Đời thường diễn viên xiếc Việt - Kỳ 2: Cắm đầu xuống đất, gãy xương răng rắc

Nếu không chứng kiến tận mắt chuyện hậu trường của những người trẻ mê nghề này và những đau đớn mà họ trải qua thì khó có thể biết được sự gian khổ của nghề xiếc thế nào.

Ở Công viên Gia Định, nơi đoàn xiếc TP.HCM đóng đô hiện có hàng chục diễn viên xiếc ngày ngày tập luyện những tiết mục, động tác tung hứng, nhào lộn, đu dây trên cao, uốn dẻo... để trở nên thuần thục và giữ lửa với nghề.
Một động tác phải tập cả năm
Cứ khoảng 9 giờ mỗi ngày, diễn viên của đoàn xiếc TP.HCM (thuộc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam) đều tề tựu về đây để cùng nhau tập luyện. Họ hầu hết đều rất trẻ, độ tuổi trung bình từ 23 đến 27.
VIDEO: Cảnh diễn viên xiếc gồng mình tập luyện - Thực hiện: Phương Thủy
Sau bài khởi động, các diễn viên bắt đầu bước vào bài tập chính. Ở phía cuối sân khấu anh Nguyễn Bá Đức bắt đầu bài tung hứng với 9 vòng tròn trên không.
Theo anh Đức, đây là một trong những động tác khó nhất nằm trong tiết mục tung hứng của anh. Mỗi ngày anh tập từ 9 đến gần 12 giờ. Hiện vẫn chưa thành công, bị đánh rơi dụng cụ. Cứ thế, anh phải tập chỉ một động tác hàng trăm lần, kéo dài nhiều tháng mà vẫn chưa thuần thục.
Tiếp đến, trong phần tập leo thăng bằng trên thanh tre, cậu bé Ngô Quỳnh Trung (14 tuổi, thành viên nhỏ nhất đoàn) với gương mặt đẫm mồ hôi, hai chân run run, vừa lắng nghe vừa thực hiện theo đàn anh hướng dẫn cú nhảy từ trên cao xuống đất: “Đặt chân lên cây rồi bước, chậm thôi. Tiếp tục bước lên vai, tỳ vào vai, đúng rồi. Bây giờ ôm cây tre nhảy xuống”.
Mỗi buổi sáng, tại rạp xiếc ở Công viên Gia Định, các diễn viên đều tề tựu về đây tập luyện
Công việc khổ luyện này như một thói quen hằng ngày của diễn viên xiếc
Nơi đây cũng là nơi trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau
Mỗi người sẽ đảm đương một tiết mục chính, đồng thời phụ hoạ cho những tiết mục khác của đồng nghiệp
Những đứa trẻ theo cha mẹ cùng đến tập xiếc
Anh Nguyễn Quốc Đại (38 tuổi), người có 16 năm trong nghề xiếc chia sẻ, những ngày đầu của anh rất cực khổ và đau đớn. Để bước chân vào nghề, người diễn viên phải trải qua 2 năm khổ luyện cơ bản.
Kinh khủng nhất là học môn nhào lộn. Môn này cần phải có sự dũng cảm và “máu liều”, vì khi tập dễ chấn thương gãy xương tay, chân. Tuy vậy, môn xiếc thể thao mới làm anh sợ nhất, nó làm người tập mất nhiều sức, có khi dẫn đến suy kiệt cơ thể.
Còn môn xe đạp tập thể được anh theo đuổi từ những năm đầu đi diễn. Đỉnh điểm là có thể chở đến 10 người, phải mất 3 năm mới biểu diễn thuần thục. Để tập được môn này, hao hụt sức khỏe là không thể tránh khỏi.
Độ tuổi trung bình từ 23 đến 27
Cậu bé Ngô Quỳnh Trung (14 tuổi) đang tập động tác leo thanh tre
Trung được xem là thành viên nhỏ nhất đoàn, đang học nghề tại đây
Trung được các đàn anh hướng dẫn tận tình
Phụ nữ ở đoàn xiếc cũng chiếm đa số
Song song đó, người làm xiếc cũng luôn bị ức chế về mặt tâm lý những khi không tập thành công: “Ngày xưa, mỗi khi tập, tôi đều ngồi trên xe đánh đưa nguyên cả buổi từ 2 đến 3 giờ cho có cảm giác thăng bằng. Nhiều khi chán nản muốn bỏ, ức chế muốn đập xe vì thực hiện không được động tác. Nhưng khi trở về nhà nghĩ lại thì quyết tâm hôm sau tập cho bằng được”.
Cắm đầu ngược xuống đất
Để có một tiết mục hoành tráng trong 5 – 10 phút trên sân khấu, ngoài việc dày công tập luyện thì yếu tố kỹ thuật cũng quan trọng không kém. Nếu sơ xuất khi diễn dù một chi tiết chỉ nhỏ cũng có thể đánh đổi bằng những thương tật nặng nề cho bản thân.
Ở rạp xiếc công viên Gia Định, nhiều diễn viên từng gặp sự cố nghiêm trọng khi diễn xiếc. Có người phải nhập viện hàng tháng trời, hay bỏ nghề bởi tai nạn từ công việc nguy hiểm này.
Một trong người có thâm niên diễn xiếc lâu nhất của đoàn là nghệ sĩ Hoàng Dũng (46 tuổi) với hơn 30 năm trong nghề, từng nhiều lần “dỡ khóc dỡ cười” khi gặp sự cố nhớ đời.
Bốn lần bị nạn phải nhập viện, vô số sự cố chấn thương khi tập luyện mà nghệ sĩ Hoàng Dũng không thể nhớ nỗi và đếm được.
Lần té nguy hiểm nhất là rơi từ độ cao 6 m. Khi đó, anh đang làm động tác cho tiết mục leo cột đôi. Động tác buộc anh phải móc mũi chân vào cột, thả người rơi tự do. Đến lúc chuyển động tác khác, anh dùng chân cặp vào cột thì bất ngờ một chân bị trượt, làm cả thân người không trụ được nên đầu cắm thẳng xuống đất.
Phụ nữ ở đây thường biểu diễn các tiết mục uốn dẻo, đu dây trên cao...
Để có một tiết mục hoành tráng trong 5 – 10 phút yếu tố tập trung và kỹ thuật cực kỳ quan trọng
Sơ suất một chi tiết nhỏ cũng có thể đánh đổi bằng những thương tật nặng nề
Có người phải nhập viện hàng tháng trời
Trong rạp xiếc, tình yêu cũng được chắp cánh từ đây. Hiện có khoảng 4 đôi đã thành vợ chồng
Theo ông Nguyễn Phi Sơn, Trưởng đoàn xiếc Bầu trời xanh, làm nghề xiếc rất khắc nghiệt, cực khổ và chịu nhiều rủi ro. Nên hiện tại thế hệ kế thừa nghề này đang mất dần đi
Tuy vậy, nhờ sàn diễn bằng gỗ cộng với kỹ thuật phản xạ tốt, anh co mình lại nên tránh được cú đập đầu trực tiếp vào nền đất.
“Khi té xuống khán giả la ó quá chừng, nhưng tôi vẫn còn nhận biết, cố đứng dậy chào khán giả một cái rồi vào bên trong. Đến khi vô trong thì té xuống bất tỉnh. Lúc sau mở mắt ra đã thấy mình trên xe cấp cứu”, nghệ sĩ Hoàng Dũng nhớ lại.
Sau những lần nằm viện anh Dũng khó lấy lại được phong độ như ban đầu. Khi đứng trước nơi mình té xuống anh luôn bị ám ảnh: “Mình nhát vì té đúng cái động tác đó mà giờ lặp lại. Vấn đề này không riêng với nghề xiếc mà hầu như người nào cũng vậy”.
Cũng trong một lần biểu diễn tiết mục đu dây đôi nam nữ, Nguyễn Thị Diệu Hiền - chuyên bộ môn đu vòng đôi, vì chủ quan nên bị rơi cắm đầu xuống đất. Rất may là chỉ bị giập xương gò má, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nỗi ám ảnh vẫn mãi chưa nguôi.
“Đêm đó tôi nằm mơ là đang đu dây, tôi còn cảm nhận mồ hôi trơn nơi bàn tay, nên khi tập lại vẫn còn e ngại, nghề này nghỉ một ngày là mất cảm giác liền”, chị Hiền hồi tưởng.
Trong một tiết mục tạo hình bốn nữ khác chị Hiền cũng lại bị té tương tự, lần này cũng may là không bị gãy ống quyển mà chỉ bị phần mềm. Tuy nhiên vì không biết bị thương ở chân nên vẫn cứ biểu diễn. Đến khi bạn diễn ôm chân xoay thấy ướt và trơn mới phát hiện trên người đã đầy vết máu nhưng phải cố nhịn vì chưa xong phần biểu diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.