Từ bệnh viện dã chiến: 'Nhớ con, cầm điện thoại lên không nói được, chỉ biết khóc'

Đỗ Trường
Đỗ Trường
16/08/2021 11:35 GMT+7

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hà (đoàn y tế Ninh Bình chi viện cho Bình Dương chống dịch) ở Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương, cho biết mỗi lần nhớ con cầm điện thoại lên gọi nhưng không nói được gì, chỉ biết khóc.

Ngày 16.8, PV Thanh Niên đã có dịp gặp đoàn y bác sĩ của Ninh Bình trong Bệnh viện dã chiến số 1, điều trị F0 tầng 2 ở P.Thới Hoà (TX.Bến Cát, Bình Dương).

Nữ điều dưỡng xa nhà đi chống dịch Covid-19 bật khóc vì nhớ con

Cơm hộp, nước suối
Đoàn y tế Ninh Bình chi viện cho Bình Dương chống dịch từ ngày 3.8 với 30 thành viên gồm các y bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm.

Một nhân viên y tế trong khu điều trị bệnh nhân F0

Sau khi đến Bình Dương, đoàn đã bắt tay ngay vào công việc điều trị F0 trong Bệnh viện dã chiến số 1 cùng với các đoàn y tế ở các tỉnh, thành khác chi viện cho Bình Dương.
Đoàn y tế Ninh Bình được bố trí chỗ ở ngay trong khu vực của bệnh viện dã chiến, gần với khu điều trị. Khu ở của các y bác sĩ là một văn phòng làm bằng nhà tiền chế 2 tầng. Tầng trệt dành cho nam và tầng 1 dành cho nữ.

Khu ở của các y bác sĩ nam đoàn y tế Ninh Bình.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Theo sự phân công của bộ phận chuyên môn trong bệnh viện, các thành viên trong đoàn đi làm, trực cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân F0 theo từng nhóm, phù hợp với khả năng chuyên môn của từng người.

Khu ở cho các y bác sĩ nữ đoàn Ninh Bình.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Những ngày đầu đến Bình Dương, hầu hết các thành viên trong đoàn đều bỡ ngỡ, từ cách sinh hoạt, ăn uống, kể cả việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau mỗi ca trực, các y bác sĩ trở về khu vực nghỉ ngơi, sinh hoạt với những chiếc nệm trải trên sàn, hàng ngày ăn cơm hộp, nước suối do Tổng công ty Becamex IDC cung cấp mang từ bên ngoài vào.

Hộp cơm trưa dành cho điều dưỡng Nguyễn Thị Thương (đoàn Ninh Bình) khi bạn này chưa xong ca trực

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Nhiều thành viên trong đoàn cho biết khẩu phần ăn thì đầy đủ, ngon nhưng đồ chiên xào nhiều quá nên ai cũng thèm rau luộc. Vừa làm công việc chuyên môn, các y bác sĩ cũng tập để quen dần với cách sinh hoạt, ăn uống của người miền nam.

Bản tin Covid-19 ngày 16.8: TP.HCM chia 3 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh, đổi chiến lược điều trị "5 tầng" thành "3 tầng"

Nhớ con, gọi điện là khóc
Chia sẻ với PV Thanh Niên, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hà (công tác tại Trung tâm y tế TP.Ninh Bình), cho biết trước khi đến Bình Dương, chị cũng đã tìm hiểu về tình hình dịch bệnh rất căng thẳng và xác định sẽ rất khó khăn.

Sau mỗi ca trực mệt mỏi, các y bác sĩ tranh thủ ngủ lấy sức cho ca trực mới.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Chị Hà cho biết môi trường làm việc cũng khác hoàn toàn với Ninh Bình nên phải xác định trước là có lòng quyết tâm đến để giúp, hỗ trợ Bình Dương, điều trị và chăm sóc thật tốt cho bệnh nhân. “Đi đến đây thì rất nhớ nhà. Chồng tôi là CSGT trong tuyến đầu chống dịch nên cũng đi suốt. Con cái ở nhà chỉ biết nhờ ông bà. Khi nhớ con thì chỉ biết gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe con như thế nào cho đỡ nhớ…”, chị Hà vừa khóc vừa nói.

Một bác sĩ nam tranh thủ gọi điện về gia đình.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Theo chị Hà, khi đến Bình Dương, môi trường làm việc cũng có nhiều bỡ ngỡ, bước đầu có nhiều khó khăn nhưng một thời gian rồi cũng quen dần với công việc ở đây.
Đi làm không mang theo điện thoại để tránh nguy cơ lây nhiễm
Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương có hơn 3.000 giường, được chia làm nhiều khu. Các y bác sĩ làm việc trong môi trường luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao nên trước và sau khi đi làm về, các y bác sĩ trong bệnh viện F0 đều phải hết sức kỹ lưỡng trong phòng dịch.

Một khu vực điều trị bệnh nhân trong Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương qua camera quan sát.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Để đảm bảo an toàn, mỗi lần đi làm các y bác sĩ đều không mang theo điện thoại. Quá trình làm việc luôn phải căng mắt nhìn màn hình camera theo dõi từng động thái của bệnh nhân để có những phương pháp hỗ trợ kịp thời.
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Hùng Ngân, trưởng đoàn y tế Ninh Bình chi viện cho Bình Dương cho biết khi được cử vào Bình Dương tham gia chống dịch Covid-19, các thành viên trong đoàn cũng xác định đây là môi trường làm việc rất phức tạp và nguy hiểm. Đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay từ lúc ở Ninh Bình, các thành viên trong đoàn đã được tập huấn toàn bộ quy trình về kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là quy trình về đảm bảo trang phục phòng hộ.

Các giường bệnh bên trong bệnh viện dã chiến.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

“Khi làm việc trong khu lây nhiễm thì chúng tôi quán triệt toàn bộ anh em trong đoàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế cũng như là tuân thủ các quy định của cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn. Đặc biệt là đối với những anh chị em làm việc trong khu lây nhiễm cao như khu đón bệnh nhân, khu lấy mẫu...”, bác sĩ Ngân nói.
Theo quan sát của PV, mặc dù điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhưng các y bác sĩ ai cũng mang trong mình tinh thần lạc quan, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, dốc lòng dốc sức cứu chữa cho các bệnh nhân, chia sẻ với những khó khăn của Bình Dương.

PV Báo Thanh Niên (trái) và một số y bác sĩ nam đoàn Ninh Bình tại khu nhà ở

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đến nay, Bình Dương đã ghi nhận gần 45.000 ca Covid-19, trong đó có gần 11.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi, xuất viện, 361 bệnh nhân tử vong. Dự báo trong thời gian tới, số người mắc Covid-19 ở Bình Dương sẽ tiếp tục tăng. Địa phương này cũng quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 31.8 để khoanh vùng, dập dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.