Thay vì độc thoại hoặc áp đặt quyết định của mình lên con cái, nhiều phụ huynh bắt đầu học cách đối thoại với con.
Sinh viên ngành tâm lý (phải) đóng vai con cái thực hành đối thoại với phụ huynh - Ảnh: Nguyễn Như
|
Từ câu chuyện ở ngã tư...
Trong buổi chia sẻ với phụ huynh tại Nhà thiếu nhi TP.HCM gần đây, thạc sĩ tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, kể về câu chuyện ông tình cờ nghe được khi dừng xe ở ngã tư lúc đèn đỏ. Tại đó, một đứa bé trên đường đi học về đã thuật lại với mẹ: “Mẹ ơi! Hôm nay cô giáo la tụi con quá trời”. Người mẹ bảo: “Chắc quậy quá chứ gì”. Đứa con nói: “Không phải đâu! Do bạn Long không làm bài tập, cô mắng cả lớp luôn”. Người mẹ đúc kết: “Vậy là phải quá rồi!”.
Ông Ngô Minh Uy cho rằng, nhiều phụ huynh có thói quen phán xét, quy chụp vội vã trong khi nói chuyện với con em mình, khiến đứa trẻ bị “cụt hứng”, không muốn chia sẻ thêm.
Đề cập khuynh hướng độc thoại của người lớn với trẻ, ông Uy nêu thêm dẫn chứng: Khi trẻ đánh nhau, phụ huynh thường hạch hỏi: “Tại sao đánh nhau?”. Trong lúc đứa trẻ luống cuống chưa biết giải thích thế nào thì phụ huynh tiếp tục lớn tiếng: “Có biết sai không?”. Đứa trẻ sợ hãi đáp: “Dạ”. Phụ huynh: “Lần sau không đánh nhau nữa nghe không?”. Đứa trẻ: “Dạ”. Ông Uy phân tích: “Trẻ nói dạ ở đây không phải là thừa nhận mình sai. Đó là do trẻ sợ bị đánh nên phát tín hiệu là nghe rồi mà thôi”.
Một trong những câu hỏi được thảo luận sôi nổi là: “Trẻ mang về nhà 10 điểm là chuyện bình thường. Nhưng nếu trẻ mang về 4 điểm thì sao?”. Một phụ huynh bày tỏ rằng bản thân ông thấy không hài lòng nếu con mình rơi vào trường hợp trên. Một phụ huynh khác cho hay bà sẽ hỏi con nguyên nhân vì sao bị điểm kém như vậy. Chuyên viên tham vấn tâm lý hỏi một em học sinh có mặt: “Nếu con bị điểm 4 thì sao?”. Cô bé trả lời: “Con thấy buồn chán”.
Ông Ngô Minh Uy lưu ý: “Một đứa trẻ khỏe mạnh khi nhận những đánh giá thấp kém thì nó cảm thấy đau khổ. Khi trẻ về nhà, phụ huynh không nên chửi mắng nó nữa vì điều đó chẳng khác gì đứa trẻ đang ở trong bùn, mình đạp nó xuống bùn sâu hơn nữa”. Ông Uy nhấn mạnh: “Phụ huynh có tâm lý la mắng để cho trẻ thấy quê, xấu hổ mà làm tốt hơn những lần sau. Thế nhưng, thực tế chứng minh là khi được khích lệ thì tỷ lệ thành công cao hơn là khi bị vùi dập”.
Vỡ ra nhiều điều
Theo ông Ngô Minh Uy, một cuộc đối thoại tích cực là cuộc trao đổi thông tin hai chiều, có sự hiểu biết cảm xúc bên dưới thông tin. Đặc biệt, chúng ta có thể trao đổi về những vấn đề tiêu cực hoặc khó khăn mà không tạo ra xung đột hoặc phá hủy niềm tin.
Ông Uy cho rằng có 3 yếu tố để tạo nên niềm tin: sự chính trực (nhất quán, trước sau như một); sự tôn trọng; sự quan tâm. Cũng theo ông Uy, những kỹ năng giúp cha mẹ có cuộc đối thoại hiệu quả với con là: lắng nghe (tập trung hoàn toàn vào người nói; tránh bị gián đoạn; tránh thái độ đánh giá, phán xét người nói; thể hiện sự quan tâm của bản thân); giao tiếp phi ngôn ngữ (đọc tín hiệu, gửi tín hiệu); kiểm soát căng thẳng; nhận thức về cảm xúc.
Các phụ huynh tham gia có dịp thực hành đối thoại tích cực với “con em” họ (do một số sinh viên ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đóng vai). Theo đó, một số vấn đề phụ huynh cho là khó xử, cũng được đưa ra đối thoại như: con cái bê trễ việc học do vướng vào chuyện tình cảm bế tắc; con có xu hướng muốn chuyển giới, thuyết phục mẹ chấp nhận thực tế…
Bà Mai (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) tâm sự trước nay thường dạy con theo kiểu truyền thống, tức là giống với cách dạy quen thuộc của những người ở quê của bà. Bà kể: “Tôi thường khuyên nhủ con chăm lo học hành cho có tương lai. Tôi bảo cháu, mẹ có lội xuống biển hay lên rừng mà con được học hành, cho gia đình nở mặt nở mày thì mẹ cũng làm... Tôi không ngờ con mình đang tuổi dậy thì, tâm lý thay đổi phức tạp. Nếu tôi quan tâm sâu sát, trò chuyện với con nhiều hơn thì có lẽ con tôi sẽ không sa sút việc học, nghiện game như bây giờ. Tình cờ đến với chương trình hướng dẫn kỹ năng đối thoại với con, tôi thấy vỡ ra nhiều điều trong việc giáo dục con”.
Ý kiến
Từ “đá xoáy” đến hiểu nhau
Đối thoại rất có lợi, giúp mình và người khác hiểu nhau hơn, tìm được điểm chung và thấy thoải mái. Mỗi lần mình cãi nhau với bạn, lúc đầu tụi mình đá xoáy, nói móc nhau, nhưng sau khi ngồi xuống nói chuyện bình tĩnh, tụi mình hiểu cảm xúc của nhau và thông cảm nhau hơn. Mối quan hệ nhờ đó có thể tăng thêm một bậc cảm xúc là thân thiết với nhau.
Quách Yến Ngọc (sinh viên ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Học hỏi kinh nghiệm từ cha mẹ
May mắn mình được sống trong môi trường thường xuyên có sự đối thoại cởi mở với ba mẹ. Nhờ vậy, giữa mình với ba mẹ có mối liên kết chặt chẽ. Bản thân mình có thể học hỏi những kinh nghiệm của ba mẹ để giải quyết những vấn đề mà mình không biết cách xử lý trong cuộc sống.
Nhiêu Quang Thiện Nhân (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
|
Bình luận (0)