Việt kiều Mỹ lan tỏa tình yêu thương chống Covid-19: Để hình ảnh đất Việt mãi đẹp

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh
31/05/2020 09:42 GMT+7

Anh Tâm Nguyễn cùng nhóm bạn người Mỹ gốc Việt đã quyên tặng dụng cụ bảo hộ y tế và kêu gọi các nhà hàng Việt hỗ trợ các nhân viên y tế, người gặp hoàn cảnh khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Như các Việt kiều Mỹ khác, anh mong nước Mỹ vượt qua đại dịch và cũng để quảng bá thêm hình ảnh đất Việt.

Những ông chủ ngành thẩm mỹ chung tay

Anh Tâm Nguyễn (46 tuổi, quê gốc ở Hà Nam) hiện là Giám đốc của Advance Beauty College tại Quận Cam, nước Mỹ. Anh cùng 4 người bạn của mình đã khởi xướng dự án “Nailing It For Health Care Workers” (từ ngày 1.5 đổi tên thành Nailing It For America) nhằm quyên tặng các thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế. Câu chuyện của anh Tâm Nguyễn và các bạn khiến truyền thông quốc tế  rất quan tâm trong những ngày này.

Gia đình anh Tâm Nguyễn

Tất cả 5 người cùng làm trong lĩnh vực thẩm mỹ, mở tiệm nails. Cùng thấy được nhu cầu sử dụng găng tay, khẩu trang của các nhân viên y tế quá lớn nên đã “càn quét” tất cả khẩu trang, găng tay họ còn và kêu gọi ủng hộ thêm từ khắp nơi trên nước Mỹ để tặng các bệnh viện.
Bên cạnh đó, anh Tâm Nguyễn còn kêu gọi sinh viên hỗ trợ bằng việc đưa khẩu trang đến các bệnh viện và vẽ các tấm thiệp cảm ơn nhân viên y tế đặt kèm trong các thùng gửi đi. Đó là cách động viên không mất phí nhưng mang lại hiệu quả tinh thần cao.
“Động lực mạnh nhất khi tôi bỏ công sức và tiền bạc để làm việc này là bản thân tôi đã từng làm việc một thời gian trong lĩnh vực y khoa, gia đình tôi cũng có nhiều người trong nghề y, họ đang phải đối mặt với nguy hiểm. Em vợ tôi là y tá phải dọn ra ngoài ở vì hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, bạn thân của tôi là y tá trưởng tại một khoa cấp cứu đã rất lo lắng khi thiếu khẩu trang, dù có tiền cũng không mua được. Và người nhà thứ 3 làm trong bệnh viện là em rể tôi. Vì vậy tôi làm việc này để vừa bảo vệ người nhà vừa hỗ trợ các “thiên thần áo trắng” tuyến đầu chống dịch”, anh Tâm Nguyễn nói với Thanh Niên.

Những dụng cụ bảo hộ được nhóm đưa đến tận tay các nhân viên y tế

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án “Nailing It For Health Care Workers” đã quyên tặng hơn 120.000 khẩu trang và hơn 300.000 đôi găng tay cùng các thiết bị bảo hộ khác tới hơn 70 bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão… tại Quận Cam và Los Angeles.
Anh Tâm Nguyễn chia sẻ: “Chúng tôi gặp khó khăn khá nhiều, đầu tiên là sự hoang mang, xuống tinh thần của nhiều người khi nghe thông tin số lượng người nhiễm, tử vong, tốc độ các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Bên cạnh đó là việc rất nhiều người gọi chúng tôi để cầu cứu khiến chúng tôi rối rắm. Đồng thời khẩu trang N95, KN95 trong thời gian này cực kỳ khan hiếm nên chúng tôi phải huy động lực lượng sinh viên, giáo viên và nhân viên tiệm nails cùng may khẩu trang vải để gửi tặng”.
Với số lượng dụng cụ bảo hộ còn giữ từ tiệm nails của anh Tâm Nguyễn và gia đình anh Johnny Ngo, họ có thể bán ra thị trường để thu về hơn 3 triệu đô la Mỹ (hơn 70 tỉ đồng). Nhưng họ đã không làm như vậy, bởi với họ điều ý nghĩa hơn cả là chia sẻ tấm lòng với những người tuyến đầu chống dịch.

Những người bạn của anh Tâm Nguyễn

Quảng bá hình ảnh đất Việt

Dự án “Nailing It For Health Care Workers” bao gồm 5 doanh nhân trong ngành thẩm mỹ là Christie Nguyen, Ted Nguyen, Tam Nguyen, Johnny Ngo, Hallie Duong. Mỗi người có một nhiệm vụ riêng, trong đó anh Tâm Nguyễn phụ trách mảng đối ngoại.
Song song với việc quyên tặng dụng cụ bảo hộ y tế, dự án tiếp tục kêu gọi các nhà hàng Việt tại Mỹ ủng hộ những suất ăn cho các nhân viên y tế. Bởi vì, sự gia tăng không ngừng số lượng bệnh nhân đồng nghĩa với việc những nhân viên y tế không có thời gian và sức lực để chuẩn bị những bữa ăn cho chính mình.

Gửi kèm theo dụng cụ bảo hộ đến các bệnh viện là những tấm thiệp cảm ơn tạo động lực cho nhân viên y tế

“Các nhà hàng dù khó khăn thì chỉ khó khăn tạm thời về kinh tế nhưng nhân viên y tế thì khác, họ cống hiến sức khỏe và sinh mạng để cứu người. Khi chúng tôi kêu gọi các nhà hàng cùng chung tay, chúng tôi phát hiện ra lòng nhân ái của người Việt thật đáng kính nể", anh Tâm Nguyễn chia sẻ.
"Bình thường các nhà hàng có thể cạnh tranh nhau nhưng bây giờ họ đã ngồi lại để giúp nhau và giúp những người khó khăn. Hình ảnh nhà hàng và một số gia đình Việt thức khuya làm đồ ăn để trả ơn cho những người tuyến đầu khiến chúng tôi xúc động và có thêm động lực để tiếp tục làm thiện nguyện”, anh Tâm Nguyễn trải lòng.

Nhân viên y tế bệnh viện nhận đồ ăn

Nhiều món ăn gốc Việt được nhóm và các nhà hàng chế biến tỉ mỉ và gửi đi. Bằng cách này, tấm lòng nhân ái của những người con gốc Việt được lan tỏa và ẩm thực Việt cũng được quảng bá rộng hơn đến bạn bè quốc tế.
“Món ăn mình gửi tặng đa phần liên quan đến ẩm thực của người Việt Nam. Một số người ăn nem, chả giò đã nói rằng cả đời họ chưa bao giờ ăn món nào ngon như thế. Có người còn khẳng định sẽ đến nhà hàng Việt Nam thưởng thức ngay khi hết dịch vì đồ ăn Việt quá ngon, quá ấn tượng. Một số y bác sĩ xúc động gửi lời cảm ơn vì đồ ăn miễn phí nhưng luôn đảm bảo chất lượng và trang trí đẹp mắt”, anh Tâm Nguyễn nói thêm.

Các y bác sĩ đến từ nhiều quốc gia, họ rất biết ơn vì những bữa ăn miễn phí giàu tình người

Anh Việt Phạm (38 tuổi, chủ nhà hàng The Recess Room) cho biết nhà hàng anh đã hỗ trợ hơn 7.000 bữa ăn cho nhân viên y tế, người cao tuổi không nơi nương tựa, người khuyết tật.
“Mẹ tôi là đội trưởng nấu các món ăn Việt tại nhà hàng chúng tôi, chúng tôi thường nấu các món như cơm gà nướng, bún riêu, phở áp chảo, cơm gà hai nắm, bún bò Huế, cơm bì chả chay… Người được tặng đã rất yêu thích các món Việt, vì đặt logo và số điện thoại lên vỏ ngoài thực phẩm nên chúng tôi đã nhận được các cuộc gọi hỏi về công thức, cách làm từ những người đã ăn”, anh Việt chia sẻ.

Những món ăn không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn được trang trí rất đẹp mắt

Mỗi năm anh Tâm Nguyễn cùng gia đình về thăm quê hương từ 2 - 3 lần. Với anh, về nước chủ yếu là để thăm bố, thăm bà con và để thưởng thức những nét văn hoá, ẩm thực của Việt Nam mà anh chưa được thưởng thức vì sang Mỹ từ nhỏ.
“Tôi yêu văn hoá, ngôn ngữ, ẩm thực Việt. Sống ở Mỹ nhiều năm, tôi thưởng thức nhiều điều mới lạ nhưng khó có thể tìm được điều gì độc đáo, thú vị như những nét văn hoá Việt, đặc biệt là ẩm thực vỉa hè, đường phố”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.