Đôi trai gái 8 - 9X xây cuộc tình đẹp không một lời nói

30/10/2016 14:07 GMT+7

Chàng bị bại liệt. Nàng câm điếc. Không cần ngôn ngữ bằng lời nói, họ chỉ cần một ngôn ngữ chung là tình yêu để đến với nhau, cùng lập gia đình và đã có hai con.

Không cần nói, khi yêu là cả hai tự hiểu
Anh Nguyễn Văn Quân (28 tuổi) từ Kiên Giang lặn lội lên TP.HCM học nghề, lập nghiệp. Chàng trai miền biển cực nam của tổ quốc không ngờ sẽ tìm được hạnh phúc to lớn hơn cả việc có việc làm tại mảnh đất lành này. Anh đã tìm được tình yêu và xây dựng mái ấm với cô gái Sài Gòn Đặng Mỹ Trang (sinh năm 26 tuổi).
Hai người gặp nhau trong trường dạy nghề cho người khuyết tật. Lúc đó anh Quân học lớp kế toán, còn chị Trang học lớp may thêu, kết cườm.
VIDEO: Đám cưới hạnh phúc của nhiều cặp đôi sau nhiều năm yêu thương nhau gây xúc động cho mọi người
Bên cạnh đi chơi nhóm, mình rủ Trang đi chơi riêng. Trang đồng ý. Sau đó, tụi mình tách ra đi riêng. Thế là cả hai tự biết có tình cảm với nhau chứ không cần phải nói lời tỏ tình gì cả
Anh Nguyễn Văn Quân
“Nhóm mình thấy nhóm bạn của Trang dễ thương nên làm quen. Nhóm bạn của Trang khiếm thính nên ban đầu tụi mình giao tiếp bằng cách viết ra. Sau đó, nhóm mình cũng học ngôn ngữ cử chỉ của các bạn khiếm thính. Học cho biết và cũng để giao tiếp với các bạn”, anh Quân kể.
Thế là Trang và nhóm bạn của mình dạy cho Quân và nhóm bạn của anh ngôn ngữ cử chỉ. Anh Quân và các bạn học hai tháng là biết và cả hai nhóm “bất đồng ngôn ngữ” đã có thể trao đổi với nhau.
Rồi nhóm bạn của Trang muốn học vi tính. Cả nhóm lại đến trường nghề xin học. Thế nhưng trường không dạy được cho người khiếm thính vì không biết ngôn ngữ cử chỉ. Vậy là, nhóm bạn của Quân đăng ký học, xong về dạy lại cho Trang và các bạn.
Cả nhóm bạn nam và nữ lúc ấy chơi thân với nhau. Ngoài giờ học thường rủ nhau đi chơi, ăn uống. Thế rồi dần dần, đôi bạn Quân – Trang nảy sinh tình cảm nhiều hơn.
“Bên cạnh đi chơi nhóm, mình rủ Trang đi chơi riêng. Trang đồng ý. Sau đó, tụi mình tách ra đi riêng. Thế là cả hai tự biết có tình cảm với nhau chứ không cần phải nói lời tỏ tình”, Quân chia sẻ.
Từ tình bạn, Quân và Trang đã tiến đến tình yêu một cách nhẹ nhàng và tự nhiên như thế.
Ban đầu, hai gia đình ái ngại, không đồng ý việc kết hôn của đôi trẻ bởi cho rằng một người khuyết tật thì phải có một người lành lặn đỡ đần. “Nhưng tụi em nghĩ khác. Tụi em nghĩ hai người khuyết tật sẽ đồng cảm nhau hơn và tụi em, người này cũng có thể bù đắp cho khiếm khuyết của người kia”, Quân tâm sự.
Quân thuyết phục gia đình. Về phần Trang thì việc thuyết phục ở nhà khó khăn hơn vì cô không thể nói bằng lời.
Thế nhưng, cuối cùng, sau hai năm làm bạn rồi yêu nhau, cả hai đã đến được với nhau để xây dựng một gia đình nhỏ. Gia đình ấy, sau bảy năm, giờ đã gấp đôi thành viên với hai cậu nhóc kháu khỉnh. Bên cạnh tình yêu, cuộc sống của cả hai lại có thêm thử thách.
Vất vả mưu sinh – phấu đấu vươn lên
Thông thường, trong nhà, người chồng sẽ lo liệu các công việc nặng nhọc. Với gia đình Quân – Trang thì “bà xã mình làm hết những việc nặng nhọc còn việc nhẹ nhàng thì mình làm”, Quân nói.
Niềm hạnh phúc và cũng là thử thách đầu tiên của hai vợ chồng trẻ là khi “thiên thần nhỏ” đầu tiên ra đời. Cặp bố mẹ “mới lên chức” lúc ấy vất vả lắm.
Niềm vui của gia đình nhỏ - Ảnh: nhân vật cung cấp
Quân kể, Trang có thể làm những việc chăm con như cho ăn, vệ sinh, tắm rửa cho con. Tuy nhiên, khi mới sinh em bé, khó khăn lớn nhất của người mẹ trẻ là không thể nghe được tiếng con khóc để đoán định trạng thái và nhu cầu của con.
Trang có thể làm những việc chăm con như cho ăn, vệ sinh, tắm rửa cho con. Tuy nhiên, khi mới sinh em bé, khó khăn lớn nhất của người mẹ trẻ là không thể nghe được tiếng con khóc để đoán định trạng thái và nhu cầu của con.
Đặc biệt, ban đêm, Quân là người chăm con, nghe và dậy mỗi khi con khóc. Khi đó, Trang không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nói với con.
Đặc biệt, ban đêm, Quân là người chăm con, nghe và dậy mỗi khi con khóc. Khi đó, Trang không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nói với con.
Đến hôm nay, thì cả hai đã có hai bé trai, một bé 2 tuổi, một bé 7 tuổi đã học lớp 2.
Điều kỳ diệu là giờ mẹ con “nói gì” cũng hiểu nhau rất hay. “Hay lắm, không nói bằng lời nhưng ba mẹ con giao tiếp cái gì cũng hiểu nhau hết trơn”, Quân hạnh phúc.
Hai cậu bé lâu lâu cũng thắc mắc sao ba không đi được còn mẹ không nói được. Được ông bà và ba giải thích các bé dần hiểu thêm.
Hai vợ chồng sinh sống bằng nghề kết cườm.
Bên cạnh đó, Quân cũng là tuyển thủ cờ vua. Chàng vận động viên này đã giành được hai huy chương đồng đồng đội cờ vua tại ASEAN Para Games 2015 ở Singapore.
Tuy nhiên, những năm gần đây đầu ra của mặc hàng kết cườm kém nên kinh tế gia đình khá chật vật. Trong khi giai đoạn không tập trung đội tuyển, thi đấu thì Quân cũng không có thu nhập từ bộ môn. Chỉ khi có huy chương, có thành tích thì mới có tiền thưởng, đem lại thu nhập cho gia đình.
“Vì thế, em đang phân vân vì để gặt hái thành tích cao trong thi đấu cờ vua thì phải mất thời gian tập trung luyện tập nhiều và không làm được những dự định khác. Thời gian qua, Trang rất hiểu điều đó nên cô ấy đã gánh vác cho em rất nhiều, lo cho thu nhập gia đình”, Quân thật tình trăn trở.
Rất may là vợ chồng anh cũng có sự giúp đỡ thêm của ông bà ngoại.
“Dù có nhiều khó khăn nhưng tụi em đang phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”, Quân khẳng định.
Hỏi vui, thế khi hai vợ chồng tranh cãi thì chắc Quân có lợi thế hơn Trang nhiều? Anh chàng cười: “Ai cũng nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Trang không nói được nhưng hét rất lớn. Một người la thì một người phải nhịn. Được cái hai vợ chồng không giận nhau lâu. Giận một chút rồi ghẹo ghẹo hay dẫn nhau đi ăn, uống nước là hết giận. Mọi chuyện đều đơn giản”.
Đó là hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đang đi những chặng đầu trong cuộc sống hôn nhân. Hai mảnh ghép khiếm khuyến đang làm trọn vẹn đời nhau trong một tình yêu đẹp và xây đắp nên một gia đình toàn vẹn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.