"Cô lập" trong... căn nhà của mình
Trở về nhà sau một ngày “vật lộn” với thông tin về diễn biến Covid-19 vào rạng sáng 28.7, tôi không tài nào ngủ được. Bởi 0 giờ cùng ngày, Đà Nẵng chính thức phong tỏa ổ dịch Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, BV C, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng cùng 8 tổ dân phố xung quanh, chính thức “đánh dấu” cuộc chiến với làn sóng Covid-19 thứ 2 mà Đà Nẵng trở thành “mặt trận tiền phương”.
Ngày 31.7, trước tình hình ngày càng phức tạp, Đà Nẵng đã tái lập 8 chốt kiểm soát ngăn không cho người rời khỏi TP. Mầm dịch Covid-19 đã “chui” vào cộng đồng. Giờ chính là lúc những tiếp xúc hàng ngày đều có thể trở thành nguy cơ.
|
Những tháng ngày mà đi đâu cũng nghe loa phóng thanh vang câu: tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, nhà cách ly với nhà… Không riêng gì tôi mà với những người làm báo nói chung tại Đà Nẵng, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đều trở thành những người có nguy cơ cao sau những người đang tham gia chống dịch ở tuyến đầu như: bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ công an…
Gần như ngày nào tôi cũng có mặt ở những địa điểm có nguy cơ cao, như: các khu phong tỏa, các chốt kiểm tra, bệnh viện dã chiến… Có lẽ như tôi, hẳn trong tâm thức của nhiều người, ai cũng một lần tự hỏi: có khi nào mình đã nhiễm Covid-19. Nhất là khi ho hen, trán bừng nóng sau mỗi ngày chạy đua với công việc.
Rồi thông tin về những trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từng là nơi mình đến để tác nghiệp, thông tin về những em bé vài tuổi nhiễm dịch bệnh từ người thân… khiến tôi vô cùng lo lắng.
|
Tôi nghĩ cho sức khỏe của mình 1 thì lo đến cậu con trai 10. Tự nghĩ là thanh niên, nếu mình có nhiễm Covid-19 cũng không phải đáng sợ mà tội nhất là cậu bé còn quá nhỏ, lỡ không may nhiễm dịch bệnh mà không biết chuyện gì đang xảy ra với mình.
Sau luẩn quẩn những câu hỏi này, tôi quyết định mình tự cách ly ngay trong chính ngôi nhà của mình. Tôi nhớ như in, đó là hôm 1.8. Trong căn hộ của mình, tôi dọn dẹp lại phong ngủ nhỏ nơi thường để những vật dụng không cần thiết để làm chỗ nghỉ ngơi vừa là nơi làm việc.
Cứ đi làm về là tôi đóng cửa phòng rồi tự nhốt mình trong đó. Bữa tối mùa dịch gần như trở thành bữa khuya. Tôi trệu trạo nhai cơm khi vợ con đã đi ngủ ở phòng bên…
Ôm con vào lòng với giấc ngủ ngon
Tôi hé cửa nhìn vào phòng ngủ, thấy cu cậu lăn xuống góc giường mà thót tim. Bèn bấm điện thoại nhắc vợ bế con lên nằm ngay ngắn…
Hẳn nhiều người sẽ cười vì cho rằng việc tự cách ly trong chính nhà mình sẽ không hiệu quả nếu không may bản thân đã nhiễm Covid-19. Nhưng tôi đọc các tài liệu thì thấy giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m sẽ phần nào giảm nguy cơ.
Tôi tự tách mình khỏi nhịp sinh hoạt chung của cả nhà, sát khuẩn thường xuyên và cả đeo khẩu trang. Tôi ở phòng riêng, làm việc mà không gặp vợ con trong nhà của mình.
Tôi tin rằng với những cách tự cách ly như vậy có thể giảm thiểu nguy cơ. Nếu không may mình “dính” Covid-19, cả nhà dù có phải cách ly tập trung thì chí ít vợ con mình không bị nhiễm bệnh.
|
Có những ngày tôi đi làm về cũng đúng lúc cậu nhóc đi nhà trẻ về. Nó thấy ba liền lao tới như một phản xạ. Tôi dang tay định ôm thì chợt nhớ mình đang tự cách ly. Tôi tránh và bảo vợ giữ cậu lại. Cậu nhóc khóc thét. Tôi cũng nghẹn cổ họng…
Nhìn cậu mân mê đồ chơi rồi bi bô một mình, tôi thèm được ùa tới hôn lên mái tóc thơm mùi dầu em bé quen thuộc nhưng rồi không dám…
Bà xã lắm lúc bực mình, bảo tôi làm vậy có hiệu quả gì không để rồi ở trong một nhà mà vợ chồng, cha con xa cách. Tôi cố gắng giải thích và được cô ấy cảm thông. Nhưng thật sự lúc đó tôi cũng băn khoăn mình làm vậy có đúng không.
Ròng rã gần 2 tháng trời trên “mặt trận” thông tin về Covid-19, ơn trời là dù áp lực công việc, dậy sớm rồi thức đến… sớm nhưng tôi không ngã ra ốm.
Nếu ốm thật, chắc tôi lo lắng lắm bởi ám ảnh Covid-19. Dù vậy, có những lúc đang làm việc thì toàn thân nóng bừng, vớ cái máy đo thân nhiệt tự đo thì “ấm đầu” 38 độ C. Rồi thấy toàn thân mệt mỏi, cổ họng đau rát…, tôi lại nghĩ “có khi nào…”.
Tôi hỏi nhiều người làm trong ngành y thì họ cho biết, khi stress cũng có những biểu hiện như thế. Yên tâm đi ngủ một giấc thật sâu, sáng ra, tôi lại lỉnh kỉnh đồ nghề lao vào những điểm nóng để tác nghiệp.
|
Mỗi ngày tôi đều tự theo dõi sức khỏe của mình. Có thời điểm dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng tôi không thể nào gạt bỏ nỗi lo để hòa nhập lại với cuộc sống gia đình.
Bởi đã có không ít ca sau vài lần xét nghiệm mới cho kết quả dương tính, trong khi mình lại toàn ở những điểm nguy cơ cao, không điều gì chắc chắn sẽ không bị nhiễm bệnh.
Mãi đến ngày 15.9, tôi cho phép mình tự nới giãn cách theo cách mà Đà Nẵng làm trước diễn tiến dịch bệnh có phần ổn định hơn.
Tôi cũng “bài bản” nhẩm tính ca bệnh cuối cùng xuất hiện trong cộng đồng cũng đã trên nửa tháng để mà yên tâm…
Khoảng cách 2 m với con trai tôi được xóa bỏ. Tôi ôm lấy cu cậu hôn lấy hôn để. Và giấc ngủ ngon nhất đến sau gần 2 tháng “chiến đấu” với dịch Covid-19…
Bình luận (0)