Đối tác then chốt của Ý ở ASEAN

Ngô Minh Trí
(thực hiện)
23/07/2023 06:53 GMT+7

Ngày 22.7, Thanh Niên đã phỏng vấn chuyên gia Fabio Figiaconi (nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Tự do Brussel - VUB, Bỉ) xoay quanh quan hệ Việt Nam - Ý.

Đối tác quan trọng nhất của Ý ở ASEAN - Ảnh 1.

Ông Fabio Figiaconi

NVCC

Ông Fabio Figiaconi là chuyên gia có nhiều nghiên cứu về quan hệ của Ý và nhiều nước châu Âu với các nước Đông Nam Á, từng có thời gian làm việc tại Phòng Thương mại Ý ở TP.HCM.

Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam - Ý trong thời gian qua?

Mối quan hệ hai nước đã có từ lâu và được nâng lên cấp độ "đối tác chiến lược" từ năm 2013. Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi tin rằng Ý luôn xem Việt Nam là một trong những đối tác có giá trị nhất ở Đông Nam Á. Hai bên liên kết kinh tế mạnh mẽ và bền vững khi việc Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Ý trong khu vực ASEAN.

Nền kinh tế Ý và Việt Nam đã bổ sung cho nhau. Trong 20 năm qua, Việt Nam trở thành điểm tham chiếu cho các doanh nghiệp Ý, với nhiều nhà sản xuất quan trọng của Ý đã hoạt động tại Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,2 tỉ USD là con số kỷ lục từ trước đến nay. Theo đó, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020, là một nền tảng quan trọng để củng cố và mở rộng các liên kết thương mại và kinh tế của nhau.

Bên cạnh kinh tế và thương mại, hai nước cũng hợp tác rất tốt trong lĩnh vực ngoại giao và văn hóa. Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh rằng hợp tác trong lĩnh vực tư pháp giữa hai nước cũng đã có một bước tiến đáng kể gần đây, khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ý Carlo Nordio và đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, mới đây đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác song phương giữa hai nước.

Đối tác quan trọng nhất của Ý ở ASEAN - Ảnh 2.

Đại diện Việt Nam đón đoàn chiến hạm ITS Morosini của hải quân Ý cập cảng Bến Nhà Rồng vào tháng 5.2023

ĐSQ Ý

Vậy Việt Nam có thể đóng góp như thế nào trong việc tăng cường quan hệ giữa Ý với ASEAN?

Ở cấp độ kinh tế, Việt Nam có thể được coi là "cửa vào" của Ý tại thị trường ASEAN. Vị trí chiến lược của nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN khiến Việt Nam trở thành một đối tác không thể thiếu của Ý.

Bên cạnh đó, gần đây Ý đã đạt được quan hệ "đối tác phát triển" của ASEAN. Điều này có thể mở đường cho các sáng kiến hợp tác chung thú vị mới trong khuôn khổ ASEAN về các lĩnh vực như: an ninh mạng, hàng hải, kinh tế kỹ thuật số và năng lượng sạch…

Ngoài quan hệ song phương, Việt Nam là một phần của ASEAN, Ý là một phần của Liên minh Châu Âu. Do đó, mối quan hệ hỗ tương giữa hai định chế khu vực mà hai nước là thành viên có thể tạo thêm cơ sở để Ý và Việt Nam phối hợp lập trường về các vấn đề cùng quan tâm và hợp tác trên cơ sở đặc biệt trong các tổ chức quốc tế như LHQ.

Việt Nam - Ý có thể tăng cường quan hệ như thế nào trong thời gian tới?

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã tuyên bố rằng quan hệ giữa hai nước "bén rễ bền chặt trong lịch sử", đồng thời "tin tưởng hướng tới tương lai". Tôi tin rằng điều này định hình tốt vấn đề quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào.

Vì Ý rất có thể sẽ tiếp tục tăng cường can dự và hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai gần, nên Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những đối tác tham vấn chính.

Một lĩnh vực hợp tác đặc biệt thú vị mà chưa khai thác hết tiềm năng là quốc phòng. Hai nước đã tổ chức Đối thoại chính sách và quốc phòng. Cả Ý và Việt Nam đều cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ vốn là nền tảng cho sự ổn định trong khu vực ASEAN. Mới đây, Ý cử chiến hạm ITS Morosini đến Đông Nam Á và đã cập cảng TP.HCM vào tháng 5 năm nay.

Dựa trên cam kết ngày càng tăng và sự hợp tác quốc phòng đang được tăng cường, hai nước có thể mở rộng hơn nữa và thể chế hóa hợp tác an ninh và quốc phòng ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng hơn, mà cả hai bên đều coi là khu vực chiến lược quan trọng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.