Chiến thắng 1-0 trước U.20 Úc trong ngày ra quân giải U.20 châu Á 2023 giúp U.20 Việt Nam có ưu thế lớn tại cuộc canh tranh ở vòng bảng. Nếu đánh bại U.20 Qatar ở lượt đấu thứ hai còn U.20 Úc không thắng được U.20 Iran, gần như chắc chắn thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ lần thứ hai góp mặt ở tứ kết trong lịch sử các giải U.20 châu Á đã tham dự.
Trên lý thuyết, U.20 Qatar là đối thủ đáng gờm. 3 lần gần nhất dự giải, đội U.20 của chủ nhà World Cup 2022 lần lượt giành chức vô địch (năm 2014) và lọt vào bán kết (năm 2018). Trong đó, lứa U.20 Qatar của năm 2014 chính là cái nôi của nhiều tài năng bóng đá Qatar như Almoez Ali, Akram Afif - dàn cầu thủ sau đó trở thành trụ cột trong đội hình Qatar vô địch Asian Cup 2019 và dự World Cup 2022.
Tuy nhiên, bóng đá trẻ đặc trưng ở chỗ, mỗi lứa cầu thủ lại có một mặt bằng trình độ riêng biệt. Ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc vốn ưu việt cả về chất lượng đào tạo lẫn trình độ cầu thủ, phần lớn các nền bóng đá châu Á khó đảm bảo lứa cầu thủ nào cũng chất lượng. Do đó, thành tích trong quá khứ chỉ mang tính tham khảo. Ngay cả Iran có nền bóng đá thường xuyên đá World Cup, nhưng cũng chỉ 1 lần vào bán kết ở cấp độ U.20 trong 8 giải gần nhất.
Sức mạnh U.20 Qatar phần nào được hé lộ sau trận thua 0-1 trước U.20 Iran. Với đội hình non kinh nghiệm (9 cầu thủ 18 tuổi trở xuống), U.20 Qatar bị dồn ép toàn diện, để đối thủ dứt điểm tới 22 lần về phía khung thành, trong đó có tới 14 pha dứt điểm trong vòng cấm.
Chỉ số phòng ngự kém ấn tượng cho thấy U.20 Qatar dễ dàng để đối thủ tiếp cận cầu môn, dù là tấn công biên hay trung lộ. Cặp trung vệ Al Hashmi và Mohamed Mansour là điểm yếu trong đội hình phòng ngự của U.20 Qatar, khi thường xuyên chọn sai vị trí và xử lý lúng túng ở các pha đối đầu trực diện.
Bàn thua duy nhất của U.20 Qatar đến từ pha truy cản lỗi của Mansour trong vòng cấm, nhưng hàng tiền vệ đội bóng này cũng có trách nhiệm khi để đối thủ thoải mái phối hợp đập nhả ở trung lộ trước khi chọc khe cho tiền đạo băng xuống.
Nếu U.20 Úc đá thiên về sức mạnh, thể lực với các pha lên biên, U.20 Qatar có lối chơi kỹ thuật, chủ yếu ban bật nhỏ để triển khai bóng. Đây là thách thức khó nhằn với U.20 Việt Nam, bởi những đối thủ có kỹ thuật cá nhân tốt chưa bao giờ dễ đối phó. Dù vậy, sự lỏng lẻo trong phòng ngự và tổ chức đội hình của U.20 Qatar có thể tạo cơ hội để U.20 Việt Nam khai thác.
Ở trận gặp U.20 Úc, HLV Hoàng Anh Tuấn đã xếp bộ đôi Văn Khang (cầu thủ chạy cánh) và Quốc Việt (tiền đạo cánh) ở cánh trái. Hai cầu thủ đã thay nhau xuyên phá vào khu vực giữa trung vệ và hậu vệ cánh của U.20 Úc để tìm kiếm cơ hội, và bàn mở tỷ số đã được ghi từ một pha xâm nhập khôn khéo như vậy.
U.20 Việt Nam không phòng ngự bị động, mà liên tục pressing, tạo áp lực ở tuyến giữa để đoạt bóng tổ chức tấn công. Sự chủ động này cần được tiếp tục duy trì ở trận gặp U.20 Qatar, bởi HLV Hoàng Anh Tuấn đang có trong tay những cầu thủ giàu tốc độ và sức chiến đấu như Thanh Nhàn, Văn Trường, Đức Việt hay Văn Khang.
Đây đều là những mũi nhọn tiềm năng cho thế trận phản công. Bên cạnh đó, U.20 Việt Nam cần duy trì sự tập trung. Nếu chơi kiên nhẫn và kỷ luật như ở trận gặp U.20 Úc, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đủ khả năng đưa đối thủ vào bẫy.
"Chúng tôi còn hai ngày nữa để nghỉ ngơi, chuẩn bị gặp U.20 Qatar vào ngày 4.3. Chắc chắn, chúng tôi phải có mục tiêu rõ ràng. Hai trận tới này khá khó khăn, đội cần phải giải quyết từng trận đấu một để đi tiếp. Muốn đi xa hơn nữa, chúng tôi cần phải chơi với kỷ luật và tinh thần như trận thắng U.20 Úc, để làm sao có kết quả như vậy khi gặp U.20 Iran và U.20 Qatar", HLV Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Bình luận (0)