ba, mẹ chồng chị sau khi thiêu đã được đóng kín đưa vào hũ nên chị không biết bên trong thế nào. Bên cạnh đó, vẻ ngoài của hũ cốt chị cũng cũng không còn nhớ rõ.
"Nếu hũ cốt không dịch chuyển mà chỉ gỡ bài vị thì mình sẽ nhớ hai hũ cốt nằm vị trí tòa sen nào và có thể sẽ nhận ra còn nếu hũ cốt đã bị xáo trộn thì mình không thể vì không có dấu hiệu nào nhận dạng. Gia đình mình giờ chỉ biết hy vọng vào phương án giám định ADN. Nếu phải thực hiện phương án cuối cùng là thủy táng tập thể thì cũng được nhưng rất hy vọng có thể giám định ADN", chị nói.

Chỉ xét nghiệm ADN được mẫu cốt không qua tác động nhiệt

Thành phần hóa học chính của xương (cốt) gồm 2 phần chính: chất hữu cơ và chất vô cơ (chất khoáng) liên kết chặt chẽ với nhau đảm bảo cho xương có đặc tính đàn hồi và rắn chắc.

+Chất hữu cơ (chiếm 30% trọng lượng khô của xương) gồm có protein, lipid, mucopolysaccarid. Trong đó chiếm tỷ lệ cao là collagen và các phức hợp protein (là những glucosaminoglycan gồm chondroitin sulfat và acid hyaluronic kết hợp với protein).

+Chất vô cơ (chiếm 70% trọng lượng khô của xương) gồm các muối Canxi, Magie, Mangan, Silic, Kẽm, Đồng…trong đó chủ yếu là CaCO3, Ca3(PO4)2.

PV liên hệ với Trung tâm xét nghiệm ADN - Viện Công nghệ Sinh học (Q.1, TP.HCM), trung tâm này cho biết hiện nay không có cách nào để xét nghiệm ADN từ tro cốt đã qua hỏa táng, có tác động nhiệt (khoảng 8500C) khi cơ thể bị đốt thành tro và cháy thành bột trắng. 
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia trong lĩnh vực giám định ADN cho biết trong trường hợp hỏa táng chỉ còn tro tàn thì sẽ không thể giám định ADN được vì tế bào đã bị phá hủy.
Trường hợp cốt còn mẫu xương, răng không qua thiêu thì vẫn có thể giám định được. Tuy nhiên còn tùy theo điều kiện, nếu mẫu xương răng bảo quản không tốt, mẫu kém không đảm bảo thì có thể không xét nghiệm được.
“Nếu đã đưa vào lò hỏa táng toàn bộ, đương nhiên sẽ không còn mẫu răng hay xương nào. Đó là nhiều trường hợp, còn về cơ bản thì có thể giám định ADN xác định nhân thân được với điều kiện giữ lại mẫu cốt không qua tác động nhiệt”, vị chuyên gia nói.

Nhiều hũ cốt trong hầm không còn hình ảnh, bài vị

Ảnh: NVCC

Chuyên gia cũng giải thích thêm, với trường hợp hũ tro, cốt của người đời trước như bà cố, ông cố thì sẽ giám định ADN theo dòng mẹ.
Trường hợp này giống với việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ, người ta cũng thông qua việc xét nghiệm mẫu xương để tìm thân nhân. Nếu người đó không có gia đình, con cái sẽ giám định theo dòng mẹ. Việc đầu tiên là xác định người này có anh chị em cùng mẹ hay không và sẽ xác định người đó còn sống không.
“Nếu người anh chị em đó là trai, đã mất nhưng có gia đình, đã sinh con thì cũng không tiếp tục xét nghiệm được. Nhưng nếu người anh chị em đó là con gái, đã chết nhưng lập gia đình và sinh con thì vẫn có thể xét nghiệm bằng mẫu của con người này”, chuyên gia cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.