Đối tượng công nhân nào được ưu tiên mua nhà 150 triệu?

26/05/2017 07:00 GMT+7

Với giá thành 5 triệu đồng/m 2 , công nhân chỉ phải trả 150 triệu đồng cho một căn hộ giá rẻ có diện tích 30 m 2 nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình.

Đây là đề án đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai.
Giấc mơ sắp thành hiện thực
Mấy ngày nay tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), từ nhà máy đến khu nhà trọ, đâu đâu cũng thấy công nhân phấn khởi trước thông tin sắp được mua nhà giá rẻ.
Chị Lê Thị Hà, công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, bộc bạch: “Thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 10 triệu đồng/tháng, phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ các khoản sinh hoạt phí, trả tiền thuê nhà, nuôi con nhỏ… Thú thực chúng tôi chưa bao giờ dám mơ sẽ mua được một căn nhà. Nếu được hỗ trợ mua nhà giá rẻ, chúng tôi không còn canh cánh nỗi lo nay chuyển chỗ này, mai chuyển chỗ nọ, tìm nơi gửi con. Lúc đó, người lao động có thể yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với công việc”.
nha tro cong nhan
Hầu hết công nhân đều mong mỏi được mua nhà giá rẻ Ảnh Thu Hằng
Bà Bùi Thị Hương, đại diện Công ty Yamaha (Khu công nghiệp Nội Bài) cho biết, do phần lớn các công nhân là người ngoại tỉnh nên nhà ở luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của hầu hết công nhân lao động trong khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN-KCX). Công nhân Hà Nội rất mong sớm được hỗ trợ cho công nhân mua, thuê nhà giá rẻ giống như căn hộ 100 triệu đồng tại các tỉnh Bình Dương.
Theo khảo sát của Công đoàn các KCX-KCN Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 8 KCN đang hoạt động với hơn 144.000 lao động. Trong số này, gần 70% là lao động nhập cư, phải thuê nhà ở. Tiền thuê nhà ở của công nhân dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng, trang thiết bị đi kèm gần như không có gì. Chi phí gửi trẻ từ 1 - 1,2 triệu đồng/cháu/tháng khiến nhiều công nhân phải gửi con về quê, hoặc nhờ ông bà ra trông con.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội cho hay, trước đây thành phố cũng đã thí điểm xây nhà cho công nhân độc thân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Tuy nhiên, đến nay khu nhà ở đó không còn phù hợp, bởi các công nhân đều xây dựng gia đình và có con cái.
"Trước những bức xúc của người lao động (NLĐ), chúng tôi đã kiến nghị thành phố nên xây dựng nhà ở cho công nhân giống như mô hình nhà ở xã hội. Theo đó, mỗi KCN-KCX dành 20.000 - 30.000 m2 để xây nhà cho công nhân. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế tại các KCX-KCN là mong mỏi rất lớn của NLĐ trong hàng chục năm nay. Chúng tôi đã khảo sát nhu cầu của người lao động về nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, điểm sinh hoạt văn hóa… và mong muốn đề án xây nhà giá rẻ cho công nhân sớm được triển khai, để NLĐ được hưởng thụ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước”.
Nhà giá rẻ cho công nhân chỉ 5 triệu đồng/m2
Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ, tại nhiều KCN, tỷ lệ nhà ở xây dựng cho công nhân mới chỉ đạt khoảng 5 - 10%. Trên 90% công nhân đang phải ở tại các khu nhà trọ, nhiều khu trong đó không đảm bảo điều kiện. Nhiều KCN chưa có nhà trẻ mẫu giáo, anh chị em công nhân phải gửi con cái cho các cơ sở tư nhân, không đảm bảo an toàn.
“Tại Hà Nội và một số địa phương, Tổng LĐLĐ sẽ xây dựng chung cư với diện tích 30 - 50 m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m2, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn. Các căn hộ này có gác lửng, có phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, đáp ứng nhu cầu ở cho 2 vợ chồng và con cái.
Ngoài ra, dưới tầng 1, sẽ có thêm nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân, xung quanh có khuôn viên, cây xanh, sân chơi bãi tập để phục vụ đời sống tinh thần của NLĐ… Với mức giá này, công nhân có thể mua hoặc thuê để ở”, ông Chính nói.

tin liên quan

Hà Nội thiếu nguồn cung nhà giá rẻ
Theo nghiên cứu thị trường bất động sản mới đây của Công ty TNHH Savills Việt Nam, TP.Hà Nội đang thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, số lượng giao dịch thành công nhà giá dưới 20 triệu đồng/m2 đang ít dần. 
Về tiến độ triển khai, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐ) cho hay, Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN - KCX, ngoài xây nhà ở cho công nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày ngày 12.5. Đây là “chìa khóa” để Tổng LĐLĐ và các địa phương triển khai đề án trong thời gian tới.
“Chính phủ đã hỗ trợ, Tổng LĐLĐ cũng đã ký kết hợp tác với ngân hàng Vietinbank hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân. Chúng tôi hiểu NLĐ rất mong mỏi sớm có nhà ở để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, tại Hà Nội, đề án triển khai nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự vào cuộc của lãnh đạo TP Hà Nội. Nếu Hà Nội sớm dành đất sạch, tạo điều kiện về thủ tục hành chính và gửi đề án sớm, chắc chắn sẽ dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong năm tới”, ông Tiêm nói.
Ưu tiên công nhân ở xa, gắn bó lâu với doanh nghiệp
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện 4 khu đất bố trí theo quy hoạch để xây dựng nhà ở công nhân gồm có: Phú Nghĩa, Thăng Long, Quang Minh 2, Thạch Thất - Quốc Oai. Một số KCN không có quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân gồm: Nội Bài, Sài Đồng, Nam Thăng Long. Hiện thành phố đang giao Sở QH-KT kiểm tra, rà soát và đề xuất bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân theo quy định. Trước mắt đầu tư cho 1 - 2 KCN để phục vụ công nhân.
Trước băn khoăn của NLĐ về đối tượng nào sẽ được ưu tiên mua nhà, ông Đinh Quốc Toản cho hay, đề án dành cho tất cả các đối tượng công nhân lao động tại các KCN-KCX. Trước mắt, sẽ ưu tiên cho đối tượng là công nhân ở xa, công nhân đã có gia đình và công nhân có thời gian gắn bó lâu năm tại doanh nghiệp.
Ông Mai Đức Chính cho biết, Tổng LĐLĐ cũng đang xây dựng quy chế phân phối nhà dành cho công nhân theo các tiêu chí, trong đó tính toán đến thời gian công tác, mức chi trả, thời hạn chi trả...
Trong năm 2017, sẽ thí điểm xây dựng 10 thiết chế cho công nhân các KCN. Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tiếp tục xây dựng 4 thiết chế tại các KCX - KCN. Trước hết, Tổng LĐLĐ đang phối hợp với một số địa phương, để địa phương dành đất sạch cho tổ chức công đoàn xây dựng các thiết chế.
“Khi các địa phương bố trí được đất sạch, chúng tôi sẽ xây dựng theo mô hình các khu nhà ở, khu chung cư với các căn hộ từ 30 - 50 m2, giá thành bình quân khoảng 5 triệu đồng/m2”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Theo Đề án mới được Thủ tướng phê duyệt, từ năm 2017 - 2018, phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các KCN-KCX. Trong năm 2017, sẽ triển khai tại 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Nam, Hà Nam và Tiền Giang.
Từ năm 2018 - 2020, hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các KCN-KCX. Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN-KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.