Về miền Tây ăn đu đủ đâm độc đáo ngon hơn Sài Gòn

24/11/2019 11:33 GMT+7

Mỗi khi có dịp về Tri Tôn, An Giang, người ta phải tìm ăn bằng được món đu đủ đâm độc đáo ở nơi đây, với công thức chẳng đâu có vì có cả ba khía, mắm ruốc và hột vịt, thịt nướng.

Đu đủ đâm Rina

Chẳng biết từ bao giờ, cái phum sóc nhỏ PhômPi thuộc huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang bỗng trở nên đông đúc tấp nập vào mỗi buổi chiều. Người ta kéo nhau đến đây chỉ vì một món ăn khá độc đáo: Đu đủ đâm.
Rồi cũng chẳng biết từ bao giờ, món đu đủ đâm từ một sóc nhỏ, lại có sức lan toả mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, xuất hiện tại những hàng quán lớn ở Sài Gòn. Nhưng ít ai biết được nguồn gốc chính thức của nó bắt nguồn từ đâu.
Ban đầu cả sóc PhômPi chỉ có hai quán bán món này thôi, cả hai quán đều không có tên và cũng ít ai quan tâm đến món ăn này lắm, thỉnh thoảng chỉ có những lứa học sinh rủ rê nhau đi ăn sau những giờ trống tiết.

Nguyên liệu của món đu đủ đâm An Giang

Thịt xiên nướng hấp dẫn

Quán được mọi người ghé ăn nhiều nhất là đu đủ đâm Rina, cách đặt tên quán của người Khmer nơi đây đơn giản chân chất lắm, bán món gì thì đặt tên quán là món đó, để mọi người dễ nhớ dễ gọi.
Dần dần theo sự truyền miệng giới thiệu của những tính đồ cuồng chân cuồng ăn thích khám phá chia sẻ, món ăn này dần trở thành một đặc sản nhất định phải thử khi đến Tri Tôn- An Giang.
Món ăn này thú vị ở chỗ, nó gây tranh cãi và tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều đối với dân sành ăn. Người ăn được thì cảm rất ngon, thấy ghiền mỗi khi nghe ai đó nhắc đến, còn người ăn không được thì thấy cũng bình thường thôi có gì đâu mà tung hô dữ vậy. Giống như người ăn được bún đậu mắm tôm thì khen ngon, còn không ăn không được thì chê thối.

Đu đủ đâm của người Khmer

Món ăn này có nguồn gốc từ Campuchia, do người Khmer tạo ra. Thoạt nhìn, mọi người sẽ nghĩ nó giống món gỏi Son Tum của Thái Lan, nhưng Son Tum thì chua và cay hơn, còn đu đủ đâm thì vị mùi vị ngọt hơn dễ chịu và dễ ăn hơn.
Đu đủ đâm có sự biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Linh hồn của món ăn nằm ở loại mắm được cho vào đâm với đu đủ, ban đầu tôi nghĩ món này nơi nào cũng giống nhau.

Thịt nướng thơm và độc đáo

Nhưng khi ăn thử một đĩa đu đủ ở Sài Gòn rồi, thì đây không phải là cái mùi vị quen thuộc của món đu đủ đâm. Nó đúng kiểu mùi vị đặc trưng, ăn là nhớ mãi không nơi đâu thay thế được.
Nhưng có một điều không thể chối cãi là một khi đã ghiền thì sẽ dẫn đến nghiện cái hương vị chua chua cay cay, giòn giòn của sợi đu đủ, màu sắc hấp dẫn như một bản phối màu của các nguyên liệu kết hợp lại với nhau, màu vàng của đu đủ, màu xanh lá của các loại rau, màu tím của ba khía, màu đen của mắm ruốc, màu đỏ của thịt nướng và ớt, màu trắng của hột vịt.
Tất cả hoà trộn lại với nhau tại thành đĩa đu đu đâm đặc sản của sóc PhômPi, Tri Tôn.
Cũng từ ngày món đu đủ đâm được nhiều người biết đến, đời sống của người dân nơi đây cũng phát triển hơn trước. Câu nói vui chúng tôi hay ghẹo chủ quán nơi đây là “bán đắt vậy vàng đeo sao hết”, “chừng nào cất nhà lầu”, chủ quán trả lời chân chất: “Bán có lời bao nhiêu đâu chú ơi, biết chừng nào mới cất được nhà lầu”.
Ngoài công việc đồng áng, người Khmer trong sóc PhnomPi này có thêm nguồn thu nhập thu nhập từ món ăn đu đủ đâm độc đáo này.
Từ những quán lụp xụp của vài năm về trước, nay đã thành trở thành những quán khang trang, tiếng gọi món, tiếng tính tiền, tiếng xe của người vừa đến, tiếng xe của người rời đi làm huyên náo cả sóc nhỏ huyện miền núi Tri Tôn, An Giang.

Gỏi Thái Ty Thy ngày cao điểm bán gần 1 tạ đu đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.