Ghi nhận tại Đà Nẵng trước giờ G, giờ “giới nghiêm” của chính quyền thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 9, người dân có tất bật hơn ngày thường nhưng không đến nỗi “rối loạn”, “chụp giựt”. Họ tranh thủ tạt ngang mua ít vật liệu về chèn chống nhà cửa, rồi ghé chợ mua ít thức ăn cho ngày bão số 9 dự kiến đổ bộ miền Trung ...
Nếu như những năm trước, người dân ngược xuôi trước bão lũ để dự trữ đủ thứ hàng hóa, thực phẩm, gạo mì... thì bây giờ đã khác. “Có lẽ do người dân hoàn toàn tin tưởng vào sự điều phối, quản lý của các ngành chức năng. Qua 2 đợt dịch Covid-19, giãn cách xã hội... đủ thấy. Người dân tin tưởng và đủ tự tin để ứng phó với những tình huống bất khả kháng của dịch bệnh, thiên tai”, chị Nguyễn Thị Mai Anh, người dân Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) chia sẻ.
|
Chị Mai Anh cũng cho biết, khi nghe có thông tin bão số 9, cấp độ và sức ảnh hưởng của bão, chị cũng định đi mua ít thực phẩm cho gia đình, nhưng rồi chị nghĩ lại, lại thôi. chị Mai Anh nói, bao nhiêu lần dịch bệnh, rồi lũ lụt... các điểm hàng hóa tại Đà Nẵng vẫn được khuyến khích duy trì để đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Chị Mai Anh cho biết, đến buổi sáng đi làm chị cũng định ghé chợ mua ít thức ăn nhưng thấy chợ đông, nên đành để chiều, không có thì vào siêu thị.
Và chị đã đúng. Chị tan tầm lúc 5 giờ chiều, ghé về chợ quen thuộc vẫn có đầy đủ thủy hải sản tươi, rau củ không nhiều nhưng mua đủ dùng thì vẫn ổn. “Cá tôm giá vẫn như ngày thường. Rau thì có đắt hơn vì lũ lụt, nguồn cung khan hiếm chứ cũng chẳng phải đội giá gì. Mua nhỉnh hơn ngày thường tí cũng không sao, bão mà...”, chị Mai Anh nói.
|
Cũng giống chị Mai Anh, anh Bùi Anh Đức (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cũng đi mua lương thực cho gia đình lúc tan buổi làm. Kinh nghiệm qua những đợt bão lũ, dịch bệnh liên miên từ đầu năm đến nay của miền Trung, anh tuân thủ phương châm “còn gì mua nấy”.
Chợ hết thịt anh mua cá, tôm, hết rau anh mua củ quả, bí đao, su, mướp... “Cũng chẳng cần mua làm gì cho nhiều, cho lắm lại hư. Bao nhiêu lần nên có kinh nghiệm ra rồi. Tôi chỉ mua thực phẩm cho 2 hoặc 3 ngày. Tôi thấy mọi người dường như cũng vậy", anh Đức cho biết.
|
Bà Nguyễn Thị Trang Hà, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương cho biết: “Sáng sớm đầu ngày thấy mọi người tranh thủ đi chợ sớm lắm, cũng đông, đến gần trưa là hết đồ. Giá cả thấy cũng bình thường, chỉ rau là đắt hơn tí vì khan hiếm thôi. Chợ chiều thì tầm 3 giờ bán đến 6 giờ chiều. Chợ sáng chủ yếu phục vụ những người nhàn rỗi ở nhà, chợ chiều phục vụ công chức nhà nước tan giờ làm. Mọi người có tranh thủ, tất bật hơn nhưng không đến nỗi “bấn loạn”. "ghim hàng", "đẩy giá". Chắc dân mình quen rổi...”, bà Hà bình luận thản nhiên.
Vẫn bình tĩnh đi siêu thị trước giờ "giới nghiêm"
Ghi nhận tại các siêu thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến tận cuối buổi chiều nay, hàng hóa vẫn đủ phục vụ người dân theo chỉ đạo của chính quyền thành phố. “Thấy người dân đi mua hàng cũng bình thường, không thấy hiện tượng chen lấn, hay trữ hàng”, một nhân viên siêu thị Mega Maket Đà Nẵng cho biết.
|
Theo nhân viên này, thông tin bão số 9 đã có từ vài ngày trước, tối qua (26.10), người dân đã tranh thủ đi siêu thị nên đông hơn ngày thường. Người dân Đà Nẵng có kinh nghiệm tính toán, dự phòng nguồn lương thực, mặt hàng thiết yếu qua nhiều đợt “giãn cách xã hội” nên không còn hoang mang nữa. “Thấy họ mua đủ dùng vài ngày thôi”, nhân viên này cho biết.
Quan sát của phóng viên Thanh Niên, trong ngày 27.10, các siêu thị có đông hơn ngày thường, nhưng mọi người vẫn trật tự chờ đến lượt, mua đủ dùng.
Sau giờ làm việc, chị Mai Thị Minh Thư tranh thủ đi siêu thị mua lương thực cho gia đình khi bão số 9 vào miền Trung. Chị hơi bất ngờ khi thấy các mặt hàng vẫn đầy đủ, phong phú. Cũng không phải xếp hàng dài, không phải chen lấn gì... “Thực ra tôi cũng đoán vẫn có thể mua được hàng nên cũng không gấp gáp lắm. Tôi tin Đà Nẵng có thể điều phối được hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân”,
Bà Đinh Thị Ánh Nguyệt, nhân viên siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng chia sẻ, trong 2 ngày trước khi bão số 9 “đổ bộ” miền Trung như dự kiến, người dân mua sắm tại siêu thị đông hơn ngày thường. “Hàng hóa vẫn đảm bảo. Đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, lương thực. Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân có nhu cầu”, bà Nguyệt cho biết.
Để ứng phó với bão số 9 dự kiến có cường độ rất mạnh, cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký công văn triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9, ghi rõ “người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ 00 phút ngày 27.10 cho đến khi có thông báo”.
Bình luận (0)