Nhật Bản bắt đầu trận đấu này với lối chơi chậm, không hề giống với cách mà đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc khiến cho phần còn lại của thế giới bóng đá khiếp sợ từ đầu World Cup đến giờ.
Có lẽ người Nhật e ngại rằng nếu họ chơi nhanh ngay từ đầu, họ không đủ thể lực và sự dẻo dai đến hết trận trước các cầu thủ Thụy Điển vốn có thể hình tốt hơn. Nhưng một khi đội tuyển nữ Nhật Bản chọn lối đá chậm chắc, không khác lối chơi của chính đội Thụy Điển, chẳng khác nào các cô gái châu Á dùng sở đoản của mình đấu với sở trường của đối phương.
Thực tế những gì diễn ra trên sân cho thấy, ở thời điểm Nhật Bản từ bỏ lối đá chậm. Khi Nhật Bản tăng tốc trong hiệp hai, hàng thủ của Thụy Điển thực sự lúng túng, các hậu vệ đội bóng Bắc Âu nhiều lần phá bóng hỏng trong những pha bóng bị gây sức ép bởi tốc độ và sự linh hoạt của các cầu thủ tấn công bên phía đội bóng châu Á.
Ngoài ra, khi Nhật Bản tăng tốc, một nhược điểm khác của đội Thụy Điển lộ ra, đó là cầu thủ đội này xoay xở trong phạm vi hẹp khá kém. Đấy cũng là điểm yếu chung của các cầu thủ đến từ khu vực Bắc Âu: họ cao lớn, nhưng thiếu linh hoạt.
Tiếc rằng người Nhật không chơi nhanh sớm hơn, như họ từng thực hiện trước đối thủ Na Uy ở vòng 16 đội cách nay chỉ ít ngày.
Khi đội tuyển nữ Nhật Bản đá nhanh, họ đâu kém đối thủ về mặt tốc độ, dù sải chân ngắn hơn. Nhiều tình huống trong hiệp hai, cầu thủ Nhật xuất phát sau cầu thủ Thụy Điển, nhưng cuối cùng vẫn vượt lên trước để xâm nhập khu vực 16m50 của đối thủ. Chi tiết này cũng chứng tỏ thể lực của đội Nhật không kém đối thủ.
Cũng phải nói thêm rằng sự thiếu may mắn khiến cho các toan tính của HLV Futoshi Ikeda bên phía đội tuyển nữ Nhật Bản phá sản quá sớm. Tình huống Fūka Nagano để bóng chạm tay trong khu vực 16m50 của Nhật Bản ở phút 50 là điển hình cho sự thiếu may mắn đấy. Fūka Nagano hoàn toàn bị động sau pha đánh đầu phá bóng hỏng của đồng đội đứng quá gần cô gái này.
Vì pha bóng chạm tay, Nhật Bản phải chịu quả phạt đền và chịu bàn thua thứ 2, khiến cho trận đấu đột ngột trở nên xa tầm với của nhà cựu vô địch thế giới. Bằng ngược lại, cách biệt chỉ 1 bàn sau hiệp 1 chưa là gì đối với đội Nhật Bản, nếu như không có tình huống họ bị phạt 11m không may vừa nêu.
Sau đó, các cầu thủ Nhật Bản còn không may khi liên tiếp sút trúng xà ngang và cột dọc ở các tình huống đá phạt đền và phạt trực tiếp ở các phút 75 và 86. Khiến cho bàn gỡ 1-2 của Honoka Hayashi ở phút 87 trở nên quá muộn màng.
Có lẽ thần may mắn không mỉm cười với người Nhật ở trận tứ kết diễn ra chiều 11.8. Tuy nhiên, trước tiên, khi thất bại trước Thụy Điển, đội bóng châu Á nên tự trách bản thân, rằng họ đã quá thận trọng trước tên tuổi của đội cựu á quân thế giới, quá thận trọng khi không sớm phát huy lối đá mà họ giỏi nhất, thay vì cố gồng mình chống đỡ đối thủ trong khoảng thời gian đầu trận đấu!
Vì sao Huỳnh Như và Thùy Trang không tham dự ASIAD 19
Bình luận (0)