Ngay khi TP.HCM công bố giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, tôi đã có những liên hệ với thực tế về việc triệt để áp dụng giãn cách xã hội tại Singapore. Quốc đảo này đã thành công khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất vì dịch Covid-19 vào năm ngoái và duy trì được trạng thái “bình thường mới” trong suốt một thời gian dài. Với thời gian dài sinh sống, học tập và làm việc tại Singapore, rồi về Việt Nam và dừng chân ở TP.HCM, tôi thấy hai nơi có nhiều điểm tương đồng.
Ngăn Covid-19 "leo thang"
Trong hơn 2 tháng kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4 vừa qua, đến nay số ca nhiễm ở TP.HCM đã vượt ngưỡng 10.000 ca. Cũng với khoảng thời gian tương tự, “quốc đảo sư tử” - nơi dân số chỉ bằng một nửa của Sài Gòn - có tới hơn 62.000 ca. Ngay lập tức, các biện pháp giãn cách đã được gấp rút ban hành và áp dụng rất quyết liệt.
|
Từ ngày 7.4.2020, Singapore bước vào thời kỳ “ngắt mạch” (circuit breaker), nhằm ngăn chặn tình trạng ca nhiễm Covid-19 leo thang. Trong thời gian này, người dân được khuyến khích ở nhà. Việc tụ tập trên 10 người ngoài giờ làm việc và trường học đều bị cấm. Các trường học chuyển sang hình thức học tập tại nhà.
Chỉ những địa điểm sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu mới được phép hoạt động và phải gửi kế hoạch chi tiết về website của chính phủ. Các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được phép cung cấp dịch vụ mang đi và giao hàng tận nơi. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc và khẩu trang tái sử dụng cũng được phân phát cho tất cả các hộ gia đình.
Ở Singapore các bậc cha mẹ làm việc trong các cơ sở dịch vụ thiết yếu tại Singapore có thể gửi con đến trường mầm non và trường tiểu học.
Việc giãn cách được thực hiện gắt gao trong 2 tháng và nới lỏng dần theo ba giai đoạn: "Mở lại An toàn" (giai đoạn 1 - từ ngày 2.6.2020), "Chuyển tiếp An toàn" (giai đoạn 2 - từ ngày 19.6.2020) và cuối cùng là "Quốc gia An toàn" (giai đoạn 3 - từ ngày 28.12.2020).
Sau nửa năm kể từ khi bắt đầu giai đoạn 3, ngày 4.5.2021, Singapore phát hiện thêm ca mắc Covid -19 trong cộng đồng. Ngay lập tức, một số biện pháp giãn cách lại được nhanh chóng áp dụng như cấm ăn uống tại các quán ăn, chỉ tụ tập tối đa 2 người ở nơi công cộng, nhân viên phải làm việc ở nhà, các trường học đều đóng cửa… Trong một tháng kể từ đó, số lượng các ca mắc giảm xuống nhanh chóng.
Vắc xin và vắc xin
Tất cả những nỗ lực được xây dựng trong năm qua đã giúp Singapore không còn cần đến “circuit breaker” để ngăn chặn đại dịch, cho phép các doanh nghiệp và người dân trở lại hoạt động bình thường.
Kết quả đáng mừng này cũng nhờ vào nỗ lực tiêm vắc xin cho người dân của chính phủ “đảo quốc sư tử”. Vắc xin được tiêm miễn phí, tự nguyện, được ưu tiên cho nhân viên y tế và người cao tuổi trước (áp dụng tiêm theo độ tuổi).
|
Đến nay đã có hơn 50% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên và khoảng 38% được tiêm cả hai liều. Nhờ thế, dù virus vẫn đang lưu hành trong cộng đồng, Singapore vẫn tự tin lên kế hoạch mở cửa với quốc tế cuối năm nay và tôi thì rất vui vì sắp được trở về “quê hương”.
Vị Thủ tướng mà tôi và rất nhiều người dân Singapore rất kính trọng, ông Lý Hiển Long cho biết, chiến lược ba mũi nhọn hiện nay là tiêm chủng, truy tìm tiếp xúc và xét nghiệm. Tiêm chủng là mũi nhọn quan trọng trong chiến lược ngăn Covid-19 dài hạn của Singapore, trong khi truy tìm tiếp xúc có thể là “mắt xích” yếu nhất, vì nó phụ thuộc vào ý thức chung của mỗi người.
Bên cạnh đó, Singapore đã cấp phép bán rộng rãi bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các hiệu thuốc để tự xét nghiệm ngay tại nhà, đồng thời, sản xuất thành công máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở cho kết quả trong vòng chưa đầy một phút. Các công cụ xét nghiệm này có thể triển khai tại các hội nghị, sự kiện tập trung đông người, giảm bớt căng thẳng về năng lực kiểm tra từ phía chính phủ.
Còn nhớ thời điểm Singapore lại phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vào tháng 5.2021, lệnh giãn cách lại được áp dụng. Người dân Singapore cũng giống như người dân TP.HCM hiện tại, vô cùng hoang mang. Họ đổ xô đến các cửa hàng, siêu thị, chen lấn để tích trữ đồ ăn, đồ gia dụng. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ nỗi sợ bị mắc kẹt ở nhà không có giấy vệ sinh hay đồ ăn còn khiến họ lo hơn nguy cơ nhiễm virus?
Chúng ta đều hiểu việc giãn cách, “ngắt mạch” hoạt động của xã hội sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tôi thường xuyên trao đổi với các doanh nhân Việt kiều. Tôi mong rằng chính quyền thành phố sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, cung cấp khẩu trang, hướng dẫn các doanh nghiệp khử trùng nơi làm việc, xử lý mạnh tay các thông tin giả gây hoang mang dư luận.
Người dân là tuyến phòng thủ đầu tiên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh, tuân theo các quy định chính quyền. Trách nhiệm xã hội là rất quan trọng trong việc làm chậm và ngăn sự lây lan của Covid-19 ngay lúc này.
Bình luận (0)