Bạn đọc có thể gửi câu hỏi đối thoại cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ô bên cạnh. Thanh Niên Online chuyển các câu hỏi của bạn đọc đến ban tổ chức.
Thanh Niên Online tường thuật trực tuyến buổi đối thoại này.
Đến tham dự buổi đối thoại với đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần X, có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Trần Lưu Hải, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Đào Ngọc Dung...
Ngoài ra, dự buổi đối thoại còn có các đại diện lãnh đạo các ban Đảng, các bộ, ngành và các ban, đơn vị của T.Ư Đoàn, đặc biệt là sự hiện diện của 999 đại biểu đoàn viên thanh niên ưu tú đại diện cho hơn 25 triệu thanh niên cả nước về tham dự Đại hội.
Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam. Hôm nay, Đại hội tổ chức Lễ ký Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X về những vấn đề liên quan đến thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Tiếp đó, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa X Nguyễn Đắc Vinh đã ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
|
Nghị quyết liên tịch là sự phối hợp, trao đổi giữa Chính phủ và T.Ư Đoàn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, tăng cường giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức của thanh niên trong xây dựng đất nước; đẩy mạnh tuyên tuyền vận động phong trào xung kích thanh niên trong việc giữ vững an ninh quốc phòng, tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên.
Ngoài ra, nghị quyết còn có nội dung Chính phủ phối hợp tốt với T.Ư Đoàn trong việc chăm lo đời sống thanh niên, phát triển các mục tiêu phát triển kinh tế của thanh niên. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh thành phối hợp, hỗ trợ các nhiệm vụ, mục tiêu mà T.Ư Đoàn đề ra.
Theo nghị quyết, Chính phủ sẽ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí phát hiện những gương điển hình tiên tiến của thanh niên, gương điển hình trong đời sống xã hội để tuyên tuyền. Hằng năm, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ làm việc với T.Ư Đoàn để giải quyết kiến nghị liên quan đến thanh niên.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1.2.2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chung sức chung lòng để xây dựng đất nước
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi đối thoại. Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi và Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Thị Hà làm thư ký phiên đối thoại.
Trước khi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Thủ tướng và các lãnh đạo các bộ, ngành có mặt tại Đại hội rất vui mừng khi trao đổi ý kiến, đối thoại trực tiếp với các bạn trẻ đại diện cho 25 triệu thanh niên, thế hệ rường cột của đất nước.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói "Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, đời người khởi đầu bằng tuổi trẻ". Bác căn dặn rằng công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ cách mạng đời sau là rất quan trọng, và đào tạo thanh niên trở thành người kế tục sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hôị vừa hồng vừa chuyên. Thủ tướng nhấn mạnh: "Điều đó khẳng định niềm tin mạnh mẽ của Bác vào thế hệ trẻ trong quá trình dựng nước và giữ nước".
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đoàn TNCS HCM là đội dự bị tin cậy của Đảng, do đó Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng thế hệ trẻ. Tuy gần đây có những tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, song chúng ta cũng có những thành tựu nhất định.
Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của thế hệ trẻ. Song chúng ta vẫn đang đối mặt với những thách thức, hạn chế không nhỏ. Do đó chúng ta phải chung sức chung lòng để xây dựng đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo huớng hiện đại vào năm 2020.
Thủ tướng nói: "Chính phủ làm thế nào để thế hệ trẻ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, để Đoàn thanh niên chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực hơn và làm thế nào để thế hệ trẻ thật sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, ngay lúc này tôi và các lãnh đạo của Chính phủ sẵn sàng trao đổi với các bạn những vấn đề mà các bạn quan tâm".
Con đường lập thân, lập nghiệp của các bạn rất rộng mở
Đại biểu có vinh dự được đặt câu hỏi đầu tiên với Thủ tướng là Đào Xuân Yên (đoàn Thanh Hóa). ĐB Yên nêu vấn đề về cơ cấu nguồn nhân lực của VN đang gặp nhiều bất cập, thừa thầy thiếu thợ, cơ cấu đào tạo không hợp lý vừa gây tình trạng lãng phí vừa tạo cơ chế dễ phát sinh tiêu cực trong việc tuyển chọn. "Vậy Thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này?" - ĐB Yên nêu câu hỏi.
Trả lời vấn đề của ĐB Yên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng đây là vấn đề lớn và khó đang đặt ra cho cả xã hội. Thủ tướng cho biết, nền kinh tế, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc của VN hiện nay là thiếu cả thầy và thợ chứ không phải "thừa thầy thiếu thợ" như nhiều bạn trẻ suy nghĩ.
Dẫn số liệu (làm tròn), Thủ tướng cho biết đến năm 2012 dân số nước ta là 88 triệu người, trong độ tuổi lao động chiếm 60 triệu (66%) người. Đất nước đang ở trong giai đoạn dân số vàng (2 người nuôi 1 người) bắt đầu từ 2007 kéo dài từ 30-35 năm.
Tuy nhiên, số liệu đến năm 2012 số lao động được qua đào tạo các cấp chỉ chiếm 46% trên tổng số 60 triệu lao động. Trong số được đào tạo này thì chỉ có 8% có trình độ ĐH-CĐ trở lên, trong khi đó các nước công nghiệp thì hầu hết những người lao động đều được đào tạo và trình độ CĐ trở lên đều cao hơn nước ta rất nhiều. Ví dụ: Thái Lan: 14%; Hàn Quốc: 33%; Malaysia 20%..
Đến cuối năm 2011, nếu tính theo tiêu chí số có trình độ/số vạn dân thì VN chỉ có 250 sinh viên/1 vạn dân trong khi Thái Lan là 374, Hàn: 674, Nhật: 316. Trong chiến lược phát triển thì con số này ở VN đến năm 2015 là 300, năm 2020 là: 350-400.
|
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉ lệ này của nước ta còn thấp, tỉ lệ có trình độ cũng còn thấp, số lượng SV cũng thấp nhiều so với các nước.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng cơ cấu đào tạo hiện nay vẫn còn bất cập và chưa hợp lý. Ở thế giới thì tỉ lệ: ĐH-CĐ: trung cấp: công nhân kỹ thuật lần lượt là: 1:4;10 thì ở VN con số này lần lượt là 1:1,4;0,9.
Chính những bất cập trên mà Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, chiến lược về lao động dạy nghề, chiến lược về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020.
Thủ tướng kết luận: Nói như vậy để thấy rằng con đường lập thân, lập nghiệp của các bạn là rất rộng mở. Cả nước hiện nay có 2,2 triệu số sinh viên CĐ trở lên, con số này rất cần thiết cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ tạo mọi điều kiện để tất cả sinh viên được học tập tốt. "Bản thân chúng tôi đều đặt ra quyết tâm không để bất cứ bạn nào thi đậu ĐH, CĐ mà không thể đi học vì lý do khó khăn kinh tế" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đất nước cũng đang rất cần những công nhân, kỹ thuật lành nghề. Vậy thì đối với những ai không đậu ĐH-CĐ thì con đường học nghề cũng rất tốt. Con đường lập thân lập nghiệp cũng rất là tốt, con đường vừa học vừa làm là rất tốt. Con đường này không chỉ VN, mà trên thế giới vẫn có rất nhiều cán bộ, doanh nhân, tướng lĩnh cũng thành công trên con đường này.
Thủ tướng cũng chia sẻ thêm dù con đường nào (đậu ngay, vừa làm vừa học, trung cấp dạy nghề) thì sự thành đạt và thành công của con người thì nhân tố quyết định vẫn là phải có hoài bão, quyết tâm, ý chí, sống có nghĩa tình, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Đoàn nên tập trung vào việc hướng nghiệp và tìm việc làm cho thanh niên
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị của T.Ư Đoàn kiến nghị: Thời gian qua, Thủ tướng đã cho phép Đoàn Thanh niên triển khai xây dựng 10 Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên, tổng số nguồn vốn ngân sách đầu tư là 733 tỉ đồng. Hiện nay, việc triển khai xây dựng đang gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn. Như vậy, đến năm 2015 rất khó hoàn thành xây dựng 10 Trung tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Rất mong Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Tôi đã làm việc với T.Ư Đoàn về dự án này và rất hoan ngênh. Nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay thì tiến độ bố trí ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu so với kế hoạch triển khai. Trong thời gian tới, tôi sẽ chỉ đạo các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân để sớm hoàn thành dự án này.
Theo tôi, Đoàn Thanh niên nên tập trung vào việc hướng nghiệp và tìm việc làm cho thanh niên. Còn công tác dạy nghề, hiện nay Chính phủ đã giao một số bộ ngành, trong đó có Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện và cũng có chủ trương xã hội hóa công tác dạy nghề. Đoàn nên thành lập các trung tâm hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên vì đây là việc rất thiết thực.
Tiếp theo chương trình, PGS.TS Bùi Thế Duy, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đặt câu hỏi cho Thủ tướng: "Kính thưa Thủ tướng, Nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài đã trở về nước làm việc, công tác. Tuy nhiên, một bộ phận lưu học sinh chọn con đường ở lại nước sở tại làm việc sau khi tốt nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc trong nước chưa tạo cơ hội cho họ được phát huy hết khả năng của mình. Họ còn e ngại là chế độ đãi ngộ, thu nhập thấp và liệu họ có được giao việc phù hợp không, hay chỉ "trưng bày" rồi cất vào ngăn tủ".
Đất nước còn khó khăn, mong các anh chị cũng chia sẻ khó khăn đó
Trả lời ĐB Bùi Thế Duy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ: "Đây luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chúng ta đang rất cần đội ngũ nhân lực trẻ có chất lượng cao. Một mặt, Đảng và Nhà nước tập trung sức giáo dục đào tạo trong nước, vừa tăng chất lượng vừa mở rộng quy mô, một mặt tranh thủ kêu gọi sự cống hiến của các bạn trẻ VN học tập ở nước ngoài".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện có 4 triệu người sinh sống, định cư ở nước ngoài, trong đó có 100.000 lưu học sinh VN đang học tập ở các nước, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến nguồn nhân lực này. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đưa những thanh niên này về phục vụ tổ quốc. Song trên thực tế Đảng và Nhà nước chưa thể đáp ứng ngay những nhu cầu, những điều kiện của đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, trình độ cao ở nước ngoài, do hoàn cảnh đất nước còn khó khăn.
Do vậy, Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách, rà soát bổ sung các cơ chế chính sách để điều chỉnh việc này.
"Tôi cũng mong rằng mọi công dân ở VN chúng ta và thanh niên đang học tập ở nước ngoài cũng cần chia sẻ với đất nước mình. Đất nước còn khó khăn, mong các anh chị cũng chia sẻ khó khăn đó để về nước tìm việc làm phù hợp", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.
Thủ tướng nhắc đến câu chuyện của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu như là điển hình của sự cống hiến tiêu biểu của đội ngũ thanh niên được đào tạo ở nước ngoài.
"Giáo sư Ngô Bảo Châu có nói với tôi là lương ở Việt Nam kém xa với các truờng ĐH các nuớc, tuy nhiên Giáo sư Châu mỗi năm về nước làm việc tận tâm 3 tháng. Điều đó rất đáng ghi nhận. Cả hai bên cùng chia sẻ để chúng ta có thể cống hiến ở trong nước", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúc kết.
Người Việt Nam dù đi đâu cũng sẽ quay về phục vụ đất nước
Cũng liên quan đến vấn đề lao động trình độ cao nhưng không biết làm gì khi về nước, đại biểu Đặng Tất Dũng đang học tập tại Anh thay mặt cho các bạn lưu học sinh ở nước ngoài nêu vấn đề: Xã hội và bản thân cá nhân đều chuyên nghiệp đặt mục tiêu học tập và lao động chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rõ ràng ở nước ta vấn đề những người sử dụng lao động chưa chuyên nghiệp và môi trường sử dụng lao động chưa chuyên nghiệp là một cản trở lớn. Cụ thể là vấn đề không có cơ quan nào dự báo về nguồn nhân lực cho tương lai. Mong Thủ tướng chia sẻ chi tiết cho các bạn lưu học sinh VN?
|
Câu hỏi này được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời. Theo phó thủ tướng, trước đây chúng ta không có cơ quan dự báo quốc gia về nhân lực. Công tác đào tạo vừa qua chỉ theo khả năng đào tạo mà chưa theo nhu cầu.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đào tạo nhân lực quốc gia, tháng 10 năm vừa rồi, các tỉnh thành đã hoàn thành xong đề án này.
Câu hỏi đặt ra ở đây là ai cần nhân lực trình độ cao? Vừa qua, khi xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực, phần lớn các tỉnh thành chỉ mới quan tâm đến vốn và ngân sách.
Doanh nghiệp luôn than phiền nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nhưng họ đã làm gì trong việc đào tạo nhân lực. Theo tôi, doanh nghiệp nên chuyển từ than phiền sang bắt tay cùng các cơ quan nhà nước đào tạo nhân lưc. Hiên nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến các trường tìm sinh viên. Nếu sinh viên giỏi sẽ được họ trao học bổng.
Sinh viên học ở nước ngoài nên tìm hiểu thông tin trước khi muốn về nước làm việc. Hiện có hội sinh viên ở nước ngoài tìm hiểu và cung cấp thông tin cho lưu học sinh rất tốt. Chính phủ sẽ kết hợp với hội này giới thiệu sinh viên ưu tú về nước làm, nhất là làm ở khu công nghệ cao.
|
Về vấn đề sử dụng lao động có hiệu quả, sau Nghị quyết T.Ư 6, Chính phủ cần đặt hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có nhiều đề tài cấp bộ, cấp nhà nước đặt hàng trong việc phát triển khoa học, công nghệ cao.
Chiều hôm qua, khi thăm viện thực phẩm chức năng do doanh nghiệp tự thành lập, tôi thấy họ có những đề tài rất hay như nghiên cứu trồng tảo nano mà trên thế giới mới chỉ có một nước là Canada làm.
Hiện giải Fields danh giá về toán học, Việt Nam đã có GS Ngô Bảo Châu đoạt giải. Việt Nam cũng là quốc gia thứ hai của châu Á đạt giải này. GS Ngô Bảo Châu cũng cam kết một năm dành ra ba tháng về Việt Nam cống hiến và giúp đỡ cho khoa học nước nhà.
Hay như mới đây nhất là một PGS trẻ rất giỏi học ở nước ngoài đã quyết định về hẳn Việt Nam làm việc dù môi trường làm việc trong nước không bằng nước ngoài.
Những câu chuyện tôi nêu ra cho thấy không cần buộc phải về hẳn Việt Nam, mà chỉ cần một năm về nước bao nhiêu tháng cũng có thể đóng góp và cống hiến cho đất nước. Tôi tin Việt Nam là tổ quốc, là quê hương. Người Việt Nam dù đi đâu cũng sẽ quay về phục vụ đất nước.
Ưu tiên cho việc xây dựng ký túc xá
ĐB Phạm Liên Hà: Chính sách vay vốn học tập của sinh viên (SV) đã có nhưng thực tế vốn vay hỗ trợ vẫn còn thấp, SV gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, SV nghèo vẫn chưa có cơ hội để ổn định chỗ ở trong ký túc xá, gây ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập. Thưa Phó thủ tướng, vậy hai vấn đề này có gì thay đổi trong thời gian tới hay không?.
|
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngay từ năm 2007 Chính phủ đã có chương trình cho SV nghèo vay. Khi đó chỉ có 300.000 người vay, trong khi hàng vạn người có nhu cầu. "Trước thực tế đó, tôi và các bộ, ban ngành khác đã trao đổi lại với Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo phải tăng quy mô cho vay lên.
"Với quyết định trên, trong 5 năm qua đã có 2,8 triệu người vay hỗ trợ này. Đây có thể nói là tỉ lệ vay lớn nhất ASEAN. Mức vay cũng tăng dần từ 800.000 đồng/tháng lên 900.000 đồng và hiện nay 1,05 triệu đồng/tháng. So với con số 2,2 triệu sinh viên hiện nay mà có đến 2,8 triệu người vay thì con số này rất lớn".
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, tính toán ban đầu của quỹ vốn vay này cho SV nghèo là 1,5 tỉ USD để quay vòng nhưng đến bây giờ con số đã là 35.000 tỉ đồng nhưng vẫn chưa xoay vòng xong.
"Dù có khó khăn nhưng Thủ tướng vẫn kiên quyết sẽ duy trì đầy đủ mức vay hỗ trợ này và tăng quy mô thêm. Tuy nhiên trong tình hình khó khăn hiện nay thì mức vay 1,05 triệu đồng/tháng sẽ còn tính toán thêm" - Phó thủ tướng khẳng định.
Trả lời về vấn đề nhà ở của SV, Phó thủ tướng cho biết khi năm 2009 làm việc về vấn đề này Thủ tướng thấy rằng tỉ lệ ở ký túc xá ở VN là 22%, còn quá thấp so với các nước. Sau đó Thủ tướng đặt yêu cầu phải làm sao tăng quỹ chỗ ở ký túc xá cho sinh viên và theo báo cáo thì hiện nay đã từ mức kinh phí xây dựng 200.000 chỗ ở mới đã làm được tổng cộng 300.000 chỗ ở cho sinh viên, nâng từ 22 lên 34%. Từ đây đến năm 2020, Phó thủ tướng khẳng định sẽ cố gắng sẽ đạt được mức 60% như các nước.
Trao đổi thêm về vấn đề ưu tư về việc khó khăn trong học tập của các bạn trẻ, Thủ tướng chia sẻ thêm: "Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt chăm lo, đảm bảo cho thế hệ trẻ. Kể cả trong khó khăn hiện nay vẫn đảm bảo cho các bạn trẻ được học hành. Cách đây một tuần tôi vừa ký phân bổ ngân sách đến năm 2015 và ưu tiên của tôi là đảm bảo việc xây dựng ký túc xá là không thiếu một đồng nào. Nói như vậy để thấy rằng các bạn có thể yên tâm. Tôi chỉ rất mong các bạn trẻ của chúng ta học, học nữa học mãi, học giỏi thì mới có thể xây dựng, phát triển đất nước".
Tuổi trẻ nếu có hoài bão, sẽ làm được tất cả
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, ĐB tỉnh Quảng Ninh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Là một phụ nữ, cháu rất tự hào cô là nữ Bộ trưởng lại phụ trách mảng rất quan trọng của Chính phủ. Khi còn là thanh niên cô có nghĩ cô là bộ trưởng hay không? Thay mặt 246 đại biểu nữ, cháu mong cô chia sẻ làm thế nào sắp việc cơ quan và gia đình?
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Khi còn là thanh niên, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm bộ trưởng hay vị trì gì khác. Rôi là người được trưởng thành từ công tác đoàn. 24 tuổi làm Bí thư huyện đoàn. Rất may Đảng đã phân công tôi 10 năm làm công tác đoàn để tôi có thời gian rèn luyện, trưởng thành. Môi trường đoàn qua nhiều rèn luyện của tuổi trẻ là bàn đạp tốt nhất cho công tác sau này.
|
Đến nay khi 60 tuổi, tôi thấy rằng với tuổi trẻ nếu có hoài bão, sẽ làm được tất cả. Tuổi trẻ cần tin vào chính mình và có nghị lực. Vì trong cuộc sống sẽ phải trải qua những khúc khuỷu nhất định, nếu không có nghị lực sẽ không thể vượt qua.
Còn ở câu hỏi thứ hai, với một cương vị là bộ trưởng, trách nhiệm được giao rất lớn nhưng không phải vì thế mà không chăm lo gia đình. Bởi gia đình chính là nền tảng, động viên tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tôi rất tiếc hiện có một số bạn nữ tự ti lo lắng khó có thể sắp xếp được nhiệm vụ xã hội và việc chăm lo gia đình. Nhưng nếu biết sắp xếp hai công việc trên thì có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Đoàn cần đưa ra những mục tiêu, những việc làm, hành động cụ thể để xây dựng nông thôn mới
ĐB Trương Hồng Trang (Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu) hỏi: Chương trình mục tiêu xây dựng quốc gia về nông thôn mới vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật đối với những tỉnh nghèo thì Đoàn TN chúng tôi phải làm gì để xây dựng nông thôn mới. Ý kiến của Thủ tướng về đề án xây dựng nông thôn mới của T.Ư Đoàn về đề án này thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương chiến lược, chủ trương lớn của Đảng ta. Xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ đưa ra có 19 tiêu chí, rất toàn diện cả về: văn hóa, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, xã hội...
Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy phải còn phải phấn đấu và cố gắng rất nhiều. Thủ tướng hoan nghênh thế hệ trẻ đã xung kích đồng hành làm nhiều chương trình tốt về xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng đánh giá cáo việc Nghị quyết của ĐH Đoàn lần X có đề án xây dựng nông thôn mới để hưởng ứng cuộc phát động của Chính phủ về việc chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng đề nghị bằng nỗ lực, sáng tạo của mình, Đoàn cần đưa ra những mục tiêu, những việc làm, hành động cụ thể để xây dựng nông thôn mới. Đưa ra những đề án cụ thể để Chính phủ hỗ trợ kịp thời giúp cho các bạn trẻ, thanh niên lập thân lập nghiệp, làm giàu ngay trên quê hương của mình.
|
Về vốn cho địa bàn nông thôn, cho DN vừa và trẻ, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ cùng với ĐH.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất hơn nữa để cung cấp vốn cho các DN trẻ, vừa và nhỏ.
Thống đốc Bình trao đổi thêm trong tình hình hiện nay, đối với DN do thanh niên đảm đương thì phải nên có bước quản trị đổi mới trong tư duy DN. Có như vậy mới duy trì được việc sản xuất kinh doanh trong mọi điều kiện biến đổi của đất nước và thế giới. Có như vậy, các bạn trẻ mới là đội tiên phong, lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế.
Thống đốc khẳng định, hệ thống ngân hàng hoàn toàn ủng hộ các dự án, đặc biệt các dự án áp dụng khoa học kỹ thuật cho các DN trẻ.
Sẽ lập 30 cơ sở ươm tạo công nghệ có môi trường đào tạo thuận lợi
ĐB Võ Xuân Vinh, đại diện Đoàn khối các cơ quan T.Ư xung phong đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân: "Hiện những cán bộ trẻ ở các cơ sở khoa học công nghệ gặp khó khăn là lương, thu nhập rất thấp. Điều này dẫn đến 2 hệ lụy, một là các cơ sở khoa học ít thu hút được nguồn nhân lực cao, hai là những nhân lực cao dần chuyển ra ngoài làm cho công ty tư nhân. Vậy chúng ta sẽ giải quyết khó khăn này như thế nào?".
|
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân khẳng định đây cũng là vấn đề Đảng và Nhà nước cũng rất trăn trở, và trên thực tế hiện nay đang diễn ra hiện tượng chảy máu chất xám từ nhà nước ra tư nhân, nguồn nhân lực trẻ đuợc đào tạo ở nước ngoài chưa thật sự mong muốn trở về nước.
"Nguyên nhân là mức thu nhập trong nước còn thấp. Đất nước ta còn quá nhiều khó khăn, tuy nhiên Đảng và Nhà nước sẽ tập trung phát triển khoa học công nghệ, Bộ KHCN sẽ đề xuất phối hợp cùng Bộ Nội vụ đưa ra những chính sách ưu đãi cán bộ trẻ đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cam kết rằng Bộ KHCN cùng các bộ, ban ngành liên quan sẽ có chương trình hành động, chính sách cụ thể để các khoa học trẻ sống được bằng nghề - nghề khoa học.
|
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong chiến lược phát triển KHCN từ đây đến năm 2020, Bộ sẽ lựa chọn những nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học trẻ tài năng để từ đó Nhà nước giao nhiệm vụ tầm quốc gia, đưa vào diện trọng dụng đặc biệt, giao cho họ quyền tự chủ nguồn ngân sách hằng năm để nghiên cứu phát triển tài năng. Nhà nước sẽ lập các viện nghiên cứu trọng điểm, trường ĐH chất lượng cao, theo mô hình quốc tế. Đó là môi trường thuận lợi để các nhà khoa học trẻ phát huy tài năng.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ KHCN sẽ lập 30 cơ sở ươm tạo công nghệ có môi trường đào tạo thuận lợi, ứng dụng thực tiễn, phối hợp cùng nhiều Bộ ngành đưa ra chính sách đặc biệt dành cho nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài.
"Đảng và Nhà nước định hướng đổi mới công tác đầu tư cho KHCN, tạo nhiều nguồn lực cho phát triển KHCN, sử dụng hiệu quả nguồn lực này, tiến tới giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho nhà khoa học trẻ, để họ chuyển giao vào doanh nghiệp, góp vốn với doanh nghiệp để nhà khoa học trẻ có thể sống bằng tài sản trí tuệ của mình", Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Năm 2013 tiếp tục là Năm an toàn giao thông
Tiếp theo là câu hỏi liên quan đến vấn đề an toàn giao thông, của Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN Nguyễn Phi Long: "Tình hình an toàn giao thông năm 2012 giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, xin hỏi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng là kinh nghiệm nào để chúng ta đạt kết quả như vậy, vai trò của Đoàn TN đóng góp vào kết quả này?".
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, năm an toàn giao thông 2012 có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là của Đoàn TN, do vậy tình hình tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí. Năm 2012 có số người chết vì an toàn giao thông giảm 2.000 trường hợp, điều đó có vai trò đóng góp hết sức quan trọng của tuổi trẻ. Bộ đã dựa vào Đoàn TN để có những hoạt động giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ GTVT xin cảm ơn sự đóng góp của tuổi trẻ trong kết quả đạt được.
|
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, năm 2013 cũng tiếp tục là năm an toàn giao thông, với tiêu chí nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
"Bộ GTVT sẽ đồng loạt mở rộng quốc lộ 1A đi qua 32 tỉnh, thành phố. Bộ đã có ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị giao thông vận tải với tỉnh đoàn ở các tỉnh có quốc lộ 1A đi qua, phấn đấu giảm 5-10% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trong năm 2013", Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Tổng phụ trách đội rất vất vả nhưng đãi ngộ rất thấp
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, đại biểu đoàn Bắc Giang hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Hiện nay giáo viên tổng phụ trách đội ở nhà trường rất vất vả nhưng chính sách đãi ngộ rất thấp. Bộ trưởng có suy nghĩ này về việc này? Chương trình đào tạo giáo viên phụ trách đội như thế nào cho phù hợp? Bộ trưởng có những giải pháp gì cho phù hợp?
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Vị trí giáo viên tổng phụ trách đội rất quan trọng vì đây là người phụ trách, giảng dạy lứa tuổi mới lớn. Tôi sẽ ghi nhận ý kiến này và sẽ có sự phân công đào tào hệ thống giáo viên phụ trách đội.
Về vấn đề lương giáo viên phụ trách đội còn thấp và bất cập, tôi đã nhận được văn bản của tỉnh đoàn Bắc Giang kiến nghị về vấn đề này. Tôi đã trao đổi, thống nhất cơ bản sẽ có sự thay đổi. Hy vọng đầu năm 2013 sẽ có triển khai vấn đề này.
|
ĐB Nguyễn Thị Ngà (Đoàn Hà Nội): "Tôi rất xúc động khi lần đầu tiên ĐH Đoàn toàn quốc có sự tham gia và đối thoại của người đứng đầu Chính phủ và thành viên Chính phủ. Đến dự ĐH, mong Thủ tướng chia sẻ ý kiến đóng góp cùng ĐH".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng còn nhiều điều, nhiều vấn đề mà chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi trong dịp khác. Qua toàn bộ nội dung mà ĐH Đoàn lần X, qua các câu hỏi, các vấn đề mà các bạn đặt ra tôi nghĩ rằng tuổi trẻ, thanh niên của đất nước ta quan tâm nhiều và là lực lượng quan trọng nhất trên các lĩnh vực".
Thủ tướng nhận xét, qua theo dõi tình hình chung của đất nước, tình hình chung của thanh niên, của ĐH lần này thì đại bộ phận thanh niên VN có nhận thức tốt, có kiến thức, có bản lĩnh và có suy nghĩ sâu sắc về dân tộc, quốc tế và thời đại. Đó không chỉ là nguyện vọng chính đáng, những băn khoăn trăn trở mà còn là những ý tưởng gợi mở cho chúng tôi trong quá trình điều hành đất nước. Tôi đánh giá cao những ý tưởng tâm huyết, xây dựng đóng góp của các bạn thanh niên.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trao đổi thêm với ĐH 5 vấn đề của thanh niên: Niềm tin và lý tưởng của thanh niên; Chăm lo việc học tập, sáng tạo và phát huy tài năng trẻ; Nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên; Đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của thanh thiếu niên; Vấn đề phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng, Chính phủ luôn tin tưởng thanh niên, tổ chức Đoàn và sẽ luôn cố gắng làm hết sức mình để chăm lo, hoàn thiện các cơ chế về các vấn đề nói trên, giúp thanh niên, tuổi trẻ VN càng tiến nhanh, mạnh hơn, làm giàu, mãi mãi được sống trong bình yên, độc lập hạnh phúc...
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đặt ra các yêu cầu đối với Đoàn, với thanh niên.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là thanh niên phải có hoài bão lớn, kiến thức kỹ năng tốt, ý chí và bản lĩnh, tinh thần dân tộc cao độ, sống có ý chí và hãy phấn đấu làm tốt nhất với sáng kiến cao nhất để xứng đáng tất cả vì sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc".
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết nhiệm vụ năm 2013 là rất nặng nề nên Chính phủ rất mong thế hệ trẻ, thanh niên cùng chia sẻ với Chính phủ, chính quyền các cấp trong các nhiệm vụ, xung kích đi đầu, chia sẻ công việc để đảm bảo tốt việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Lời cuối cùng, Thủ tướng gửi lời "chúc các bạn trẻ của chúng ta trẻ khỏe và thành công trong cuộc sống".
Sau thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến ĐH và thế hệ trẻ cả nước, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã tặng hoa cảm ơn Thủ tướng đã tham gia đối thoại tại ĐH.
Anh Nguyễn Đắc Vinh cũng cảm ơn Thủ tướng và các Bộ trưởng đã có buổi trả lời hết sức sâu sắc rõ ràng, gợi mở nhiều vấn đề để nghị quyết ĐH lần X trở nên thiết thực hiệu quả.
"Đại hội xin trân trọng tiếp thu 7 điều mà Thủ tướng chỉ đạo, để tiếp tục đưa ra thảo luận, triển khai trong nghị quyết ĐH lần X", anh Nguyễn Đắc Vinh nói.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi cho biết, tính đến 10 giờ sáng 14.12 có đến hơn 1.000 câu hỏi trực tuyến gửi về buổi đối thoại. Do thời gian có hạn, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ chỉ có thể trả lời một số câu hỏi, nên những câu hỏi còn lại, ban tổ chức sẽ tổng hợp và chuyển cho Văn phòng Chính phủ, để Thủ tướng nghiên cứu, xem xét trả lời. |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 11-14.12.2012 tại Hà Nội, với chủ đề: Khát vọng trẻ dựng xây đất nước và khẩu hiệu hành động Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số 1.000 đại biểu chính thức, 202 đại biểu có trình độ học vấn từ thạc sĩ trở lên; 696 đại biểu có trình độ lý luận trung, cao cấp; tuổi bình quân của đại biểu là 29,8; đại biểu trẻ nhất dự đại hội chưa đến 16 tuổi. Đại hội được chia làm 10 trung tâm thảo luận, tạo diễn đàn cho đại biểu góp ý kiến, đánh giá tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ IX; xây dựng mục tiêu, phương hướng, hiến kế các giải pháp triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đại hội lần này có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, có bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng trong Điều lệ Đoàn. Trong đó, Điều lệ Đoàn bổ sung quy định đoàn viên phải tham gia sinh hoạt và hoạt động ở địa bàn dân cư là điểm mới nổi bật trong lần sửa đổi này. |
TNO thực hiện
Ảnh: Ngọc Thắng
>> Danh sách Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X
>> 151 đại biểu trúng cử BCH T.Ư Đoàn khóa X
>> Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc
>> Khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10: Sức sống và sự lan tỏa
>> Video clip: Khai mạc Đại hội Đoàn lần X
>> Khát vọng dựng xây đất nước
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X làm việc phiên thứ nhất
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X bắt đầu làm việc
>> Tấm ảnh 999 đại biểu dự Đại hội Đoàn
>> Sẵn sàng cho Đại hội Đoàn toàn quốc
>> Thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đoàn
>> Toàn cảnh Đại hội Đoàn toàn quốc lần X
>> Dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần X
Bình luận (0)