Ngày 12.12, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng dự thảo phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.
Kết thúc 28 ban chỉ đạo cấp tỉnh, giữ lại 2 ban
Theo phương án này, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ kết thúc hoạt động của 7 Đảng đoàn, 3 ban cán sự cấp tỉnh; kết thúc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh để thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh.
Cụ thể, 7 Đảng đoàn kết thúc hoạt động gồm: HĐND, MTTQ, Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc.
Kết thúc hoạt động 3 Ban cán sự Đảng gồm: Ban cán sự UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng VKSND và Ban Cán sự Đảng TAND. 2 Đảng bộ khối kết thúc hoạt động gồm: Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc tỉnh gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ Khối chính quyền cấp tỉnh. Khi thực hiện theo phương án trên sẽ giảm 10 tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Cũng theo phương án dự kiến, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy tỉnh, cấp huyện sẽ hợp nhất. Dự kiến tên ban sau sắp xếp là Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy sẽ có 6 phòng, giảm 1 ban, 1 phòng. Ở cấp huyện, khi thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận sẽ giảm được 9 ban.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ kết thúc hoạt động của 28/30 ban chỉ đạo của tỉnh ủy, chuyển nhiệm vụ về các cơ quan chuyên trách; giữ lại 2 ban gồm: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực; Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban Chỉ đạo 35).
Đối với sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc định hướng sắp xếp theo Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Hợp nhất Sở KH-ĐT và Sở Tài chính, tên sở sau sắp xếp dự kiến là: Sở Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Sở Kinh tế phát triển.
Hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Phát triển hạ tầng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
Hợp nhất Sở TN-MT và Sở NN-PTNT, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Hợp nhất Sở TT-TT và Sở KH-CN, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở KH, CN và Chuyển đổi số hoặc Sở KH, CN, Chuyển đổi số và Truyền thông.
Hợp nhất Sở LĐ-TB-XH và Sở Nội vụ, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở GD-ĐT; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế; chuyển nhiệm vụ giảm nghèo về Ban Dân tộc.
Văn phòng UBND tỉnh chủ động phối hợp với Sở Ngoại vụ tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đối ngoại để kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ và một số nhiệm vụ về công tác đối ngoại về Văn phòng Tỉnh ủy.
20 lãnh đạo, 295 cán bộ dôi dư sau sắp xếp
Cũng theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, với phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức máy của hệ thống chính trị đang dự kiến, cấp tỉnh giảm 15 tổ chức đảng; chuyển giao 88 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và 57 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh về tổ chức đảng các địa phương.
Số lượng lãnh đạo dôi dư sau sắp xếp khoảng 20 người, cụ thể gồm: 2 cấp trưởng, 6 cấp phó và 12 Ủy viên Ban Thường vụ thuộc Đảng ủy khối và cấp huyện.
Ở khối các cơ quan nhà nước, phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy này sẽ giảm 74 đầu mối và tăng 8 đầu mối. Cụ thể là giảm 6 sở, giảm 12 phòng thuộc sở; 8 phòng tăng do chuyển chi cục thành phòng và giảm 26 phòng thuộc chi cục; giảm 2 chi cục và 22 đơn vị sự nghiệp.
Cũng theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, căn cứ Công văn số 7968/BNV-CCVC ngày 8.12.2024, trước mắt chưa tính số cấp phó là dôi dư, trừ các trường hợp có quy định cụ thể thì số lượng cán bộ dôi dư dự kiến sau sắp xếp khoảng 295 người.
Trong đó, 2 cán bộ là giám đốc sở và tương đương, 9 phó giám đốc sở, 8 chi cục trưởng, 2 giám đốc ban quản lý dự án cấp tỉnh, 5 phó giám đốc ban quản lý dự án cấp tỉnh, 12 trưởng phòng sở, 8 giám đốc các trung tâm thuộc sở, 58 trưởng phòng và tương đương cấp huyện... Các chức danh như trưởng, phó phòng của ban, trung tâm, chi cục và tương đương là 179 người.
Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cùng với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư.
Bình luận (0)