Làm mẹ 'thần đồng' - Bài 2: Dạy con kiểu Nhật

07/03/2015 19:33 GMT+7

(TNO) "Một sớm mai con sẽ quay về. Rồi ấm áp nắm bàn tay “Quan Âm” mẹ. Cánh hoa hồng buông lơi nhè nhẹ. Vũ trụ quanh mình bừng sáng tin yêu”, đó là những câu thơ trong bài Quan Âm tóc rối , bài thơ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam gửi về tặng mẹ nhân ngày 8.3 từ nửa vòng trái đất.

(TNO) "Một sớm mai con sẽ quay về. Rồi ấm áp nắm bàn tay “Quan Âm” mẹ. Cánh hoa hồng buông lơi nhè nhẹ. Vũ trụ quanh mình bừng sáng tin yêu”, đó là những câu thơ trong bài Quan Âm tóc rối, bài thơ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam gửi về tặng mẹ nhân ngày 8.3 từ nửa vòng trái đất.

Video clip: Chị Phan Hồ Điệp gửi lời tâm tình với con trai "thần đồng" Đỗ Nhật Nam
 
Nhật Nam, con trai của Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo và chị Phan Hồ Điệp (cả 2 đang công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã trở thành học sinh trường Saint Paul, bang Texas, Mỹ được 6 tháng. Cả 6 tháng chị Điệp không thể đong đếm hết số nước mắt nhớ thương con. Chị đưa Nam sang Mỹ, ở đó với Nam 5 ngày. Từ Mỹ về Việt Nam, chị không ăn, không ngủ, khóc cả 22 tiếng, đến nỗi nhân viên sân bay Nhật Bản nơi chị quá cảnh phải cử người đi theo chị để giúp đỡ.
Lúc nấu ăn, khi đọc sách, lúc đi làm, ngắm giỏ hoa lan trước nhà, điều gì cũng làm người mẹ nhớ về cậu con trai 13 tuổi đang một mình ở phương xa. Như thói quen ở Việt Nam, vừa từ trường về nhà Nam đã chạy đến bật skype ngay, kể với mẹ tất cả những gì trong một ngày, hôm nay ở trường được học gì vui, ăn cơm với món gì...
Nhật Nam được dạy tự lập từ ngày còn rất nhỏ. Bố mẹ là người đồng hành trong mọi việc Nam làm, chứ không phải người “giúp một tay”. Nam bản lĩnh, tự tin, sống lạc quan, yêu đời, đặc biệt giấc mơ Mỹ có trong Nam từ ngày Nam 5 tuổi. Ngày đó, Nam tự thiết kế những chiếc thẻ lên máy bay giống hệt như thật, ghi tên người đi là Nam và những địa điểm đến là các ga hàng không của các bang nước Mỹ. Năm học lớp 7, mỗi đêm Nam đều giấu bố mẹ, thức đến rạng sáng để làm các thủ tục xin học bổng đi Mỹ. Bố mẹ "thần đồng" này chỉ biết trước 3 tháng, khi Nam lên máy bay.
Chị Điệp sinh Nam ở Nhật, tên Nhật Nam cũng để nhớ về 2 đất nước nơi con sinh ra và quê hương. Cách giáo dục của những bà mẹ Nhật đã ảnh hưởng lớn đến chị Điệp. Chị nói chuyện, vỗ về con, đọc sách cho con nghe, cho con nghe nhạc từ ngày con còn trong bụng. Chị cố gắng ăn những gì được mách là tốt cho con, dù bị nghén khủng khiếp, ăn xong lại nôn.
lam-me-than-dong-Do-Nhat-NamMẹ Nhật Nam lúc nào cũng nhớ con trai - Ảnh: Lê Namlam-me-than-dong-Do-Nhat-NamHai mẹ con ngày ở Việt Nam lúc nào cũng quấn quýt không rời - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo chị Điệp, giai đoạn quan trọng nhất của trẻ em là từ 2 - 3 tuổi. Lúc này, chị cố gắng nói chuyện với con thật nhiều, đọc sách với con, cùng con đóng kịch, xem phim. Ví dụ như thay vì dạy con, “Con nói ạ đi rồi mẹ cho. Con chào bác đi rồi mẹ mới yêu”, chị cùng Nam đóng kịch, bạn ngựa nâu hỏi bạn ngựa vằn, làm sao để có những đốm đẹp như thế. Bạn ngựa vằn sẽ trả lời, cứ mỗi khi nói với người lớn, thêm chữ "ạ" đằng sau, là lưng lại có đốm như một bông hoa.
Mới 13 tuổi nhưng Nam chững chạc, trưởng thành, tự lập, Nam luôn là người động viên mẹ phải cố gắng, bản lĩnh. “Mẹ biết không, bản năng của mỗi người là rất lớn. Nếu không đặt mình trong thử thách, không thể biết mình có thể làm được những gì. Như mẹ phải mổ đẻ đó, lúc đầu mẹ rất đau đúng không, nhưng 2 ngày sau mẹ đã thấy rất bình thường rồi”, Nam lúc nào cũng sợ mẹ buồn, mẹ khóc. Nam bảo sang Mỹ nhưng “em sống vẫn rất đẳng cấp”. (Nam xưng em với bố mẹ từ ngày em biết nói, đến bây giờ cậu vẫn giữ cách xưng hô đáng yêu này).
Video clip: Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ những kỷ niệm mà con trai Đỗ Nhật Nam dành cho mẹ
 
Nam không chịu để mẹ làm ruốc gửi sang Mỹ vì bảo mẹ không phải vất vả, em có thể ăn ngon đồ ăn bên này. Những ngày đầu mới sang Mỹ, Nam nói chuyện với mẹ và cười rất tươi. Mắt Nam đỏ, sưng húp, mẹ hỏi thì Nam bảo, do em ngủ ít thôi. Thực ra, mấy tháng sau, trong thư viết về, Nam bảo đêm nào em cũng khóc. Ngày nào em cũng phải vào nhà tắm để tập cười đủ các kiểu để mẹ an lòng.
Mẹ bị thủy đậu, không dám lên skype sợ Nam lo, em bắt mẹ phải cho em nhìn mặt bằng được. Hình ảnh mẹ vừa hiện lên màn hình, Nam đã quay mặt đi, khóc lớn. “Mẹ ơi, mẹ phải bôi thuốc này, thuốc này... Mẹ ơi, hôm nay mẹ có tắm không đấy? Đấy, mẹ phải nghe em, mẹ mới khỏe”, từng lời nói của Nam tiếp sức cho mẹ trong những ngày xa con hàng ngàn cây số.
Dạy con biết yêu thương
Nam thương cả những con kiến bò trên bàn, không bao giờ xem ai đó giết mổ động vật. Nam từ chối đến bệnh viện ung bướu để tặng quà cho các bạn bệnh nhi vì lo các bà mẹ sẽ càng buồn hơn khi thấy Nam. Đến bất cứ chỗ nào có người vô gia cư, ăn xin, Nam đều kéo mẹ đến để tặng người đó tiền hoặc đồ ăn.
"Chào bạn Hồ Điệp! Bạn đã ngủ chưa? Có một thuê bao vừa nhắn tin cho bạn nhân dịp năm mới, nội dung tin nhắn là:
- Gà, giò, bò nào dùng nhiều nhiều
- Thận trọng mọi việc được thuận lợi
- Khỏe để trẻ, để chẳng lử đử
- Với tới ước muốn đáng phấn đấu
- Những ngã rẽ sẽ mãi vững chãi
- Không hoang mang lo em xa xôi.
Bạn Hồ Điệp đọc xong có thấy "đau mồm" không, có vui không? Nếu có thì... ngủ tiếp đi nhé. Thuê bao cũng bận đi ngủ để còn lấy sức ngày mai đi chơi. "Thuê bao" đã đi qua được 8 bang roài, thích cực. Tít, tít, tít... ngoài vùng phủ sóng".
Những cách chúc sáng tạo như thế mỗi ngày được Nhật Nam gửi tới mẹ, khiến mẹ rưng rưng. Ngày 8.3 hồi còn ở Việt Nam, Nam tự cắt dán các vòng đeo cổ, khung ảnh tặng mẹ. Từ ngày sang Mỹ, Nam bỗng dưng thích làm thơ và làm nhiều bài thơ gửi tặng bố mẹ, bài nào cũng đong đầy thương nhớ.
lam-me-than-dong-Do-Nhat-NamChị Hồ Điệp trong căn nhà đầy những tấm bằng khen thành tích của Nhật Nam - Ảnh: Lê Namlam-me-than-dong-Do-Nhat-Namlam-me-than-dong-Do-Nhat-Nam
lam-me-than-dong-Do-Nhat-NamNhật Nam tự tay làm quà tặng sinh nhật bố - Ảnh: Lê Nam
Có lượng bạn bè rất đông trên mạng xã hội facebook, những bí quyết nuôi dạy Nam của mẹ Điệp được các bà mẹ khác chia sẻ, tham khảo, học hỏi. Chị Điệp không thích gọi Nam là “thần đồng”. Nam đã trải qua quá trình học hỏi, nỗ lực không ngừng để giành được các giải thưởng và các kỷ lục, chứ không phải một ngày kia, cháu mở mắt dậy và bỗng thấy mình nói tiếng Anh trôi chảy, viết sách, làm thơ lưu loát.
“Hạnh phúc nhất của một bà mẹ là con khỏe mạnh, lớn khôn, biết yêu thương mọi người chứ không phải là con phải là ai trong tương lai. Bây giờ, con được rất nhiều người yêu quý. Việc học, phấn đấu của con cũng là động lực để nhiều bạn phấn đấu, mẹ cũng có thể chia sẻ cách nuôi dạy con cho các bà mẹ khác, đó là những hạnh phúc không gì có thể diễn tả được”, chị Hồ Điệp tâm sự.
Người mẹ vẫn ngày ngày đi dạy học, cùng chăm giỏ hoa phong lan chờ ngày con trở về ngắm hoa cùng bố mẹ, mỗi ngày trò chuyện cùng con qua skype, giở lại những trang nhật ký viết về con ngày thơ ấu…
- Nam ơi, Nam yêu mẹ không?
- Có, em yêu mẹ.
- Thế em yêu mẹ nhiều không?
- Có, nhiều lắm ạ.
- Thế em ra thơm mẹ để mẹ biết là em yêu mẹ nhiều đi.
- Nhưng em bận lắm, em còn đang chơi với con cá.
- Ôi thế mà nói là yêu mẹ nhiều. Mẹ buồn quá, mẹ khóc đây. Hu hu.
- Thôi được rồi, để em ra thơm (Chạy lại thơm mẹ).
- Đấy được chưa. Khổ quá, mệt quá, lớn rồi mà còn khóc nhè. (Vừa quay lưng vừa lẩm bẩm) - trích nhật ký của mẹ Điệp năm Nam 3 tuổi.
Những trang nhật ký ấy bây giờ nhiều chữ đã mờ nhòe, vì lần nào vừa đọc nước mắt mẹ Điệp cũng lặng lẽ rơi…
Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001 tại Nhật Bản, năm 5 tuổi về Việt Nam.
Học tiếng Anh từ 5 tuổi, năm 7 tuổi, thi đỗ chứng chỉ Starter, Mover và Flyer của Đại học Cambridge với số điểm tuyệt đối 15/15. TOEIC 940 điểm, TOEFL ITP 617 điểm, TOEFL iBT 99 điểm.
Kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam năm 7 tuổi, Người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam năm 11 tuổi.
Tác phẩm dịch: Nạp điện, Mặt trời lặn, mặt trời mọc - Câu chuyện về ngày và đêm.
Sách viết: Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? Những con chữ biết hát, Bố mẹ đã cưa đổ tớ.
Giải tài năng tại kỳ thi viết bài luận của Trường Đại học St. Andrews (Vương quốc Anh), giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất, Thí sinh tài năng nhất và Giải nhất chung cuộc trong kỳ thi Hùng biện tiếng Anh Wordstorm, Giải Nhất dành cho hạng mục thuyết trình của liên hiệp các trường phổ thông trong toàn thành phố Dallas…
Từng làm MC và đóng nhiều phim truyền hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.