Đối thoại toàn cầu ASEAN chia sẻ nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao

Mai Hà
Mai Hà
13/11/2022 11:53 GMT+7

Các nước ASEAN và các đối tác, tổ chức quốc tế chia sẻ nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao, bất ổn tiền tệ - nợ công; đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng - lương thực...

Sáng 13.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên Đối thoại toàn cầu ASEAN lần 2 tại Phnom Penh (Campuchia), với chủ đề “Phục hồi toàn diện sau Covid-19”.

Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác và các tổ chức quốc tế, gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Viện nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đối thoại toàn cầu ASEAN lần 2 sáng 13.11

nhật bắc

Tại đối thoại, các nhà lãnh đạo đã trao đổi những góc nhìn đa chiều về triển vọng, thách thức của kinh tế toàn cầu, các tác động đến khu vực và chia sẻ tầm nhìn, định hướng phát triển của ASEAN nhằm bảo đảm phục hồi toàn diện và thiết lập nền tảng cho phát triển bền vững, tự cường và bao trùm.

Nhiều ý kiến chia sẻ đánh giá môi trường kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng thách thức, đan xen các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát cao, bất ổn tiền tệ - nợ công, đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng - lương thực, các vấn đề về dịch bệnh, môi trường, khí hậu… Trong bối cảnh đó, ASEAN đã và đang khẳng định năng lực tự cường bền bỉ với nền tảng vĩ mô ổn định, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đoàn kết, chung tay giải quyết các thách thức chung; bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong dài hạn; tranh thủ tối đa các cơ hội phát triển mới từ tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kết nối số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng bao trùm…

Các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết và phối hợp với ASEAN trong phục hồi kinh tế, thực hiện các chương trình nghị sự phát triển thông qua hỗ trợ tài chính, công nghệ, kỹ thuật…

Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Viện nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA)…

nhật bắc

Phát biểu tại đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh môi trường bên ngoài nhiều rủi ro, ASEAN tiếp tục là điểm sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhờ có tinh thần hợp tác và đoàn kết của Hiệp hội.

Thủ tướng cũng đề xuất một số định hướng hợp tác ưu tiên, trong đó nhấn mạnh bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa tăng trưởng, lạm phát và việc làm, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định chuỗi cung ứng sau đại dịch thông qua đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, thuận lợi hoá thương mại, thủ tục hải quan...

Đối thoại toàn cầu ASEAN lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan năm 2012 theo sáng kiến của nước Chủ tịch Campuchia. Đối thoại là dịp để các nhà lãnh đạo ASEAN, các đối tác và các tổ chức quốc tế thảo luận về các vấn đề khu vực, toàn cầu và tầm nhìn, ưu tiên, vai trò của ASEAN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.