Trung tâm chống ngập gọi trận mưa hôm qua là... cực đoan!

27/09/2016 15:07 GMT+7

Ngày 27.9, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đã chỉ ra các nguyên nhân gây ngập nặng sau cơn mưa lịch sử vào tối qua. 59 tuyến đường bị ngập từ 0,1 đến 0,5 mét, diện tích ngập từ 100 m 2 đến 30.000 m 2 .

Mưa kỷ lục 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế
Theo Trung tâm, ngày 26.9, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện trận mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập 59 tuyến đường. Sau khi kiểm tra, rà soát, Trung tâm Chống ngập cho biết, vào buổi chiều ngày 26.9, trời bắt đầu mưa lúc 16 giờ 45 và mở rộng khắp thành phố, chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng mưa đạt phổ biến từ 101 mm đến 204,3 mm.
VIDEO: Hàng trăm xe máy vẫn đang chìm lổn ngổn ngay trung tâm Sài Gòn vào trưa 27.9 - Thực hiện: Phạm Hữu
Cụ thể:
Trung tâm Chống ngập đánh giá, đây là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay, chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng mưa đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần xuất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Theo Quyết định 752/QĐ-TT, đối với tuyến cống cấp 2, vũ lượng mưa đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,7 mm).
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trận mưa hôm qua là cơn mưa lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây với mực vũ lượng đo được là: 181 mm.
Tần suất thiết kế cống hiện nay (theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020) cụ thể: Đối với tuyến cống cấp 3 là mưa 75,88mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85.36mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa 95,91mm trong 3 giờ); đỉnh triều thiết kế là +1,32m.
59 tuyến đường bị ngập 0,1 – 0,5m
Sau trận mưa, trên địa bàn thành phố đã xảy ra ngập tại 59 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 0,1 m đến 0,5 m; diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2.
Nước ngập từ ngoài đường tràn cả vào nhà Ảnh: Độc Lập

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian mưa từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 50 phút, vũ lượng đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 30 cm, thời gian nước rút khoảng 1 giờ sau mưa (tình hình đã cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26 tháng 8 năm 2016 do đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến Mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước).
VIDEO: Nhiều 'soái ca' lao vào cứu xe máy trôi trên đường phố Sài Gòn - Thực hiện: Đoàn Phạm
(Bấm vào đây để xem danh mục chi tiết 59 tuyến đường bị ngập)
Phát lệnh ứng cứu toàn diện
Trước khi xuất hiện mưa, Trung tâm Chống ngập đã triển công tác khai vớt rác trước miệng thu nước và các CSO, bố trí nhân sự túc trực tại các vị trí có khả năng gây ngập.
Trong quá trình mưa, lực lượng công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và nhân viên của Trung tâm Chống ngập thực hiện vớt rác và thanh thải các chướng ngại vật trước các miệng thu hầm ga.
Khi xảy ra ngập và trời tiếp tục mưa lớn, Trung tâm Chống ngập đã phát động lệnh ứng cứu toàn diện và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị đã vận chuyển thiết bị, bố trí nhân sự để ứng cứu theo kịch bản đã xây dựng từ đầu năm. Đồng thời, liên lạc với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hỗ trợ lực lượng tham gia ứng cứu khi xuất hiện ngập tại tầng hầm của các tòa nhà trên địa bàn thành phố.
BV Ung bướu vì sao ngập?
Trả lời vấn đề trên, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho hay trận mưa lịch sử chiều tối 26.9 làm nước từ bên ngoài tràn vào bệnh viện, chưa bao giờ gặp như vậy. Hệ thống xử lý nước thải của BV là khép kín, nước thải được xử lý xong mới bơm ra ngoài, còn nước từ bên ngoài không tràn vào được. Còn bệnh phẩm thì có khu xử lý riêng. Đương nhiên việc ngập như vậy thì vấn đề vệ sinh có thể có ảnh hưởng nhưng sau đó nước đã thoát hết nên không sao. (Duy Tính)
7 nguyên nhân gây ngập nặng
Theo lãnh đạo Trung tâm chống ngập, trận mưa chiều ngày 26.9 là trận mưa cực đoan. Một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như: đường Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...
Mặt khác, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến. Việc xử lý còn chậm (UBND TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo xử lý, gần đây nhất là văn bản số 4527/UBND-ĐT ngày 19.8.2016).
Trong thời gian qua, Trung tâm Chống ngập đã phối hợp cùng SởGTVT, UBND các quận/huyện rà soát các điểm ngập còn lại để đề xuất đầu tư dự án (giai đoạn 2016-2020). Nhiều dự án đã triển khai thực hiện nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục (như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo rạch Ông Búp, kênh tiêu Liên Xã, …) hoặc tiến độ thi công chậm như Xa lộ Hà Nội (chân cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Văn Quá…
Ngoài ra, các dự án thuộc Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp chưa thể triển khai thi công.
Một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.
Một số tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm (đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu….) trong khi chờ các dự án lớn triển khai đã xuất hiện ngập khi mưa to.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.