Tọa đàm có sự tham gia của TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM); TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nguyên cứu phát triển TP.HCM... Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng công việc trước mắt của chính quyền là cần ưu tiên sớm triển khai đề án tạo tín chỉ carbon, bảo vệ môi trường và hướng đến chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải.
Số ca tử vong do bụi mịn cao gấp 3 - 5 lần tai nạn giao thông
Theo TS Trần Du Lịch, nồng độ bụi mịn trung bình năm ở TP.HCM cao hơn 6 lần mức giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tại TP.HCM, trung bình mỗi năm có 1.840 - 3.150 ca tử vong do bụi mịn và gấp 3 - 5 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông là quá cao. Đây là vấn đề lớn của thành phố. Như vậy, thành phố cần xây dựng chương trình riêng để tạo tín chỉ carbon đối với lĩnh vực giao thông.
“Tôi nghe con số công bố mà sợ, chắc không dám thở khi ra đường. Thực tế dễ hiểu, riêng khí thải do ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm rất khủng khiếp. Chỉ 3 - 5 km phải đi hằng giờ đồng hồ, khói bụi mù mịt", TS Lịch nói.
Để giải quyết vấn đề này, TS Lịch đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2035. Thành phố cần hoàn thiện hệ thống tàu điện, tăng cường đầu tư ngân sách vào giao thông xanh như: hệ thống metro, xe buýt điện và các phương tiện công cộng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch…
Bên cạnh đó, TP.HCM cần có các chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện xanh như: giảm thuế, hỗ trợ giá cho người sử dụng xe điện; đầu tư trạm sạc… Thành phố cần tối ưu hóa giao thông đô thị; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học.
Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh; ban hành các tiêu chuẩn khắt khe về khí thải đối với các phương tiện giao thông.
"Chuyển đổi số, phát triển xanh và giảm phát thải phải song hành để đạt hiệu quả tối ưu", TS Lịch nhấn mạnh.
Tạo tín chỉ carbon cùng chuyển đổi phương tiện xanh
Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) thông tin: Cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện, gồm hơn 7,6 triệu xe máy, đa phần là xe chạy bằng nhiên liệu diesel; đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng mức độ ô nhiễm không khí ở TP.HCM.
Trước tình hình đó, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.
TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức, cho hay nếu TP.HCM chuyển đổi 2.600 xe buýt diesel sang xe buýt điện (giai đoạn 1), TP.HCM có thể tiết kiệm 18 tỉ đồng/năm từ việc bán tín chỉ carbon, tương đương 1,5% kinh phí trợ giá xe buýt hằng năm (1.200 tỉ đồng). Ông nhận định hiệu quả tài chính từ tín chỉ carbon không lớn, trong khi quy trình đăng ký phức tạp và mất thời gian.
“Thành phố nên ưu tiên đầu tư chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng như xe buýt điện và metro, thay vì quá tập trung vào thị trường carbon. Đây chỉ là công cụ hỗ trợ, không phải mục tiêu chính. Chỉ có chuyển đổi xanh mới giảm ô nhiễm hiệu quả và bền vững", ông Tuấn nói.
Bình luận (0)