Vé số 'năm Covid': Đời vé số Sài Gòn những lần ôm mặt khóc vì bị 'cướp' sạch

29/11/2020 13:05 GMT+7

Cuộc sống quê nhà cực chẳng đã, họ mới rời quê hương vào TP.HCM cặm cụi sớm hôm bán vé số, nhiều lần đối mặt với việc bị giật số, cạo sửa vé, tiền giả, mất trắng, họ chỉ biết ôm mặt rưng rức khóc.

Những người bán vé số quê Phú Yên ở Sài Gòn cặm cụi sớm hôm mong kiếm đồng tiền mưu sinh qua ngày hay đơn giản chỉ là tiết kiệm để lo lúc ốm đau tuổi già.
Vậy nhưng, công cuộc bán vé số của họ chẳng hề suôn sẻ. Nhiều thanh niên trai tráng, sức dài vai rộng vẫn tìm cách giật số, dùng vé số cạo sửa lừa tiền hoặc tiền giả, thậm chí là thôi miên để lột sạch tài sản của những thân phận khốn khổ này.

Vạch chiêu mua ủng hộ

Chiều Sài Gòn mưa tầm tã, trong căn nhà vé số xập xệ ở gần chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) gần 20 con người ngồi cạnh nhau nói chuyện rôm rả với chất giọng “nẫu” đặc sệt nghe vừa gần gũi, vừa thân thương. Đó là giờ tập trung đông đủ hiếm hoi của đại gia đình. Mọi người đang đếm số, cúng số trước khi đi bán buổi đêm. Câu chuyện của tình đồng hương, tình đồng nghiệp như át hẳn tiếng mưa ngoài trời.

Căn nhà vé số của những người quê Phú Yên, chật chội nên nhiều người ngồi ăn ở ngoài đường cho thoáng mát

Ảnh: Vũ Phượng

Vừa đặt câu hỏi về chuyện người bán vé số bị lừa, tôi nghe được tiếng thở dài của cả nhà: “Quơ đủ chuyện, tiền giả, vé số cạo, thôi miên, thứ chi cũng có”. Vừa nói, bà Nguyễn Thị Hương (74 tuổi) vừa đưa cuốn sổ dò vé số có kẹp tờ tiền 500.000 đồng nhàu nhĩ trong tấm bìa ni lông về phía tôi.
Bà kể, độ 5 hôm trước, thay vì đi lòng vòng mời số, bà mỏi chân và mệt nên đứng bán ở cây xăng nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, thấy ai vô đổ xăng cũng mời. Về nhà, kiểm tiền đưa cho chú Tiến (người lấy số cho cả nhà) thì mới biết đó là tiền giả.
“Hôm đó tôi bị 2 tờ 500.000 đồng giả, trời ơi chỉ biết ôm mặt khóc chứ biết gì nữa đâu. Người ta vô mua thì cứ nói mua ủng hộ bà 10 tờ, 20 tờ, mình cầm tiền mừng quá có kiểm tra gì đâu. Mà có kiểm chắc cũng không ra được vì tối mắt mũi lèm kèm, tay thì chai cả rồi nên xoa tờ tiền cũng không thấy gì bất thường hết ráo. 1 triệu đó là xem như một tuần đi bán không công”, nói rồi bà Hương kéo vạt quần lên lau nước mắt.

Bà Hương khóc kể lại chuyện bị lừa tiền giả

Ảnh: Vũ Phượng

Mọi người xung quanh thấy vậy liền chọc vài câu để bà cười cho quên đi. Sụt sịt bà kể tiếp, lúc nhận tiền của người mua đó đều là tờ 500.000 đồng mới cứng, về nhà mọi người nói mới thấy tiền dày hơn, hai miếng polyme trong thì bong ra sau vài lần vò tờ tiền.
Câu chuyện được bà kể với vài người “bạn nghề” trên đường đi bán. Một hôm, có thanh niên kia nghe được, đã đổi giúp bà một tờ 500.000 thật để lấy tờ 500.000 đồng giả kia. Còn một tờ, bà vẫn kẹp trong sổ dò số để tự nhắc mình phải cẩn thận hơn.

Mặc đẹp đi giật vé số

Hai năm trước, bà Đào Thị Lựu (60 tuổi) cùng ông Hoàng Long (57 tuổi) - người hàng xóm mắt mờ bẩm sinh ở H.Tuy An, Phú Yên vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh sau nhiều năm làm nông ở quê.
Hằng ngày, bà đi trước dẫn đường, ông Long đi sau, tay vịn vào vai bà Lựu cùng nhau đi bộ từ Q.1 sang Q.7 để bán. Chỉ tiêu của 2 người là mỗi ngày phải bán hết 300 vé, tiền lời chia đôi. Hôm nào ôm số hoặc bị mất số thì hai người chia nhau... đền.

Mỗi lần bị giật số, bà Lựu và ông Long chỉ biết nhìn nhau khóc

Ảnh: Vũ Phượng

Thấy cảnh hai người dắt díu nhau đi bán vé số vậy, nhưng cũng có người đành lòng lừa giật mất vé số. Chuyện xảy ra chỉ 3 ngày trước, khi hai người đi đến một con hẻm ở Q.7 thì một thanh niên đi xe tay ga, ăn mặc lịch sự dừng lại hỏi mua vé số.
“Ảnh nói tôi là rút bán cho ảnh 5 hay 10 tờ gì cũng được. Lựa lúc tôi đang đếm số, ảnh hỏi tôi có tiền thối không vì ảnh có tờ 500.000 đồng thôi. Tôi nói mới bán chưa đủ tiền thối, ảnh kêu tôi xê xê qua chỗ rộng để ảnh đậu xe. Nào ngờ cầm xấp vé 50 tờ ảnh chạy mất tăm. Hai chị em tôi cứng họng, không biết la sao hay đuổi theo sao nữa”, bà Lựu buồn bã nhớ lại.

Người bán vé số cực khổ luôn đối mặt nhiều tình huống trớ trêu từ những người sức dài vai rộng

Ảnh: Vũ Phượng

Đó không phải là lần đầu hai người bị giật vé số mất 2 ngày công. Trước đó, bà Lựu và ông Long cũng từng bị giật 1,4 triệu tiền vé số trên cầu Rạch Ông, bữa thì 700 ngàn tiền số ngay cầu Nguyễn Văn Cừ.
Bà Lựu tâm sự: “Thấy bị giật số, hai chị em không ai nói được tiếng nào, ngồi đó khóc ngon lành. Mấy người đi ngang chứng kiến thương tình cho vài chục, một trăm để chúng tôi bù tiền số. Sài Gòn có cái an ủi là như vậy, trời thương, người thương”.

Mời chai nước dở, cướp trắng 93 tờ vé số

Cũng trong căn nhà này, bà Trần Thị Tuyết (53 tuổi, H.Tuy An) hằng ngày chở dì của mình là bà Lê Thị Hương (85 tuổi) đi bán ở khu vực Q.8. Bà Hương bị cụt một chân nên vào quán nào cũng bò lê lết đi mời khách, bà Tuyết cũng bán ở quán gần đó để chạy qua chạy lại.
Theo lời bà Tuyết, bà Hương tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng vẫn phải đi bán vì không muốn phụ thuộc vào con cái. Bà Hương chỉ có 1 người con trai duy nhất nhưng bệnh tật liên miên, con dâu từng bị bò đá gãy chân nên cũng không thể làm lao động trụ cột trong nhà.

Bà Tuyết cùng người dì của mình thường xuyên bị giật số mỗi khi để dì bán một mình

Ảnh: Vũ Phượng

Vì thế, bà Hương đi bán còn gửi ngược tiền về cho con cái có tiền lo cho cuộc sống, điều trị bệnh. Vậy nhưng, việc đưa dì đi bán vé số nhiều hôm khiến bà Tuyết trào nước mắt vì bị giật số liên tục.
Bà Tuyết thở dài: “Có bữa mất liên tục cả tuần. Mất mà tôi muốn nghỉ không muốn bán luôn vì mệt mỏi quá, không có đồng lời, mà về còn bỏ tiền túi vô nữa. Nghỉ được một hôm, đi bán lại thì bà lại bị giật mất 93 tờ nữa. Hai dì cháu lại chia đôi bỏ tiền túi ra đền, đau lòng lắm”.
Bà Hương kể, hôm đó một nam thanh niên đến đưa bà chai nước đã mở nắp, mời bà uống nên bà cứ cầm đó vì sợ đổ, đưa cả xấp vé số cho người này lựa. Thấy bà già cụt chân, đi lại khó khăn, người này lên xe rồ ga chạy mất hút.
Bà Hương sợ chẳng dám la, mà cũng không dám nói với bà Tuyết. Mãi sau bà Tuyết thấy bà chỉ còn cầm xấp vé số ít ỏi vài tờ nên gặng hỏi mới biết. “Bữa đó tôi chở dì về luôn, rồi về dì nằm không ăn uống gì. Chứ suy sụp vậy rồi đi bán cũng có bán được nữa đâu mà”, bà Tuyết nói.

Cạo sửa tinh vi

Vừa vào Sài Gòn đi bán vé số được 2 tháng, bà Trần Thị A (37 tuổi, mẹ đơn thân quê Phú Yên) cũng chịu một cú “sốc” khi nhận lại 3 tờ vé số từ công ty xổ số kiến thiết Bến Tre. Đây là 3 tờ vé bà đã bỏ tiền túi ra đổi lấy 300.000 đồng cho một thanh niên khoảng 25 tuổi trước đó.

Số 1 cuối cùng bị sửa thành số 4

Ảnh: Vũ Phượng

Vé chuyển sang đại lý cũng không nhận ra, phải tới khi chuyển vé số lên công ty thì mới bị phát hiện

Ảnh: Vũ Phượng

Bà A kể, ngày 5.8 bà đi bán ở khu Âu Dương Lân (Q.8) thì có nam thanh niên ngồi quán cà phê, ăn mặc lịch thiệp gọi vào hỏi mua số. Hỏi một lượt không có số ưng ý, người này làm giọng sẽ mua ủng hộ vài tờ.
Nghe mát ruột, bà A đưa hết xấp vé số để anh chàng kia lựa. Sau khi lựa được 5 tờ, nam thanh niên hỏi bà có đổi vé số trúng không. Bà hỏi giải, sờ túi cũng đủ tiền nên đồng ý đổi, trừ tiền 5 tờ vé mới, bà A đưa lại cho khách 250.000 đồng.
Bà A tâm sự: “Về tôi gửi vé số đi đại lý, đại lý gửi lên công ty, công ty mới phát hiện vé cạo sửa nên đóng dấu rồi trả về lại. Lúc đó tôi nhìn kỹ mới thấy tờ vé số đuôi 41 bị sửa thành 44”.
Cầm tờ vé số trên tay, thoạt nhìn qua tôi cũng không thể nhận ra đây là vé số cạo sửa vì người sửa đã dùng mực đỏ giống hệt màu mực in số và gạch sửa số 1 thành số 4 cũng hệt như thật.

Hai tờ 500.000 đồng nhìn y như thật được dùng để mua vé số lúc chập choạng tối nhằm lừa những người bán già cả

Ảnh: Vũ Phượng

“Người bán có quyền từ chối không đổi số cho khách nhưng tôi mới bán, sợ bị khách la, với họ có mua ủng hộ nên phải đổi. Ngày bán có trăm mấy mà lừa một lần 300.000 đồng, chảy nước mắt luôn”, bà A sụt sịt nhắc.
Ngoài các chiêu lừa trên, hai người trong căn nhà vé số này còn từng bị thôi miên cướp sạch cả vé số lẫn tiền bán nên giờ ai đi bán cũng phải mang theo tỏi phòng hờ.
Bà Nguyễn Thị Nhị (69 tuổi) kể có một lần đi bán, bà chỉ nhớ được mang máng là tiếp xúc với một người phụ nữ mập, tóc ngắn ở đường Cao Đạt (Q.5) sau đó đầu óc xoay mòng mòng bà không biết gì nữa.
Hôm đó, bà Nhị được người dân đưa về nhà trọ và phải có người kẹp đằng sau. "3 ngày trời nằm mơ mơ say say, khi tỉnh lại người trong nhà kể tôi về nhà không nói năng gì. Người dân chở về nói bị mất sạch số rồi, lúc đó kiểm tra và nhớ lại tôi mới biết mình mất hết 4 triệu tiền số và tiền bán”, bà kể.
Không chỉ bà Nhị, ông Hai (82 tuổi) bị cụt chân, đi bán vé số nuôi vợ tâm thần ở quê cũng từng khiến cả nhà đổ xô đi tìm khi thấy ông bán vé số mãi không về. Lúc tìm được, ông Hai trong trạng thái thất thần, chiếc giỏ vé số sạch trơn, mất hết tiền bạc, vé số và cả CMND… Đợt đó, con của ông Hai phải từ quê vào để đón ông về nghỉ ngơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.