Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Tại hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác với hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, ASEAN và Mỹ đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. Tổng thống Joe Biden khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Đồng thời, mong muốn phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN đẩy mạnh triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ vừa được thiết lập, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai bên, chung tay cùng ASEAN ứng phó hiệu quả các thách thức chung khu vực và toàn cầu.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Mỹ chiều 12.11 ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện |
Nhật Bắc |
Tổng thống Biden cũng công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho khu vực ASEAN trong năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai bên. ASEAN và Mỹ hoan nghênh những tiến triển hợp tác tích cực giữa hai bên thời gian qua, trong đó có những kết quả đáng khích lệ trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2021, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN, chiếm 23% trong tổng số vốn FDI vào khu vực.
Cùng với các nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, ASEAN cũng mong muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, đồng thời mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, chuyển đổi số...
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo nhiều nước
Hôm qua (12.11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Singapore. Tại cuộc gặp Phó tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác các lĩnh vực quốc phòng an ninh, hợp tác biển; tổ chức cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp VN - Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ vào đầu năm sau. Tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, ODA.
Gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Úc là đối tác chiến lược hàng đầu của VN tại khu vực. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nước này hỗ trợ VN xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số. Đánh giá cao những thành công và đóng góp thiết thực của các Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP), Thủ tướng đề nghị Singapore nhân rộng mô hình VSIP tại VN.
Chiều 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đại tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Chia sẻ định hướng phát triển quan hệ thời gian tới khi phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm hiện nay, ASEAN và Mỹ cần ưu tiên đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi bền vững sau đại dịch.
Khẳng định quan điểm nhất quán của VN là áp dụng mọi biện pháp tốt nhất hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng đề nghị Mỹ, với vị trí, vai trò, uy tín, kinh nghiệm và nguồn lực của mình, hỗ trợ ASEAN để hàng hóa được rộng mở vào thị trường Mỹ, đồng thời giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao vai trò quan trọng và các cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong thúc đẩy đoàn kết quốc tế và đề cao chủ nghĩa đa phương, chung tay đề ra những giải pháp toàn cầu để giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu. Đồng thời, Thủ tướng mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ ASEAN phát triển bền vững tiểu vùng Mê Kông thông qua Đối tác Mê Kông - Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10 |
MAI HÀ |
Thúc đẩy quy mô khối kinh tế hơn 1.000 tỉ USD
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 25, các lãnh đạo hoan nghênh kết quả triển khai đáng khích lệ của Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2018 - 2022, với gần 600 dự án trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa ASEAN với 3 đối tác +3 gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đạt 1.098 tỉ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác +3 đạt 32,65 tỉ USD, chiếm 25,4% lượng FDI vào ASEAN. Các lãnh đạo ASEAN+3 cũng nhất trí tập trung thúc đẩy mở cửa thị trường, sớm nối lại hoàn toàn giao thương, thúc đẩy tự do hóa thương mại...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý khởi động kế hoạch công tác 2023 - 2027 theo 3 trụ cột một cách thiết thực, hiệu quả; nhấn mạnh nối lại giao thương an toàn, mở lại nền kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, cần khai thác hiệu quả hơn nữa Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như thành lập Ban Thư ký RCEP.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19, các lãnh đạo hai bên đã chính thức thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tạo động lực quan trọng cho hợp tác hai bên ngày càng mở rộng và phát triển năng động.
Đề nghị Nhật hỗ trợ xây dựng đường sắt tốc độ cao
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 25, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định, hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản là một điểm sáng trong nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững của khu vực. Năm 2021, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại đạt 240,2 tỉ USD.
ASEAN và Nhật Bản nhất trí tập trung hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy phục hồi toàn diện. Nhật Bản cam kết hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực tự cường y tế. ASEAN mong muốn cùng Nhật Bản nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các nước ASEAN đã và sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao. Thủ tướng cũng mong Nhật Bản hỗ trợ ASEAN thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, ưu tiên phát triển hạ tầng chiến lược ở các nước ASEAN, nhất là phát triển đường sắt tốc độ cao.
Phó tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar nhấn mạnh ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông và là trọng tâm Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ. Hai bên nhất trí đảm bảo tính liên tục của dòng chảy thương mại và đầu tư, củng cố kết nối và tự cường chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi thương mại và hàng hóa, thực hiện hiệu quả Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Theo đó, đẩy mạnh tăng cường hợp tác biển bền vững, trong đó tận dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỉ USD mà Chính phủ Ấn Độ cam kết dành cho hợp tác biển với ASEAN...
Trong tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ASEAN và Ấn Độ cần phối hợp khai thác và phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh to lớn, đẩy mạnh đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa cho quá trình phục hồi, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc lần thứ 2, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Úc Anthony Albanese đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai bên vừa thiết lập cuối năm 2021. Các lãnh đạo ASEAN và Úc đã thông qua Tuyên bố hợp tác trên cơ sở Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Thủ tướng Úc chính thức đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Úc (1974 - 2024) tại Úc trong năm 2024.
Cùng ngày 12.11, tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN - Canada, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hoan nghênh những kết quả đạt được trong 45 năm đối thoại và hợp tác giữa ASEAN và Canada.
Bình luận